Bên cạnh phương thức tiêu thụ truyền thống, kênh bán hàng trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử (TMĐT) không những mở thêm cơ hội mới, giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân có thể giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng trên khắp các miền đất nước, mà còn hỗ trợ tiêu thụ nông sản thuận lợi hơn.
Trưng bày, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp ở hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa tỉnh Bình Dương vừa được tổ chức
Kết quả bước đầu
UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế. Theo đó, các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh sẽ tham gia giao dịch trên các sàn postmart.vn, Voso.vn, binhduongtrade.vn, foodmap…
Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã phối hợp với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel tổ chức tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tham gia trên các sàn TMĐT. Đến nay, đã có hơn 2.000 tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia sàn TMĐT và hơn 350 tổ chức, cá nhân đã được cấp tài khoản giao dịch.
Các hộ sản xuất nông nghiệp tham gia giao dịch mua bán trên các sàn TMĐT sẽ được đào tạo kỹ năng số, kỹ năng tham gia hoạt động trên môi trường số; được hướng dẫn đăng ký tài khoản kinh doanh, ký tài khoản thanh toán trực tuyến, thực hiện quy trình đóng gói - kết nối - giao nhận để tác nghiệp trong quá trình kết nối mua bán trên các sàn TMĐT. Các sản phẩm nông nghiệp sẽ được quảng bá, giới thiệu thông qua sàn TMĐT và các kênh phân phối của doanh nghiệp bưu chính sở hữu sàn; mở rộng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên kênh phân phối mới, hiện đại và bền vững thông qua nền tảng số.
Ông Đoàn Minh Thành, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Đồng Thuận Phát (xã Thường Tân, huyện Bắc Tân Uyên), cho biết trong thời gian qua, hợp tác xã luôn nhận được sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng về công tác đào tạo, tập huấn, tạo tài khoản, gian hàng cho các hộ sản xuất…, hỗ trợ đưa nông sản lên sàn TMĐT. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất nông nghiệp biết thêm hình thức bán hàng mới, ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh, nông sản đạt hiệu quả cao hơn.
Ngoài ra, các hộ sản xuất nông nghiệp sẽ được hỗ trợ cung cấp thông tin, nguyên liệu đầu vào phục vụ quá trình sản xuất, kinh doanh. Kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh đã đặt ra mục tiêu năm 2023 có trên 50% số hộ sản xuất nông nghiệp có gian hàng số trên các sàn TMĐT và có trên 60% số hộ có tài khoản thanh toán điện tử.
Thay đổi tư duy
Trên thực tế, hiện việc đưa nông sản lên sàn TMĐT đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nông dân trên địa bàn tỉnh vẫn còn rất khiêm tốn. Việc chậm tiếp cận, thay đổi phương thức kinh doanh mới đang là rào cản trong việc mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản hiện nay. Do đó, để nông sản tỉnh nhà ngày càng xuất hiện nhiều hơn trên các sàn TMĐT, bên cạnh sự thay đổi của nông dân, các cơ sở sản xuất, kinh doanh cần có sự vào cuộc hỗ trợ của các ngành chức năng.
Ngành nông nghiệp Bình Dương đã triển khai thực hiện Kế hoạch số 3248/ KH-UBND của UBND tỉnh về phát triển TMĐT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, đồng thời cập nhật thông tin, nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số thực hiện một số giải pháp trong quản lý, tổ chức sản xuất, bán sản phẩm nông sản thông qua các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, các kênh bán hàng trực tuyến… Theo số liệu thống kê, đến nay đã có hơn 17.000 tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực nông nghiệp đăng ký tài khoản để giao dịch mua - bán trên sàn TMĐT.
Song song đó, để thúc đẩy tiêu thụ nông sản, tỉnh đã ra mắt sàn TMĐT, đây là bước đầu của chuỗi hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa trên địa bàn, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực hòa nhập thị trường, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ, các hợp tác xã. Theo đó, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và phát triển công nghiệp tỉnh đã phối hợp với các đối tác triển khai chương trình hỗ trợ hóa đơn điện tử, chứng thư số, email thương hiệu, sàn TMĐT. Đồng thời, trung tâm cập nhật các thông tin thương mại, hội chợ triển lãm, chương trình xúc tiến thương mại, giới thiệu hình ảnh về các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của tỉnh, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu lên bản đồ số. Đặc biệt, trung tâm tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh khai thác, sử dụng sàn TMĐT, phần mềm quản lý bán hàng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Thời gian tới, ngành NN&PTNT tiếp tục hỗ trợ các hợp tác xã, hộ nông dân đăng ký tham gia các sàn TMĐT để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm; đồng thời, tăng cường phối hợp với các sở, ngành, địa phương hướng dẫn, đào tạo kỹ năng số, cách thức xây dựng quy trình đóng gói, kết nối, giao nhận và tác nghiệp trên sàn TMĐT cho các hợp tác xã, người nông dân; thúc đẩy đổi mới phương thức mua bán trên sàn TMĐT.
THOẠI PHƯƠNG - THẢO TRÚC