Ngăn nắp, gọn gàng là một trong những phẩm chất rất cần bồi dưỡng cho trẻ. Trong cuộc sống, nhờ có phẩm chất này, trẻ sẽ hoàn thành có hiệu quả những công việc của mình.
Bạ đâu vứt đó
Chị Hương Thảo (Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng) than vãn về tính luộm thuộm của các con mình: “Hai đứa con gái nhà tôi, một lên tám, một lên năm, khi nào chúng ở nhà thì mọi ngóc ngách đều bừa bộn đồ đạc. Đang học bài, sách vở, đồ dùng học tập vất chỏng chơ trên bàn, ghế, trên nền nhà, hai đứa nhỏ lại chuyển sang chơi đồ chơi. Mỗi khi có việc nhờ con giúp như nhặt rau, rửa bát hay xếp quần áo… y như rằng tôi phải làm lại. Những lúc đi làm về, tôi phải mệt bở hơi tai mới dọn hết những thứ mà các con “tung tẩy”. Tôi rất muốn dạy con tính ngăn nắp, cẩn thận, làm việc đến nơi đến chốn nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu”.
Cùng con trao đổi và đặt ra các quy định
Trong gia đình nên thống nhất đặt ra một vài nội quy mà mọi người phải nghiêm chỉnh chấp hành. Chẳng hạn, không được để đồ đạc, áo quần lung tung, đồ chơi không để vung vãi choán hết đường đi trong nhà. Áo quần bẩn thay ra phải để gọn gàng trong giỏ chờ giặt, quần áo sau khi giặt sạch phải được xếp và cất vào tủ cẩn thận. Sau khi học bài, nghiên cứu tài liệu thì sách vở phải được xếp lên kệ gọn gàng, đúng vị trí; giày dép sau khi mang phải được bỏ ngay ngắn trong kệ; ngủ dậy thì giường chiếu phải được dọn dẹp ngăn nắp… Cha mẹ không nên áp đặt, hãy cho trẻ cơ hội bàn bạc để trẻ có trách nhiệm với nội quy mà chính bản thân chúng được góp ý xây dựng. Quy định phải nghiêm khắc nhưng phù hợp với điều kiện cụ thể để trẻ có thể thực hiện. Khi đã đặt ra nội quy, phải duy trì nghiêm chỉnh.
Sắp xếp chỗ để hợp lý
Hãy trang bị trong phòng trẻ những chiếc giá treo đơn giản, vừa tầm với để chúng treo những món đồ lặt vặt như găng tay, nón, túi xách… Tặng cho trẻ những chiếc hộp nhựa xinh xắn để đựng cặp tóc, nơ, các món trang sức… Đặt ở mỗi phòng một chiếc giỏ đựng đồ chơi vì trẻ có thể chuyển trò chơi từ phòng này sang phòng khác. Ban đầu trẻ sẽ khó chấp nhận, nhưng bạn hãy nghiêm khắc nói với trẻ rằng, nếu không biết thu dọn đồ chơi gọn gàng thì lần sau sẽ không có đồ để chơi nữa. Biện pháp này giúp cho trẻ tự giác dọn dẹp đồ chơi, và nhà bạn đỡ bừa bộn hơn.
Cùng trẻ phân loại đồ dùng
Có những loại đồ vật thường được dùng hàng ngày, nhưng cũng có những đồ vật ít khi dùng đến, nhất là những đồ vật mang tính thời vụ như đồ chơi vào dịp Trung thu hay Nô-en, áo quần mùa đông, đồ đi bơi… Do đó, cha mẹ phải cùng con phân loại, sắp xếp những đồ vật theo nhu cầu. Đồ thường dùng để những nơi dễ lấy để khi cần, trẻ không phải lục tung lên. Những món đồ ít dùng nên cất gọn trong những nơi quy ước sẵn. Giáo dục trẻ cách tận dụng những vị trí như ngăn kéo, dưới gầm giường, gầm cầu thang… để chứa đồ ít dùng tới. Việc làm này cũng giúp trẻ ý thức là mình không được tự tiện bày ra ở những vị trí làm ảnh hưởng đến người khác.
Cha mẹ làm gương cho con
Cha mẹ phải luôn là tấm gương cho con về tính gọn gàng, cẩn thận để chúng học tập thông qua những hành động và việc làm cụ thể. Làm sao con chúng ta có thể ngăn nắp, sạch sẽ khi chúng ta sống luộm thuộm, nhà cửa ngổn ngang, đồ đạc vương vãi lung tung…Trẻ cũng cảm thấy rất tự hào và thoải mái khi được sống trong môi trường ngăn nắp, gọn gàng. Vì thế, cha mẹ hãy giáo dục con cách sống có tổ chức, kỷ luật ngay trong gia đình mình.
Theo PNO