Dạy con… kiểu Pháp!

Cập nhật: 05-03-2012 | 00:00:00

Nếp ăn uống là một trong những cột trụ quan trọng trong quá trình nuôi dạy trẻ và là khởi điểm của một hành trình khám phá thú vị về phương pháp giáo dục trẻ em kiểu Pháp.

Cuối năm 2011, cuốn sách French children don’t throw food của tác giả người Mỹ, Pamela Druckerman đã tạo nên một cơn sốt mới về vấn đề phương pháp giáo dục con cái trên toàn cầu. Chính bà Amy Chua, tác giả cuốn Khúc chiến ca của Mẹ Hổ, sau khi đọc cuốn sách này đã phải thốt lên: “Tôi không thể đặt xuống cho tới khi đọc xong. Thông minh, vui nhộn nhưng đầy gợi mở và rất đáng suy nghĩ”.

 Pamela Druckerman sống tại New York với chồng là người Anh và con gái. Duyên cớ của cuốn sách bắt đầu khi cô con gái Bean được 18 tháng tuổi và gia đình chị quyết định tới Pháp du lịch. Chuyến du lịch tưởng chừng sẽ rất thú vị đã nhanh chóng biến thành cơn ác mộng mỗi khi đến giờ ăn. Bean quậy tưng mọi thứ và không chịu ngồi yên. Pamela và chồng vô cùng mệt mỏi.

Nhưng đúng lúc đó cô nhận ra những đứa trẻ người Pháp bằng tuổi con mình xung quanh không hề như vậy. “Chúng ngồi ngoan ngoãn trong chiếc ghế ăn, chờ đợi đồ ăn được bố mẹ đưa tới và ăn ngon lành dù đó có thể là cá và rau”.

Vậy là Pamela khi đó 41 tuổi bắt đầu cuộc tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi mà cô vô cùng thắc mắc: tại sao những phụ nữ Pháp có thể dạy cho những đứa trẻ của mình như vậy?

Mặc dù cái tựa của cuốn sách có vẻ đơn giản nhưng đối với Druckerman, nếp ăn uống là một trong những cột trụ quan trọng trong quá trình nuôi dạy trẻ và là khởi điểm của một hành trình khám phá thú vị về phương pháp giáo dục trẻ em kiểu Pháp.

Chị phát hiện ra rằng những đứa trẻ Pháp có thể ngủ liền một mạch suốt đêm từ tám tuần tuổi, không cáu kỉnh ầm ĩ giữa công viên, ăn một cách ngon lành các chất dinh dưỡng bổ dưỡng cho cơ thể và không cần đến quá nhiều sự quan tâm chú ý của bố mẹ.

Không chỉ tạo nên một cách dạy con rất hiệu quả, theo tác giả cuốn sách, các ông bố bà mẹ Pháp còn có thể tiếp tục làm chủ được cuộc sống tuổi trẻ của họ. Pamela thực hiện điều tra xã hội học với những phụ nữ có trình độ học vấn đại học tại Paris.

Và kết quả là đa số họ trở lại ngay với công việc sau khi sinh con. Không chỉ vậy, họ nhanh chóng trở lại được vóc dáng không khác gì thời kỳ trước khi có em bé. Có thể tóm lại rằng phụ nữ Pháp xây dựng một cách thành công giá trị của mình với đầy đủ ba vai trò: người phụ nữ, người vợ và người mẹ.

Bí quyết giúp các bậc phụ huynh Pháp đạt được thành quả đó được Pamela giải thích: “Họ quan niệm rằng cha mẹ không phải dịch vụ tức thời của con cái. Không cần thiết phải cảm thấy có lỗi khi tỏ ra không quá chăm lo, âu yếm với chúng”. Như vậy liệu có phải bố mẹ vô trách nhiệm với con cái?

Pamela lý giải ở đây là sự xây dựng và thực hiện một hệ thống những giới hạn mà trong đó trẻ có thể tự tổ chức đời sống cho mình với sự tự do rất lớn. Điều này bao gồm những cách thức xử lý vấn đề như không vồ vập ngay khi trẻ khóc, nhưng cho chúng cơ hội tự bình tĩnh lại. Hay dạy trẻ cách tự chơi một mình. Và đặc biệt quyết tâm xây dựng bữa ăn gia đình tích cực cũng như xây dựng cho trẻ chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng.

Ngay sau khi xuất bản, cuốn sách của Pamela Druckerman đã trở thành best-seller tại nhiều nước đặc biệt là Mỹ. Những diễn đàn trao đổi được lập ra để trao đổi về việc ứng dụng cách giáo dục Pháp với con cái. Đặc biệt sự hoàn hảo của cách giáo dục này thậm chí khiến nhiều người hoài nghi về sự xác thực của cuốn sách.

Thậm chí phóng viên Katie Boucher của tờ The National đã thực hiện một phóng sự về chuyện có hay không một phương pháp dạy con kiểu Pháp như vậy. “Những tìm hiểu của tôi tại Paris và đặc biệt là với những phụ nữ Pháp đang sống tại nhiều quốc gia khác nhau, cho thấy quả thực tư duy giáo dục con cái của người Pháp đã có từ khá lâu và giờ đây nó vẫn tồn tại trong các gia đình Pháp”, nữ nhà báo này viết.

Theo Katie Boucher, hệ thống chăm sóc trẻ em tại Pháp cũng tạo nên một sự cộng hưởng rất hiệu quả cho các bậc phụ huynh. “Môi trường an toàn và thân thiện, các bé được chăm sóc bởi những người có trình độ đại học với chế độ dinh dưỡng vô cùng tốt. Điều đó khiến các bà mẹ chắc chắn là yên tâm và không cảm thấy có lỗi khi gửi con tới nhà trẻ từ sớm để trở lại với công việc của họ”.

Chuyên gia xã hội học về gia đình Alan Erickan, thuộc đại học Michigan, Mỹ, cho rằng nếu như câu chuyện của mẹ hổ Amy Chua có phần cá biệt và cực đoan thì phương pháp giáo dục trẻ em của người Pháp trong cuốn sách của Pamela có tính ứng dụng cao hơn và không quá gò ép đứa trẻ vào những khuôn mẫu chặt chẽ, nặng nề. “Thực tế là đứa trẻ sẽ vẫn giữ được thế giới tâm hồn tự nhiên của chúng và cách giáo dục của các bà mẹ Pháp không biến đứa trẻ thành những cỗ máy làm việc theo nguyên tắc mà chính là xây dựng cho trẻ cách nhận thức cuộc sống tích cực”.

Theo SGTT

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=376
Quay lên trên