Để hỗ trợ các doanh nghiệp, trang trại, hợp tác xã, hộ nông dân sản xuất nông nghiệp tiêu thụ sản phẩm, Bình Dương đã đẩy mạnh chương trình xúc tiến thương mại thông qua các hội nghị kết nối, hợp tác đầu tư, hội chợ… qua đó giúp các đơn vị quảng bá, giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng. Từ các hoạt động xúc tiến thương mại cũng tạo cơ hội cho các đơn vị tìm kiếm đối tác, ký kết giao thương, tiêu thụ các sản phẩm.
Huyện Phú Giáo trưng bày, giới thiệu các sản phẩm nông sản đặc trưng tại Hội chợ thương mại, nông sản và thiết bị nông nghiệp năm 2023
Kết quả bước đầu
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa tổ chức hội nghị xúc tiến kết nối cung cầu nông sản trên địa bàn tỉnh. Hội nghị nhằm mục đích kết nối cung cầu giữa các doanh nghiệp thu mua nông sản (xuất khẩu và tiêu thụ trong nước) với các trang trại, hợp tác xã, hộ nông dân sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, hội nghị triển khai các quy định khi tham gia xuất khẩu nông sản sang các thị trường tiềm năng, như châu Âu, Trung Quốc, Hoa Kỳ... qua đó tạo điều kiện cho nông sản tỉnh Bình Dương có thể tiếp cận với các thị trường nước ngoài.
Bình Dương hiện có diện tích trồng trọt cây lâu năm hơn 142.770 ha, tăng 334 ha so với cùng kỳ; trong đó cây ăn quả có tổng diện tích hơn 7.500 ha, chủ yếu là cây sầu riêng và cây bưởi. Đây là sản phẩm chủ lực của tỉnh đang được phát triển, hình thành vùng sản xuất tập trung phục vụ thị trường tiêu thụ trong nước và hướng tới xuất khẩu.
Bà Phạm Đỗ Bích Quyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết thời gian qua ngành nông nghiệp đã tập trung hỗ trợ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp xây dựng mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu cho những cây trồng có tiềm năng trên địa bàn tỉnh. Tính đến nay, toàn tỉnh đã được Cục Bảo vệ thực vật cấp 24 mã số vùng trồng xuất khẩu đi các thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Anh, Nga, New Zealand… với tổng diện tích được cấp mã đạt hơn 1.185 ha. Trong đó tập trung cho các cây trồng, như: Chuối, măng cụt, sầu riêng, mít, nhãn và bưởi trên địa bàn các huyện Phú Giáo, Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng, TP.Thuận An và TX.Bến Cát.
Ngoài ra, chi cục đã hoàn thiện hồ sơ 5 mã vùng trồng sầu riêng đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc và báo cáo Cục Bảo vệ thực vật đề nghị cấp mã số. Trong đó có 1 vùng trồng đã được Trung Quốc kiểm tra trực tuyến trước khi phê duyệt mã số và 4 vùng trồng còn lại sẽ được Trung Quốc xếp lịch kiểm tra trực tuyến đợt sau; 1 vùng trồng bưởi đã hoàn thiện báo cáo gửi Cục Bảo vệ thực vật.
Đồng bộ các giải pháp
Ông Lê Thanh Tâm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết bên cạnh những kết quả đạt được, nông sản Bình Dương chủ yếu xuất khẩu dạng tươi, chưa qua chế biến nên giá trị xuất khẩu thấp; đồng thời chưa hình thành được liên kết ngang giữa các hộ, trang trại sản xuất để đẩy mạnh, hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, chất lượng nông sản xuất khẩu chưa đồng đều, tỷ lệ sản phẩm sản xuất theo các tiêu chuẩn bền vững, chứng nhận quốc tế còn ít và còn phụ thuộc nhiều vào thị trường xuất khẩu. “Qua hội nghị này sẽ góp phần thúc đẩy phát triển bền vững sản phẩm cây ăn quả trên địa bàn tỉnh theo hướng hàng hóa tập trung, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu quy định an toàn thực phẩm, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp tỉnh nhà trên thị trường trong nước và xuất khẩu trong thời gian tới”, ông Lê Thanh Tâm chia sẻ thêm.
Theo bà Phạm Đỗ Bích Quyên, mã số vùng trồng là mã số được cấp cho một vùng trồng đã đáp ứng được các yêu cầu về áp dụng các biện pháp quản lý sinh vật gây hại, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và các điều kiện kỹ thuật khác bảo đảm tuân thủ quy định của Việt Nam và quốc gia nhập khẩu. Diện tích của vùng trồng tối thiểu là 10 ha. Tuy nhiên, thời gian qua các điều kiện này chưa được hợp tác xã, hộ nông dân sản xuất nông nghiệp đáp ứng đầy đủ, nên đã ảnh hưởng đến việc truy xuất nguồn gốc.
TS Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng trường Chính sách công và Phát triển nông thôn, đánh giá Bình Dương quy hoạch nông nghiệp từ rất sớm và bài bản, hầu hết các nông trại đều khá lớn, sản lượng dồi dào, nguồn lực đầu tư vào kỹ thuật canh tác cao. Tuy nhiên, thực trạng sản xuất nông nghiệp Bình Dương vẫn còn kiểu manh mún nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm, khó kết nối để xuất khẩu nông sản. Bình Dương có nhiều hợp tác xã nông nghiệp nhưng quy mô và chất lượng đạt chuẩn chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Ông Trần Minh Hải cũng lưu ý Bình Dương cần phải sớm xây dựng bản đồ nông hóa thổ nhưỡng. Bản đồ này sẽ làm căn cứ cho các địa phương định hướng tổ chức sản xuất và liên kết. Cùng với đó, Bình Dương cũng cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển vùng nguyên liệu; hỗ trợ nông dân tăng cường chất lượng sản phẩm, đa dạng hình thức marketing và nâng cao năng lực hợp tác xã…
THOẠI PHƯƠNG