Đầu xuân nói chuyện nhân tài

Cập nhật: 05-02-2011 | 00:00:00

Thưa Giáo sư Hoàng Xuân Sính, có thể nói, sự kiện Giáo sư Ngô Bảo Châu được giải thưởng Fields đã trở thành một hiện tượng đặc biệt trong năm cũ. Qua đây mỗi người đều rút ra nhận định cho riêng mình, bản thân bà nghĩ sao về việc này?

Không chỉ cả nước vui mừng, tất cả Việt kiều ở khắp nơi trên thế giới mà tôi gặp, họ đều vui sướng. Thậm chí cả những gia đình bản địa có quan hệ với gia đình Việt Nam cũng rất tự hào về người Việt Nam. Điều đó quý lắm, từ đó nói lên rằng nhân tài được trân trọng ở khắp nơi trên thế giới. Thế giới này có tiến bộ hay không là nhờ nhân tài. Chuyện này còn chứng minh người Việt Nam có tố chất nhân tài, có tố chất chiếm lĩnh các đỉnh cao khoa học.

Nhưng chỉ tố chất thôi chưa đủ, phải hội tụ nhiều điều kiện nữa mới làm thành chuyện. GS Ngô Bảo Châu được sinh ra trong gia đình trí thức lớn và điều kiện kinh tế lại không khó khăn. Học xong phổ thông, lại được theo học những trường đào tạo tinh hoa của nước Pháp. Tất cả những cái tốt nhất, tốt nhất đó hội tụ lại, cùng với tố chất đặc biệt ở anh đã làm nên GS Ngô Bảo Châu hôm nay. Cái tố chất nổi bật của GS Ngô Bảo Châu, tôi đã thấy người mẹ anh và ông Chủ tịch Paris 11 chung nhận xét: Đó là tính điềm đạm và chín chắn. Điều này khá quan trọng, nhưng phần đông lại không chú ý, luôn cho rằng đấy là điều nhỏ nhặt và thích những cái gì đó cao siêu hơn. Nhưng với tôi đấy chính là đức tính đưa con người tới đỉnh cao của khoa học.

GS Ngô Bảo Châu nhận giải thưởng Fields từ Tổng thống Ấn Độ Pratibha Patil tại lễ khai mạc Đại hội Toán học thế giới ở Hyderabad, Ấn Độ trưa ngày 19/8/2010

Rõ ràng trong mấy chục năm qua, chúng ta mạnh về bồi dưỡng, phát hiện năng khiếu toán học. Nhưng để đào tạo thành những nhà toán học giỏi, chúng ta lại tỏ ra yếu kém. Thưa Giáo sư, phải chăng từ năng khiếu đến nhân tài luôn là một khoảng cách rất lớn, cần một môi trường tương ứng để có thể phát triển?

Việt Nam từng có nhiều nhà toán học nổi tiếng, và nói đến điều này, không thể không thể không nhắc đến những tên tuổi lớn như GS Tạ Quang Bửu, Lê Văn Thiêm… Nhưng có điều, các nhà toán học này đều được đào tạo từ môi trường khoa học nước ngoài. Học sinh Việt Nam được nhận xét là có khả năng tư duy trừu tượng, thuận lợi cho phát triển toán học. Qua từng kỳ thi toán, vật lý quốc tế, nhiều học sinh Việt Nam đoạt giải cao, nhưng trong số đó không mấy ai trở thành nhà toán học có tiếng. Hiện tượng GS Ngô Bảo Châu thật là hiếm. Nếu anh học xong phổ thông, tiếp tục với các trường ĐH trong nước, thì giỏi lắm cũng chỉ là một anh giáo sư đại học hàng ngày lên lớp dạy mà thôi, có làm nghiên cứu thì trình độ cũng chung chung. Cái phóng anh lên cao là thời kỳ được đào tạo và môi trường làm việc sau đó ở nước ngoài.

Thực ra để đưa ra một sự so sánh là khập khiễng. Châu Âu từ thế kỷ XV, thậm chí trước đó đã có những nhà bác học lớn. Trong khi nước ta, đến bây giờ vấn đề xóa mù chữ vẫn còn được đặt ra. Ngành giáo dục dù có nhiều kỳ vọng, mục tiêu. Nhưng muốn nói gì thì nói, vẫn phải nhìn vào thực tế. Quan điểm của tôi là đất nước còn nghèo, tạo ra nhân tài là rất khó. Đây phải là những chặng đường rất tỷ mỷ, công phu.

Đào tạo nhân tài đã khó vậy, nhưng việc thu hút nhân tài dường như vẫn là câu chuyện dài luẩn quẩn. Phần lớn những người được đánh giá là có năng lực đều chọn nước ngoài hoặc chí ít là các công ty nước ngoài làm nơi phát triển năng lực. Giáo sư nghĩ sao về vấn đề này?

Đấy là một thực tế chúng ta phải chấp nhận. Nói một cách khó nghe là đã đi du học, không ai muốn trở về vì thu nhập trong nước thật khó sống. Tôi quen một cô bé, được giải toán và nhận học bổng của Pháp, cũng sang Pháp học, cũng tiến sỹ và dạy ở ĐH Pháp một số năm, vì vấn đề gia đình phải về Việt Nam. Khi đó cô được hưởng lương khởi điểm 800 nghìn đồng, mấy năm sau tăng lên 1,6 triệu. Khi tôi hỏi sao Viện Toán lại trả cho cô ấy ít tiền thế, thì nhận được câu trả lời là suất lương chỉ có vậy. Thế đấy. Điều rất mừng là các chính sách phát triển, rồi thu hút nhân tài đã được quan tâm hơn, nhưng tất cả đều bị hạn chế bởi cái lực bất tòng tâm về kinh tế. Nên tôi mới nói, rất khó có sự vực dậy nền khoa học nếu điều kiện kinh tế chưa hoàn toàn phát triển, tình trạng quan liêu và tham nhũng chưa bớt đi.

Vậy dường như còn lâu lắm chúng tamới hy vọng có một hiện tượng như Giáo sư Ngô Bảo Châu nữa đã đành, mà việc thu hút được những nhân tài thực sự cũng là chuyện khó nếu chưahội tụ được những điều kiện cần và đủ, thưa Giáo sư?

Thực ra trong đời giảng dạy, tôi đã chứng kiến nhiều học sinh có tố chất. Nhưng do môi trường công tác, do điều kiện vật chất, tài năng của họ cứ bị lấp dần, không thể phát triển được. Ngày xưa thì đỗ lỗi cho cơ chế bao cấp, bây giờ thông thoáng hơn, nhưng xã hội lại chuộng bằng cấp quá. Tôi giúp đỡ con gái một cô lao công, cháu theo học một trường cao đẳng. Tôi mừng vì nghĩ sau ba năm học kế toán, cháu sẽ đi làm, giúp đỡ mẹ. Nhưng cô ấy lại bảo, cháu phải học liên thông lên đại học. Tôi sợ sau đó cô ấy lại muốn liên thông lên thạc sỹ hay gì đó. Phải chăng bây giờ đào tạo của các trường kém quá, nên cầm cái bằng cao đẳng đi xin việc người ta không tin, phải liên thông lên ĐH. Rồi bằng ĐH người ta vẫn không tin lại liên thông lên thạc sỹ... Thành ra cả xã hội đi học, bằng cấp đầy mình, nhưng không có thực lực.

Nhưng tôi nghĩ năm mới chúng ta cũng không nên bi quan, cần phải có thời gian, có lộ trình. Tôi có cảm giác cả ngành giáo dục cũng như xã hội mình đang nôn nóng quá. Hơn nữa, bây giờ đừng nhìn vào từng hiện tượng cá biệt để tạo ra chính sách đãi ngộ, thu hút. Nên nhìn trên một tổng thể rộng hơn, để có một sự thay đổi hợp lý. Có một chuyện thế này, khi Trường ĐH Thăng Long muốn hợp tác với một trường ĐH lớn, họ chỉ hỏi hai điều: Sinh viên vào đóng học phí bao nhiêu và lương giáo sư bao nhiêu? Tôi nói lương giáo sư 500 đôla một tháng. Họ nói họ không thể hợp tác được. Bởi giáo sư hưởng lương 500 đôla không thể giỏi được và điều đó cũng nói lên là giáo sư hai bên nói chuyện không thể hiểu nhau. Câu chuyện làm tôi thấm thía ghê lắm. Lúc đó tôi không thể bịa là giáo sư lương mấy nghìn đô la để hợp tác lấy được. Bởi thế vẫn trở lại chuyện đất nước cần giàu có lên, từ đó mới có lực đẩy lực cho bệ phóng nhân tài. Hơn nữa, cũng cần coi trọng người có tài năng thật sự và những chế độ đãi ngộ phải thỏa đáng, minh bạch, không chỉ với những nhà khoa học, mà còn là những nhân tài ở nhiều lĩnh vực khác của đời sống xã hội.

Xin cảm ơn Giáo sư về cuộc trò chuyện thân tình!

(Theo Kinh tế & đô thị)
Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X