Đẩy mạnh đấu tranh xử lý cà phê trá hình

Thứ năm, ngày 21/07/2011

Đó là khẳng định của Công an phường Phú Hòa (TX.TDM) sau loạt bài Nở rộ cà phê “thư giãn” của Nhóm phóng viên thời sự đăng trên báo Bình Dương từ ngày 14-7. Sau khi báo đăng, chúng tôi cũng đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi tích cực từ phía bạn đọc và người dân địa phương bày tỏ những bức xúc về loại tệ nạn xã hội này.

Triệt phá không khó

Trao đổi với chúng tôi, trung tá Hà Văn Thanh, Trưởng Công an phường Phú Hòa cho biết việc đấu tranh, xử lý, triệt phá loại tệ nạn xã hội mại dâm trá hình là không quá khó khăn. Chỉ cần có sự quyết tâm, kiên trì của lực lượng chức năng, nắm sát địa bàn của cảnh sát khu vực và Ban điều hành khu phố, các đoàn thể ở địa phương, đặc biệt là sự đồng thuận, mạnh dạn phản ánh, tố giác của người dân. Theo trung tá Hà Văn Thanh, những nội dung, tình tiết như bài báo đã phản ánh là hoàn toàn đúng với thực trạng hiện nay, song chưa phản ánh hết những cố gắng, nỗ lực của lực lượng công an và địa phương trong việc đấu tranh với tệ nạn mại dâm. Từ đầu năm 2011 đến nay, trên tuyến đường ĐT743 (đoạn qua phường Phú Hòa) Công an phường Phú Hòa đã kiểm tra, lập biên bản xử lý và đề nghị UBND phường ra quyết định xử phạt 6 trường hợp kinh doanh cà phê không có giấy phép mà thực chất là cà phê trá hình. Hầu hết các quán cà phê này đều không có tên và do những người từ các tỉnh: Tây Ninh, Đồng Nai, Cà Mau, Sóc Trăng... mở và kinh doanh.

 Hai quán cà phê trên đường ĐT743 (khu Bình Quới A, phường Bình Chuẩn) vẫn hoạt động bình thường

Hiện UBND phường Phú Hòa đã chỉ đạo công an và lực lượng chức năng phường ra quân tổng kiểm tra, rà soát việc đăng ký và hoạt động các quán cà phê trá hình. Đồng thời phối hợp với cơ quan y tế kiểm tra xử lý các loại hình dịch vụ “xoa bóp, giác hơi, cạo gió” trên địa bàn phường. Trong thời gian tới, Công an phường Phú Hòa sẽ kết hợp nhiều biện pháp quyết tâm triệt phá những quán cà phê, cạo gió, giác hơi trá hình, xử lý hình sự với các đối tượng tổ chức, môi giới mại dâm. Trong đó kể cả áp dụng hình thức vận động người dân thu hồi, không cho thuê mướn mặt bằng để kinh doanh các dịch vụ trá hình.

Vẫn còn những bức xúc

Nhóm phóng viên chúng tôi tiếp tục khảo sát một số điểm dọc tuyến đường ĐT743 thuộc địa bàn phường Bình Chuẩn và khu vực Suối Cát (phường An Thạnh, TX.Thuận An) cho thấy một số quán cà phê có tổ chức mua bán dâm hoặc kích dâm ngay tại quán vẫn hoạt động bình thường, kể cả ban ngày. Bà N.T.V (56 tuổi, khu phố Bình Quới B, phường Bình Chuẩn, TX.Thuận An) cho biết: “Tôi thấy hiện nay loại cà phê mại dâm trá hình không chỉ riêng ở khu vực chúng tôi mới có, mà hầu hết ở các địa phương như Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An đều có cả. Bức xúc nhất là việc một số thanh thiếu niên tóc nhuộm xanh, nhuộm đỏ thường tụ tập ở các quán cà phê này, nói tục, chửi thề, nẹt-pô xe máy... làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của chúng tôi”.  Còn ông Phạm Văn Sơn (cán bộ hưu trí, phường Phú Hòa) tâm sự: “Tôi đã đọc loạt bài về những quán cà phê trá hình trên báo Bình Dương. Tôi thấy, trong thời gian gần đây việc mua bán dâm trở nên khá phổ biến. Ý thức của người dân cũng không xa lạ gì với loại tệ nạn mại dâm. Việc báo nêu lên là rất đáng hoan nghênh, nhưng việc giải quyết, xử lý của công an và ngành chức năng thì cần phải tiếp tục thực hiện mạnh tay hơn nữa mới mong đẩy lùi tệ nạn này”.

Vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Văn Nhị đã ghi nhận những ý kiến trao đổi với chúng tôi về tình hình kinh doanh cà phê mại dâm trá hình trên địa bàn, đồng thời cho biết sẽ có ý kiến trả lời cho chúng tôi trong thời gian sớm nhất. Trước đó, vào ngày 15-7, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đã tổ chức hội nghị sơ kết công tác phòng chống mại dâm, cai nghiện phục hồi 6 tháng đầu năm 2011 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2011. Bà Lê Thị Hà, Cục phó Cục Phòng chống tệ nạn xã hội cho biết, sẽ tiếp tục quyết liệt phòng chống tệ nạn mại dâm, nhất là trong giai đoạn 2011-2015. Đó là xuất phát từ đặc điểm truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục... pháp luật Việt Nam. Bà Hà khẳng định không thể coi mại dâm là một nghề và phòng chống mại dâm tiếp tục được coi là nhiệm vụ của các cấp, các ngành và toàn thể xã hội. Phải kìm hãm và giảm thiểu tác hại của tệ nạn mại dâm, làm ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, gia đình, xã hội, là một trong những nguyên nhân lây truyền HIV/AIDS.

NHÓM P.V TS