Đẩy mạnh giáo dục STEM trong trường học
(BDO) Một trong những nhiệm vụ năm học 2021-2022 ở bậc trung học của ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) là đẩy mạnh giáo dục STEM cho học sinh (HS). Các hoạt động này đã và đang được khởi động lại khi tỉnh trở về trạng thái “bình thường mới”.
Giáo viên thực hành giảng dạy STEM tại lớp tập huấn
Dạy STEM không khó
Từ ngày 22-11 đến đầu tháng 12, cán bộ quản lý, giáo viên các trường THCS trong tỉnh đã được tham gia tập huấn STEM do Sở GD-ĐT phối hợp với trường Đại học (ĐH) Bình Dương tổ chức. Đây là lớp tập huấn thật sự bổ ích, thiết thực. Các thầy cô đã được hướng dẫn các hình thức quản lý, tổ chức giáo dục STEM, bao gồm: Dạy các môn khoa học theo bài học STEM; thiết kế các bài học STEM theo hướng tích hợp liên môn, nội dung các môn khoa học theo bài học STEM được gắn kết với các vấn đề thực tiễn đời sống xã hội, khoa học, công nghệ. Ngoài ra, thầy cô còn được hướng dẫn quy trình thiết kế các môn khoa học theo bài học STEM; phương pháp dạy học, tổ chức hoạt động trải nghiệm STEM; tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học, kỹ thuật.
Đây là lớp học vô cùng bổ ích do TS. Huỳnh Ngọc Thanh, giảng viên cơ hữu Khoa Khoa học giáo dục trường ĐH Bình Dương đảm trách. Từ những chia sẻ của TS. Huỳnh Ngọc Thanh, thầy cô có thể dễ dàng tổ chức các tiết vui học, thực hành giảng dạy STEM cho HS từ những vật dụng vô cùng đơn giản. Đơn cử như với một tấm nylon, chai, ly nhựa... các thầy cô thiết kế thành chiếc dù sao cho khi thả, quả trứng gắn phía dưới không bị bể là thành công. Hay tiết dạy HS thực hành chậu cây tự tưới thông minh. Từ những kiến thức nền, giáo viên hướng dẫn HS vận dụng thực hiện, chọn giải pháp thiết kế khả thi, tiến hành chế tạo, thử nghiệm và đánh giá.
Chia sẻ với chúng tôi, thầy Phạm Như Hải, giáo viên dạy vật lý trường THCS Mỹ Thạnh, TX.Bến Cát, đã nhìn nhận tham gia lớp tập huấn thầy được mở mang kiến thức. Sau lớp học này nhất định thầy sẽ triển khai dạy STEM cho HS, dù dạy trực tiếp hay dạy trực tuyến. Còn cô Dương Thị Bích Thảo, giáo viên trường THCS An Bình, huyện Phú Giáo, thì bộc bạch trước đây 1 năm cô chỉ tổ chức dạy STEM 1 - 2 chuyên đề. Các giáo viên phải tự tìm tòi trên mạng internet, qua các văn bản hướng dẫn của ngành để thực hành dạy STEM. Nay được giáo viên hướng dẫn, thầy cô nêu những thắc mắc trực tiếp, hỏi cặn kẽ những vấn đề chưa hiểu rõ, giúp giáo viên xây dựng chủ đề dạy STEM dễ dàng hơn.
Chủ động triển khai giáo dục STEM
Giáo dục STEM là một phương thức giáo dục nhằm trang bị cho HS kiến thức khoa học gắn với ứng dụng trong thực tiễn. Nội dung bài học theo chủ đề STEM giải quyết tương đối trọn vẹn một vấn đề, trong đó HS tham gia học tập tích cực, chủ động vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề đặt ra, thông qua đó góp phần hình thành phẩm chất năng lực HS.
TS. Huỳnh Ngọc Thanh chia sẻ việc thiết kế các bài học STEM trong quá trình dạy học các môn học thuộc chương trình phổ thông được thực hiện theo hướng tích hợp nội môn hoặc liên môn. Đây là hình thức tổ chức giáo dục STEM chủ yếu trong trường phổ thông. “Nội dung các môn khoa học theo bài học STEM được gắn kết với các vấn đề thực tiễn đời sống xã hội, khoa học, công nghệ. Hoạt động trải nghiệm STEM được thực hiện linh hoạt, kết hợp các hoạt động trong trường dưới hình thức câu lạc bộ và hoạt động ngoài trường dưới hình thức tìm tòi, khám phá thực tiễn. Hoạt động trải nghiệm STEM được tổ chức theo sở thích, năng khiếu của HS. Chúng tôi khuyến khích thầy cô tổ chức các không gian trải nghiệm STEM, giới thiệu thư viện học liệu số, các phần mềm mô phỏng... để khám phá các thí nghiệm, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào thực tiễn đời sống”, TS. Huỳnh Ngọc Thanh nói.
Thầy Lê Văn Cường, Phó hiệu trưởng trường ĐH Bình Dương, cho biết khoa Khoa học giáo dục của trường đã phối hợp, kết hợp với nhiều tỉnh, thành để tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý và giáo viên với mục đích giúp thầy cô có thể quản lý hoạt động giáo dục STEM, thiết kế được bài giảng theo định hướng giáo dục STEM. Thông qua STEM giúp HS phát triển năng lực toàn diện, nâng cao hiệu quả của công tác GD-ĐT. Bên cạnh tăng cường dạy ngoại ngữ, tin học cho HS, các trường cần đẩy mạnh giáo dục STEM. Việc đưa STEM vào trường học góp phần giáo dục toàn diện HS, tạo hứng thú trong học tập cho các em, cũng như góp phần phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho HS sau khi tốt nghiệp THCS.
Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT: Ngành GD-ĐT đã được UBND tỉnh chấp thuận triển khai giáo dục STEM trong trường phổ thông. Theo đó, sở đã chủ động và sớm triển khai giảng dạy STEM cho HS ở các cấp học, trước tiên là ở cấp THCS. Sau các lớp tập huấn, các trường cần có lộ trình triển khai đại trà trong tất cả các trường THCS. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2021, sở sẽ thực hiện xong việc tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên cấp THCS. |
HỒNG THÁI