Đẩy mạnh đưa hàng Việt về nông thôn
Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đang đến gần, bên cạnh dự trữ hàng hóa phục vụ tiêu dùng, các ngành chức năng, doanh nghiệp bán lẻ cũng đang tích cực đưa hàng Việt đến người dân vùng nông thôn, vùng xa trong tỉnh.
Bảo đảm chất lượng, bình ổn giá
Thông thường, khoảng 3 tuần trước Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp (DN) sản xuất, phân phối bắt đầu đưa hàng Việt về khu vực nông thôn. Đối với khu vực có đông công nhân lao động, các chuyến hàng thường được tổ chức sát với ngày người lao động bắt đầu nghỉ tết và kéo dài 2-3 ngày.
Theo Sở Công thương, để hỗ trợ DN đưa hàng hóa về nông thôn, nhất là trong các dịp lễ tết, hàng năm sở chủ trì, phối hợp với các địa phương tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng để tổ chức các điểm bán hàng phục vụ người dân, bảo đảm công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường tại các điểm tổ chức bán hàng. Bên cạnh đó, sở phối hợp với các địa phương, Ban Quản lý các khu công nghiệp bố trí địa điểm phù hợp để các DN bán lẻ phục vụ công nhân vào dịp tết.
Bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết nhằm phục vụ người dân vùng nông thôn mua sắm tết, các DN bán lẻ trên địa bàn tỉnh tổ chức bán hàng bình ổn thị trường kết hợp với chương trình đưa hàng Việt về nông thôn. Trong đó, các đơn vị tham gia bình ổn thị trường như Siêu thị Co.opmart I, II, Co.opfood, Winmart Mỹ Phước, Dĩ An, Go! BigC thực hiện ít nhất 1-2 lượt bán hàng lưu độngtại các chợ dân sinh, khucông nghiệp, khu lưu trú côngnhân, khu vực nông thôn trênđịa bàn tỉnh để giúp người dânmua sắm tết an toàn, bảo đảmchất lượng hàng hóa, giá cảhợp lý. Thời gian bán hàng lưuđộng ít nhất từ 1-2 ngày/lầnbán. Dự kiến, mỗi phiên chợhàng Việt có ít nhất 20-25 DNtham gia với 30-45 gian hàng.
Cùng với việc chuẩn bị đủ nguồn cung để đưa hàng Việt về nông thôn, Sở Công thương sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra, kiểm soát thị trường, phòng chống vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng giả, gian lận thương mại; thực hiện các quy định về đăng ký giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán…
Người dân tin yêu hàng Việt
Trước đây, người dân khu vực nông thôn thường chọn mua những mặt hàng gia công, ít quan tâm đến thời hạn sử dụng, nguồn gốc xuất xứ, địa chỉ nhà sản xuất. Hiện nay, hầu hết người tiêu dùng đã nhận thức được nguy cơ mất an toàn vệ sinh, sức khỏe khi sử dụng hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ, trôi nổi trên thị trường; hướng đến lựa chọn các sản phẩm trong nước, của những hãng sản xuất uy tín. Thông qua việc đưa hàng Việt về nông thôn, không chỉ tạo ra sự tương tác hai chiều giữa DN và người dân khu vực nông thôn, mà còn giúp chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của người tiêu dùng, góp phần thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng ưu tiên mua sắm hàng Việt.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Trâm, thị trấn Tân Bình, huyện Bắc Tân Uyên, chia sẻ từ khi có chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, người dân ở đây rất phấn khởi, nhiều người đến tìm hiểu sản phẩm rồi mua về dùng. Hàng Việt có chất lượng rất tốt và giá cả hợp túi tiền của người dân. Còn chị Trần Thị Mỹ Ngưng, ở huyện Dầu Tiếng, cho biết trước đây chị thường mua sắm hàng hóa ở chợ gần nhà hoặc các đại lý trên địa bàn, chưa quan tâm nhiều đến nguồn gốc xuất xứ, chất lượng hàng hóa. Thời gian gần đây, các DN, đơn vị bán lẻ thường tổ chức chợ tết, chợ xuân bán hàng Việt tại nơi chị sinh sống, nên có điều kiện mua sắm hàng hóa bảo đảm chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, giá cả phù hợp với túi tiền người dân nông thôn.
“Chợ tết không chỉ là dịp để người dân mua sắm mà còn là dịp để người dân tham quan, vui chơi, giải trí. Chính vì vậy, tôi cũng như nhiều người dân rất hào hứng ủng hộ. Tôi mong muốn các siêu thị tổ chức bán hàng Việt nhiều hơn, khuyến mại nhiều hơn để người dân được mua sắm với giá tiết kiệm nhất vào dịp tết đến, xuân về”, chị Trần Thị Mỹ Ngưng tâm tình.
Là một trong những đơn vị tích cực tham gia chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, ông Đường Bảo Khương, Phó Giám đốc Siêu thị Co.opmart Bình Dương, cho biết Tết Nguyên đán năm nay, siêu thị sẽ mở 2 điểm bán hàng bình ổn tại xã Vĩnh Tân, TP.Tân Uyên và xã Tân Bình, huyện Bắc Tân Uyên. Vì vậy, người dân vùng nông thôn khu vực này sẽ có điều kiện thuận lợi mua hàng tiêu dùng thiết yếu, sản phẩm phục vụ tết như bánh, kẹo, mứt, nước giải khát… với giá bình ổn. Siêu thị cũng thực hiện các chính sách khuyến mại, ưu đãi nhằm kích cầu tiêu dùng.
Cùng với việc quảng bá sâu rộng hơn nữa thương hiệu hàng hóa Việt đến với người dân, các DN kinh doanh, sản xuất hàng hóa đang tiếp tục nỗ lực nâng cao uy tín, phát huy tinh thần chia sẻ với người tiêu dùng. Qua đó kích cầu tiêu dùng trong nước, có thêm nhiều hơn những chuyến hàng Việt về khu vực nông thôn, vùng xa trong tỉnh. |
THANH HỒNG