Đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại

Cập nhật: 31-01-2023 | 09:19:22

Thời gian qua, tình hình gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh Bnh Dương diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn, phương thức khác nhau, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác phát hiện và xử lý.

Thủ đoạn ngày càng tinh vi

Theo đánh giá, hiện nay tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh còn diễn ra phức tạp với nhiều thủ đoạn, phương thức khác nhau, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác phát hiện, kiểm tra bắt giữ và xử lý. Đáng chú ý là tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về sản xuất, buôn bán hàng giả ngày càng gia tăng. Một số mặt hàng giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm sở hữu trí tuệ được Công an (CA) tỉnh Bình Dương phát hiện như: Nệm, đường, bột ngọt, bột giặt, quần áo, giày dép, túi xách, mắt kính có dấu hiệu giả các nhãn hiệu nổi tiếng được sản xuất, bày bán công khai trên thị trường cùng nhiều hàng hóa nhập khẩu giả các thương hiệu nổi tiếng nhưng khó xử lý vì nhiều thương hiệu không có đại diện chủ sở hữu nhãn hiệu tại Việt Nam hoặc chủ sở hữu nhãn hiệu không tích cực hợp tác.


Lực lượng Công an tỉnh phối hợp các đơn vị liên quan kiểm tra kho hàng giả nhãn hiệu

Về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên địa bàn tỉnh, trong năm 2022, lực lượng nghiệp vụ CA tỉnh phối hợp với ngành chức năng phát hiện 968 vụ với 973 đối tượng, tăng 43 vụ so với cùng kỳ. Các hành vi vi phạm chủ yếu như vận chuyển, kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, vận chuyển, buôn bán hàng cấm; vi phạm về nhãn hàng hóa; vi phạm kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng; vi phạm lĩnh vực thuế... Trị giá hàng hóa tạm giữ ước tính 175 tỷ đồng. Riêng công tác chống hàng giả, từ năm 2020 đến nay, lực lượng cảnh sát kinh tế CA tỉnh Bình Dương đã phát hiện 30 vụ, 31 đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả.

Theo Thượng tá Bùi Phạm Hải, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, chức vụ, CA tỉnh thì nguyên nhân các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả vẫn bất chấp quy định của pháp luật để thực hiện hành vi phạm tội là do siêu lợi nhuận. Một sản phẩm làm giả có thể mang lại lợi nhuận gấp 3, gấp 5 lần. Do đó họ bất chấp quy định và không tính toán đến tác hại đối với xã hội. Mặt khác, do tâm lý chung của người tiêu dùng là thích dùng hàng ngoại, ham rẻ, đó chính là yếu tố tiếp tay cho hàng nhái, hàng giả lưu hành thuận lợi. Người tiêu dùng thường thiếu cảnh giác và ít có thông tin về sản phẩm nên khó biết được sản phẩm thật - giả nếu chưa được sử dụng.

Người tiêu dùng cần cảnh giác

Cũng theo Thượng tá Bùi Phạm Hải, do quy định của pháp luật về thực thi quyền sở hữu trí tuệ chưa được thực hiện đầy đủ, nhất là về pháp lý xác định hành vi và quy trình thủ tục trong quá trình kiểm tra nên hàng nhái vẫn còn “đất sống”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thủ đoạn hiện nay là đối tượng lợi dụng tâm lý người tiêu dùng thích sử dụng các thương hiệu quần áo thể thao giá rẻ trên thị trường nên tổ chức đường dây sản xuất hàng giả, chia ra nhiều khâu, nhiều công đoạn với nhiều đối tượng phụ trách khác nhau, như: Cắt thành áo, quần; may áo, quần chưa thành phẩm; may nhãn hông, nhãn cổ áo; ép nhãn; gấp xếp thành phẩm… với sự tham gia của nhiều đối tượng đều là người trong gia đình, có sự phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng.

Song song đó, các đối tượng lợi dụng nhu cầu tiêu dùng của người dân nên mua những sản phẩm trôi nổi trên thị trường sau đó đóng gói thành những thương hiệu nổi tiếng mang đi tiêu thụ, bày bán trên thị trường. Việc sản xuất, buôn bán hàng giả ảnh hưởng xấu đến phát triển sản xuất lưu thông hàng hóa trong nước, môi trường đầu tư và quyền lợi hợp pháp của các nhà sản xuất, kinh doanh chân chính, gây thiệt hại quyền lợi của người tiêu dùng.

Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đa dạng về mẫu mã, giá cả khác nhau và phong phú cả về chủng loại. Sự nguy hiểm thể hiện ở chỗ, bên cạnh việc gây thiệt hại về kinh tế nó còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng, đặc biệt là đối với thực phẩm giả. Xét về góc độ kinh tế, hàng giả, hàng nhái gây ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận của những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính; tác động tiêu cực đầu tiên là hành vi nêu trên làm mất uy tín của những doanh nghiệp có sản phẩm bị làm giả, khiến người tiêu dùng hiểu lầm, dẫn đến việc quay lưng lại với sản phẩm. Mặt khác, vì có lợi thế về giá cả so với với hàng “thật” mà hàng giả, hàng nhái khiến những mặt hàng chính hãng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng lâm vào tình trạng ế ẩm, suy giảm doanh thu.

“Tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả ở nước ta nói chung và địa bàn tỉnh Bình Dương nói riêng là một vấn đề phức tạp, đã và đang gián tiếp gây ảnh hưởng và tác hại lớn đối với sức khỏe của người tiêu dùng, ảnh hưởng lớn đến sự quản lý của nhà nước trong quản lý kinh tế, kìm hãm sự phát triển và tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên thị trường. Do vậy, đấu tranh phòng, chống hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả là nhiệm vụ quan trọng đặt ra cho các cơ quan bảo vệ pháp luật và của toàn dân, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh”, Thượng tá Bùi Phạm Hải cho biết thêm.

Về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên địa bàn tỉnh, trong năm 2022, lực lượng nghiệp vụ Công an tỉnh phối hợp với ngành chức năng phát hiện 968 vụ với 973 đối tượng, tăng 43 vụ so với cùng kỳ. Trị giá hàng hóa tạm giữ ước tính 175 tỷ đồng. Riêng trong công tác chống hàng giả, từ năm 2020 đến nay, lực lượng cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Bình Dương đã phát hiện 30 vụ, 31 đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả.

TÂM TRANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=382
Quay lên trên