Đẩy mạnh chuyển đổi số, tạo cú hích xuất khẩu

Cập nhật: 10-01-2022 | 08:34:59

Linh hoạt thích ứng với tình hình mới, Bình Dương đang triển khai các nhóm giải pháp để phục hồi sản xuất, kinh doanh, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng và tạo động lực mới cho tăng trưởng xuất khẩu. Các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn đã tăng tốc chuyển đổi số, đẩy mạnh sản xuất nhằm lấy lại đà tăng trưởng.

 

Ngành công thương phối hợp với WTC BD đẩy mạnh kết nối các nhà cung ứng theo phương thức trực tiếp và trực tuyến

 Cứu cánh từ chuyển đổi số

Bình Dương là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 lần thứ tư, trong đó cộng đồng DN gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và xuất khẩu hàng hóa. Trở lại với trạng thái “bình thường mới”, các DN đã tận dụng được lợi thế, thực hiện các chiến lược phát triển.

Xuất khẩu của Bình Dương trong năm 2021 vẫn tăng trưởng ấn tượng, kéo theo nhu cầu về nguyên vật liệu phục vụ sản xuất và các dịch vụ hỗ trợ, góp phần phục hồi tăng trưởng chung của nền kinh tế. Cụ thể, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 31,5 tỷ đô la Mỹ, tăng 13,5% so với năm 2020. Thị trường xuất khẩu chính của Bình Dương là Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… ngày càng được mở rộng, phát triển.

Để triển khai các chiến lược mới, các DN đồng loạt thể hiện tinh thần vượt qua trở ngại, thách thức, đón cơ hội. Theo đó, DN mạnh dạn chuyển đổi số, xây dựng lại hệ thống quản trị nhà máy, lựa chọn những xu hướng phát triển đơn hàng theo thế mạnh nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu. Theo ông Nguyễn Minh Nhật, Giám đốc Công ty TNHH Nhật Nam (TX.Bến Cát), sau dịch bệnh Covid-19 đơn hàng tăng mạnh. Tuy nhiên, số lượng lao động lại sụt giảm nên đặt ra bài toán mới đối với DN về việc chuyển đổi phương án sản xuất phù hợp. “Chúng tôi rà soát hoạt động của công ty, quyết định đầu tư máy móc công nghệ cao, đồng thời chăm lo đời sống người lao động… để tạo ra cú hích mới, tăng tốc sản xuất, hoàn thành các đơn hàng đúng thời hạn”, ông Nhật chia sẻ.

Bà Trương Thị Thúy Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày, túi xách Bình Dương, cho rằng hiện hầu hết các sản phẩm xuất khẩu đòi hỏi công nghệ cao. Vì thế ngoài việc chủ động về công nghệ sản xuất, đổi mới quy trình, các DN mong muốn tỉnh có chiến lược phát triển nguyên phụ liệu, có cơ chế ưu đãi thuế quan đối với các dự án đầu tư vào sản xuất nguyên phụ liệu mới có thể giải quyết nút thắt về vấn đề quy tắc xuất xứ, giúp DN tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới.

Động lực cho mục tiêu mới

Theo đánh giá của lãnh đạo Sở Công thương, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, xúc tiến thương mại trên môi trường số đã trở thành giải pháp hiệu quả để hỗ trợ DN kết nối với thị trường trong nước và quốc tế; tận dụng tốt hoạt động xúc tiến trên môi trường số đã giúp DN xuất khẩu tiết kiệm chi phí, rút ngắn khoảng cách và thời gian, đồng thời tăng phạm vi và số lượng tiếp cận thị trường, khách hàng tiềm năng. Trong thời gian tới, ngành công thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ ngành hỗ trợ DN thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử. Tất cả vì mục tiêu xuất khẩu năm 2022 tăng 14,5%.

Theo bà Huỳnh Đinh Thái Linh, Giám đốc WTC BD, với vai trò là một tổ chức xúc tiến thương mại quốc tế đặt tại khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, WTC BD đã hình thành và phát triển các chiến lược cũng như các chương trình thực thi nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại. WTC BD sẽ phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và phát triển công nghiệp (Sở Công thương) để kết nối và tư vấn các DN vừa và nhỏ (SMEs) nâng cao năng lực chuyển đổi số, đưa các sản phẩm giao thương trên các sàn giao dịch thương mại điện tử trong và ngoài nước. Việc phối hợp với sàn giao dịch thương mại điện tử binhduongtrade.vn là khởi đầu cho các hoạt động này từ năm 2022.

WTC BD cũng đang thực hiện các phân tích nghiên cứu xu hướng trên thế giới về chuyển đổi số cũng như sự tác động các hiệp định thương mại tự do để thúc đẩy thương mại, đặc biệt là nỗ lực vượt qua khó khăn hậu Covid-19. Vấn đề DN cần quan tâm đó chính là việc hình thành cơ sở hạ tầng chuyển đổi số, hệ thống truyền thông, phương thức thanh toán trực tuyến cũng như cơ sở hậu cần logistics cho việc giao dịch trực tuyến. Từ năm 2022, WTC BD sẽ phối hợp với các SMEs để xây dựng chiến lược thực thi gắn liền với thực trạng DN thông qua các hoạt động đào tạo, tư vấn, triển lãm…

 Ngày 22-11-2021, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1968/QĐ-TTg phê duyệt đề án Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021-2030. Trọng tâm của đề án là thiết kế, xây dựng và vận hành hiệu quả hệ sinh thái xúc tiến thương mại số. Đây là hệ sinh thái kết cấu hạ tầng “mềm” gồm các nền tảng, như: Hội chợ, triển lãm số, kết nối giao thương thông minh, cơ sở dữ liệu chuyên ngành về xúc tiến thương mại, tư vấn, huấn luyện trực tuyến, thông tin khuyến mãi, thông tin định danh điện tử…

 TIỂU MY  

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=580
Quay lên trên