Với mục tiêu sớm đưa các xã còn lại đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, ngay từ đầu năm 2022, huyện Dầu Tiếng đã triển khai nhiều chương trình hành động với quyết tâm cao. Kết quả khảo sát từ các địa phương cũng cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp đang trú đóng trên địa bàn và nhân dân có sự đồng thuận cao đối với những kế hoạch mà huyện đề ra.
Những đô thị mới khang trang, hiện đại đang dần hình thành trên quê hương Dầu Tiếng. Trong ảnh: Tuyến phố trên địa bàn thị trấn Dầu Tiếng đông vui trở lại vào những ngày hậu Covid-19
Vững vàng với nền tảng nông nghiệp
Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, những năm gần đây, huyện Dầu Tiếng đã và đang triển khai nhiều chương trình hành động với mục tiêu sớm thực hiện thành công việc tái cơ cấu nền nông nghiệp. Bằng phương pháp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và luôn đồng hành cùng người dân trong việc tìm tòi, học hỏi và áp dụng những mô hình kinh tế nông nghiệp hiệu quả, từng bước thay thế cho những mô hình kinh tế nông nghiệp truyền thống, lạc hậu và kém năng suất hiện có.
Ông Trần Quang Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, cho biết thời gian tới huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các ban ngành và địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động và hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tiếp cận với các dây chuyền sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và nguồn vốn đầu tư lãi suất thấp. Mục tiêu của huyện là trong giai đoạn 2021-2025 sẽ giảm đáng kể các mô hình kinh tế nông nghiệp truyền thống, lạc hậu, kém năng suất và thay vào đó là những trang trại chăn nuôi, trồng trọt có thu nhập cao nhờ áp dụng khoa học, kỹ thuật vào nuôi trồng. Tầm nhìn xa hơn, huyện Dầu Tiếng kỳ vọng đến năm 2030 bộ mặt tam nông (nông nghiệp, nông thôn và nông dân) của địa phương sẽ được nâng lên một tầm cao mới.
Cùng với nỗ lực tái cơ cấu nông nghiệp, thời gian qua huyện Dầu Tiếng cũng khá sốt sắng với các đề án xây dựng và phát triển các khu du lịch sinh thái gắn liền với các vườn cây ăn trái đặc sản ven sông Sài Gòn. Ghi nhận thực tế của P.V cho thấy, hiện tổng diện tích trồng cây ăn trái đặc sản trên địa bàn huyện đã tăng đáng kể so với thời điểm năm 2016, tỷ lệ nghịch với con số này là sự sụt giảm đáng kể diện tích trồng cao su và các mô hình canh tác nông nghiệp kém hiệu quả. Từ thực tế sống động đang diễn ra, có thể khẳng định trong tương lai không xa, thương hiệu nông sản huyện Dầu Tiếng với nhiều cái tên như măng cụt Thanh Tuyền, cam -bưởi Minh Hòa, tổ yến Long Hòa… sẽ đứng vững trên thị trường.
Cân bằng cơ cấu kinh tế
Hiện tại huyện Dầu Tiếng đang đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, quy hoạch, phát triển các khu, cụm công nghiệp chủ lực và hình thành các khu đô thị đáng sống với hạ tầng đồng bộ, thương mại - dịch vụ phát triển. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Huyện ủy, UBND huyện Dầu Tiếng đã triển khai nhiều kế hoạch thực hiện theo giai đoạn và phân khai hàng năm.
Ông Nguyễn Phương Linh, Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, cho biết địa phương đã hoàn thành công tác quy hoạch các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn và trình tỉnh xem xét. Theo kế hoạch, thời gian tới huyện sẽ quy hoạch khoảng 8.000ha đất trồng cao su làm các khu, cụm công nghiệp chủ lực (chế biến mủ cao su, chế biến gỗ, chế biến súc sản) phân bố trên địa bàn các xã, thị trấn. Tùy theo thế mạnh chủ lực của từng địa phương mà huyện sẽ có hướng quy hoạch khu, cụm công nghiệp phù hợp, hài hòa.
Cùng với kế hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp, huyện Dầu Tiếng cũng đã tính đến bài toán nhà ở cho người lao động có thu nhập thấp. Cụ thể, trong số 8.000ha mà huyện dự kiến quy hoạch phát triển khu, cụm công nghiệp sẽ có khoảng 1.000ha được sử dụng vào mục đích phát triển cơ sở hạ tầng và nhà ở cho công nhân lao động. Để bảo đảm người lao động có thể tiếp cận, mua và sở hữu những căn nhà có giá rẻ, yên tâm sinh sống, làm việc trên quê hương Dầu Tiếng, lãnh đạo địa phương cũng sẽ tính toán thật kỹ phương án lựa chọn chủ đầu tư, đơn vị thi công và phương pháp mở bán với giá cả phù hợp.
Dù là địa phương có phần lớn diện tích canh tác nông nghiệp, nhưng không thể phủ nhận là nhịp độ đô thị hóa ở huyện Dầu Tiếng những năm gần đây tăng khá nhanh. Bên cạnh đô thị hiện hữu là thị trấn Dầu Tiếng với nhiều cụm dân cư được quy hoạch đồng bộ, khang trang thì hiện nay các xã như Thanh Tuyền, Long Hòa, Minh Hòa… cũng đang có tốc độ phát triển khá nhanh. Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo huyện Dầu Tiếng cho biết, hiện địa phương đã hoàn thành đề án thành lập Thị trấn Thanh Tuyền trên cơ sở xã Thanh Tuyền hiện nay và đã trình tỉnh xem xét. Sau Thanh Tuyền, trong giai đoạn 2021-2025 huyện sẽ tiếp tục phấn đấu nâng cấp đô thị cho thị trấn Dầu Tiếng, đồng thời xây dựng đề án thành lập Thị trấn Long Hòa và Thị trấn Minh Hòa. Và xa hơn, trong giai đoạn 2026-2030 huyện cũng sẽ đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa của hai xã An Lập và Thanh An để hai địa phương này đủ chuẩn xây dựng đề án thành lập thị trấn.
Dù hiện trạng tại các địa phương vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng với sự quyết tâm cao của hệ thống chính trị, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp và sự chung sức, chung lòng của toàn dân, tin rằng trong tương lai không xa, Dầu Tiếng sẽ văn minh, hiện đại, phát triển toàn diện kinh tế - xã hội.
KHÁNH LINH - CẨM BÌNH