Đẩy mạnh khởi nghiệp

Thứ ba, ngày 27/09/2022
Theo dõi Báo Bình Dương trên

(BDO) Phiên đối thoại “Đưa Ấn Độ và Việt Nam trở thành các quốc gia khởi nghiệp sau Covid của thế giới” đặt vấn đề về kinh tế - xã hội Ấn Độ và Việt Nam, tinh thần kinh doanh sáng tạo thời kỳ hậu Covid-19. Làm thế nào để cả hai quốc gia có thể tự biến mình thành quốc gia khởi nghiệp? Tại phiên đối thoại “Phát triển nền tảng ươm mầm cho khởi nghiệp”, các diễn giả đã quan tâm đến vấn đề làm thế nào để bảo đảm các công ty khởi nghiệp được hỗ trợ sau Covid? Làm thế nào để đầu tư mạo hiểm có thể tham gia với các công ty khởi nghiệp để thúc đẩy hoạt động kinh doanh của họ? Các bước cần thiết để thực hiện đổi mới đột phá là gì?

Các diễn giả đánh giá cao về Việt Nam đã có những bài học sáng giá để Ấn Độ và các nước học hỏi. Việt Nam và Ấn Độ có thể tăng trưởng cùng nhau, hợp tác phát triển nông nghiệp, trí tuệ nhân tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp. Theo các diễn giả, để khởi nghiệp thành công cần có sự đam mê, tư duy đúng và có những quyết định khởi nghiệp; môi trường để tạo thuận lợi như môi trường kinh doanh có lợi; vai trò và mục tiêu của các doanh nghiệp châu Á.

Theo diễn giả Michael Durrie, Trưởng phòng Tư vấn thay đổi theo mục đích, The Digital Economist, Đức, đối với Việt Nam, nên hỗ trợ việc khởi nghiệp dễ dàng hơn, cung cấp giáo dục, cung cấp nguồn tài chính với các điều kiện hấp dẫn cho các nhà khởi nghiệp. Đây là 3 khía cạnh chính cần lưu ý. Khi đã có thành công, những doanh nhân đó sẽ là hình mẫu và hấp dẫn nhiều hơn các nhà khởi nghiệp trong tương lai. Để khởi nghiệp thành công, những người khởi nghiệp cần chủ động tìm các doanh nhân để làm người cố vấn. Họ cần phải có các kiến thức về khởi nghiệp trước đã. Có thể khởi nghiệp trong bất kỳ lĩnh vực nào và tinh thần khởi nghiệp cần được khích lệ, cần biết rằng có thể sẽ thất bại một vài lần nhưng vẫn còn rất nhiều cơ hội thành công.

PHƯƠNG AN

Từ khóa: