Huyện Bắc Tân Uyên đang triển khai nhiều giải pháp tích cực nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh sẵn có, đồng thời thu hút đầu tư, phát triển thương mại, dịch vụ (TM-DV) trên địa bàn. Qua đó, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) ở địa phương.
Huyện Bắc Tân Uyên khuyến khích đầu tư, thu hút đa dạng loại hình thương mại, dịch vụ. Trong ảnh: Người dân mua sắm tại cửa hàng tiện lợi Bách hóa xanh, xã Đất Cuốc
Hoàn thiện hệ thống chợ
Những năm qua, huyện Bắc Tân Uyên đạt được nhiều thành tựu trong phát triển KT-XH, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên trên địa bàn huyện đạt 96%, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện theo tiêu chí mới của Trung ương chỉ còn 0,1%, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 80 triệu đồng/người/ năm… Đời sống kinh tế của nhân dân không ngừng được nâng cao, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng nhanh, vì vậy hoạt động TM-DV ở Bắc Tân Uyên cũng đòi hỏi phải phát triển để đáp ứng.
Huyện tập trung huy động, lồng ghép các chương trình, dự án để đầu tư, nâng cấp, xây dựng hạ tầng thương mại, dịch vụ, hạ tầng giao thông… tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, doanh nhân đầu tư, tham gia hoạt động kinh doanh. Nhờ vậy, TM-DV của huyện đã có bước phát triển, hiện huyện có 7 chợ truyền thống đang hoạt động, trong đó có 6 chợ được xây dựng mới kiên cố, đạt chuẩn gồm Tân Thành, Đất Cuốc, Tân Bình, Thường Tân, Bình Mỹ, Lạc An và Tân Định.
Các chợ được phân bố đều tại trung tâm các xã, thị trấn là nơi để nhân dân, các tiểu thương trong địa bàn và khu vực lân cận đến trao đổi, buôn bán hàng hóa phục vụ nhu cầu sinh hoạt. Hoạt động các chợ ổn định góp phần tích cực trong việc tiêu thụ nông sản, kích thích sản xuất phát triển.
Tại thị trấn Tân Thành, phát huy lợi thế gần trung tâm huyện, dân cư phân bố sinh sống dọc theo các tuyến đường ĐT.746, ĐH.741 khá đều, thị trấn Tân Thành đã khuyến khích đẩy mạnh, đa dạng hóa các lĩnh vực TM-DV. Đi dọc trên đoạn đường này dễ dàng nhìn thấy các hàng quán được mở ra nhiều, phục vụ tốt cho nhu cầu của người dân, công nhân lao động.
Ông Võ Văn Tuyến, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Tân Thành, cho biết trên địa bàn thị trấn hiện có 1 chợ truyền thống và nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ tại nhà đáp ứng nhu cầu mua sắm tiêu dùng của người dân. Đặc biệt, nhờ có khu công nghiệp đã thu hút nhiều người từ các vùng miền về đây sinh sống và làm việc, từ đó thúc đẩy được tỷ lệ tăng trưởng TM-DV của thị trấn, góp phần cùng huyện nâng cao tỷ trọng công nghiệp cũng như từng bước chuyển đổi cơ cấu từ nông nghiệp sang TM-DV.
Kêu gọi đầu tư hệ thống mua sắm hiện đại
Bên cạnh sự phát triển của hệ thống chợ, trên địa bàn huyện đã thu hút loại hình cửa hàng tự chọn, cửa hàng tiện ích. Tính đến nay, huyện đã thu hút được các cửa hàng Bách hóa xanh, Điện máy xanh, Concung cùng với các cơ sở kinh doanh hoạt động ổn định, tạo thuận lợi trong mua sắm.
Chị Phạm Lê Thúy Vi, ấp Tân Lợi, xã Đất Cuốc, cho biết: “Từ khi có các cửa hàng tự chọn, tôi cảm thấy đó là những địa chỉ đáng tin cậy để tìm mua những sản phẩm mới ra mắt trên thị trường, đến đây chúng tôi không cần lo ngại về giá cả cũng như chất lượng của sản phẩm”.
Nhằm góp phần thúc đẩy phát triển lĩnh vực TM-DV ở địa phương, thời gian tới huyện Bắc Tân Uyên tiếp tục tăng cường thu hút các loại hình dịch vụ hỗ trợ công nghiệp, nông nghiệp phát triển, các loại hình dịch vụ du lịch, tài chính - tín dụng, ngân hàng, vận tải…; khuyến khích xã hội hóa đầu tư các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện ích, trung tâm thương mại… để phục vụ nhu cầu của nhân dân. Cùng với đó, huyện tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về sản xuất, vận chuyển, buôn bán hàng hóa giả, kém chất lượng, thực phẩm không bảo đảm vệ sinh, đặc biệt là trong các dịp lễ, tết; tiếp tục phối hợp thực hiện các chương trình bình ổn giá, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn để phục vụ tốt nhu cầu người dân.
THANH HỒNG