Dấu xưa đình Bình Dương

Cập nhật: 08-02-2014 | 00:00:00

 Đình Phú Long, xưa gọi là Phú Long linh miếu, nằm bên dòng sông Sài Gòn thơ mộng, thuộc phường Lái Thiêu, TX.Thuận An. Đặc điểm nổi bật và chính điều này đã đưa đình Phú Long trở thành ngôi đình duy nhất được xếp hạng di tích về mặt kiến trúc - nghệ thuật chính là nghệ thuật ghép tranh gốm được trang trí ở toàn bộ mặt tiền đình. Trải qua hơn 100 năm, các mảnh ghép nơi đây vẫn bóng màu men như kể về bàn tay tài hoa của người thợ và lưu dấu một nghề thủ công truyền thống nổi tiếng của đất Lái Thiêu: nghề gốm sứ.    Toàn cảnh đình Phú Long

 Theo sự truyền khẩu của các cụ bô lão trong làng, đình được xây dựng khoảng năm 1842. Ban đầu, đình chỉ là một gian nhà tạm, đơn sơ, ghép bằng tranh tre nứa lá dựng trên nền đất để lấy nơi cho bà con thờ cúng. Đến năm 1865, đình được đại trùng tu, xây dựng lại toàn bộ. Sau đó, đình được trùng tu thêm nhiều lần nữa vào những năm 1935, 1997… nhưng về cơ bản vẫn giữ nét kiến trúc xây dựng năm 1865. Đình có kiến trúc kiểu chữ tam (ba nếp song song với nhau), theo lối “trùng thềm điệp ốc” (mái chồng lên nhau, nhà nối liền nhà), lợp ngói âm dương. Ngôi chánh điện gồm tiền điện, trung điện và hậu điện. Ngoài ra, ngôi chánh điện còn có nhà võ ca là nơi đoàn hát bội trình diễn tuồng tích phục vụ thần trong các ngày lễ hội. Không gian đình toát lên vẻ kín đáo, u nhàn, các bức tường rào xây thấp cùng vườn cây và khung cảnh sông nước tạo thành quang cảnh vừa đẹp, vừa thân quen của các ngôi đình Nam bộ.

Đình thần là nơi thờ Thành Hoàng và Thành Hoàng của đình Phú Long chính là Thành Hoàng Bổn Cảnh đã được vua Tự Đức sắc phong vào năm 1853. Ngoài vị thần chủ là thần Thành Hoàng, đình Phú Long còn phối thờ Ngũ Hành nương nương, Thần Nông, ông Hổ. Các vị tiền nhân có công khai khẩn, có công đóng góp xây dựng đình làng trở thành Tiền hiền, Hậu hiền cũng được đặt ban thờ trong gian chánh điện. Có thể nói, đình Phú Long chính là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, là nơi gửi gắm những cầu mong, ước vọng của người dân trong vùng.

Nếu chỉ có lịch sử và kiến trúc như trên, đình Phú Long cũng như tất cả các ngôi đình khác ở Bình Dương. Nhưng điều khác biệt và góp phần quan trọng để đưa đình Phú Long là ngôi đình đầu tiên được công nhận là di tích cấp quốc gia, là ngôi đình duy nhất được xếp hạng về mặt kiến trúc - nghệ thuật đó chính là nghệ thuật ghép tranh bằng gốm sứ mà cho đến hiện nay vẫn được trùng tu, bảo tồn hầu như nguyên vẹn. Toàn bộ mặt tiền chính, mặt tiền hai đầu hồi đình được trang trí bằng những mảnh gốm đầy màu sắc tạo thành nhiều đề tài dân gian truyền thống.    Nghệ thuật tranh ghép gốm

Trên nóc mái là đề tài “Lưỡng long tranh châu” với hai con rồng bằng gốm sứ quẫy đuôi vào nhau, ở giữa là trái châu bằng gốm. Những vân mây theo thể hồi văn chạy dài trên nóc đình được đắp bằng xi măng và đều được cẩn bằng mảnh gốm. Thấp hơn một chút và được bố cục rất hài hòa là các đề tài: “mai công” (chim công và hoa mai), “ngư long hí thủy” (cá chép và rồng giỡn nước), “công lộc hầu” (chim công, hươu và khỉ)…

Trên mái trung điện, hai đầu hồi cùng nhà đông lang cũng được đắp, cẩn bằng gốm sứ những linh vật quen thuộc và rất có ý nghĩa: Long, lân, quy, phụng cùng một vài bảo vật ghi dấu ấn của Đạo giáo. Đặc biệt, ở khoảng giữa trung điện và chánh điện có một bao lam được ghép bằng mảnh gốm sứ men màu xanh thể hiện tứ linh (long, lân, quy, phụng), Bát tiên, cá hóa rồng…

Có thể thấy, tranh ghép gốm ở đình Phú Long là sản phẩm sáng tạo từ bàn tay, khối óc của người Lái Thiêu và nguyên vật liệu là những mảnh gốm cũng được sản sinh từ vùng đất Lái Thiêu này. Từ rất sớm, do có nguồn đất sét phong phú, do vị trí địa lý thuận tiện cho việc giao thương từ Bình Dương với Sài Gòn, từ Bình Dương tới những tỉnh miền Tây, Lái Thiêu nhanh chóng trở thành một trong những trung tâm gốm sứ của cả tỉnh. Nơi đây, gốm sứ vừa được trực tiếp sản xuất, vừa được xuất bán đi khắp nơi và nghề gốm đã tạo ra một thiết chế kinh tế - văn hóa của cả vùng. Việc dùng những mảnh gốm sứ của địa phương để tạo thành tranh ghép gốm đã đưa nghề gốm thành nghệ thuật thể hiện óc sáng tạo trong nghề nghiệp và sự tôn kính đối với thần linh.

Gốm Lái Thiêu chủ yếu là gốm dân dụng với những màu sắc chủ yếu là màu xanh, màu da lươn, màu trắng. Tranh ghép gốm ở đình Phú Long vì vậy cũng chủ yếu được phối từ những màu trên một cách hợp lý. Những mảnh gốm màu trắng thường được gắn ở những họa tiết mây để làm nền cho những mảnh gốm màu xanh ở các vị trí như cánh chim, râu rồng trong khi đó màu da lươn lại điểm xuyết bằng cách tạo hình những linh vật nhỏ hơn là lân, hươu.

Những đề tài trang trí ở đình được ghép bằng vô số những mảnh gốm to, nhỏ theo chủ ý của người thợ. Có những chi tiết mà ta thấy dường như người thợ chỉ tùy tiện đặt lên nhưng lại vô cùng hợp lý và rất sinh động. Với vài chiếc chén chồng lên nhau, người thợ đã tạo thành hình thân cây trúc; với nhiều bát, ly lật úp lại, xếp lên nhau đã có thể tạo thành những mỏm núi đá chênh vênh, nhấp nhô. Lại có rất nhiều chi tiết mà đòi hỏi người thợ phải cắt tỉa, gọt giũa từng mảnh gốm để tạo thành những lá trúc, lông đuôi chim phụng, “mắt” đuôi chim công sắc sảo, tinh tế.

Nhưng nhìn chung, tranh ghép gốm ở đình Phú Long được tạo bởi những mảnh gốm vỡ hoặc những mảnh gốm được đập ra. Người thợ lựa những mảnh gốm không lớn lắm, khá đều nhau để có thể dễ dàng tạo ghép ở những khúc cong, ở những đường lượn. Sự tỉ mỉ, chính xác của người thợ khiến cho người xem bao thế hệ phải thán phục sự tinh tế và tài hoa của những nghệ nhân vô danh xưa.

Nghệ thuật làm tranh ghép bằng gốm sứ đã có lịch sử từ rất lâu đời, xuất hiện hơn 4.000 năm trước Công nguyên do người Xume ở vùng Lưỡng Hà sáng tạo. Loại tranh này ngày càng phát triển cả về kỹ thuật, màu sắc và được biết đến sâu rộng ở nhiều vùng, nhiều nước trên thế giới. Ở Việt Nam, kiến trúc cố đô Huế có nhiều tranh trang trí ghép bằng mảnh sứ.

Riêng ở Bình Dương cũng có nhiều công trình được gia công trang trí bằng gốm sứ rất hoành tráng như cổng chùa Hội Khánh (TP. Thủ Dầu Một), đình Bình Nhâm (P.Lái Thiêu, TX.Thuận An), đình Bà Lụa (P.Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một)… nhưng do sự tàn phá của thời gian và do không được bảo quản, tôn tạo đúng mức, phần tranh trang trí bằng gốm sứ ở những công trình này đã bị hư hại rất nhiều. Ở đình Bình Nhâm và đình Bà Lụa thì hầu như đã hư hại hoàn toàn, những mảnh gốm sứ đã rơi ra hết, trơ lại phần xi măng hoặc bị đất đắp phủ lên. Hy vọng, trong tương lai không xa những công trình trên cũng được sự quan tâm, đầu tư tôn tạo đúng mức để cũng như đình Phú Long, tranh ghép gốm nơi đây không chỉ là một nghệ thuật mà còn lưu dấu một nghề thủ công truyền thống thịnh vượng: nghề gốm sứ.

 ĐỖ THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=816
Quay lên trên