Thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, đến nay, Bình Dương không còn gia đình chính sách, người có công (NCC) hưởng sai chế độ. Đời sống NCC ngang bằng hoặc khá hơn mức sống trung bình so với người dân nơi cư trú. Để hiểu thêm vấn đề này, phóng viên Báo Bình Dương đã phỏng vấn bà Huỳnh Thị Hồng Thu, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH).
Ông Trần Thanh Liêm, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh hỏi thăm sức khỏe gia đình thương binh Phạm Tấn Bình (xã Hội Nghĩa, TX.Tân Uyên)
- Thưa bà, bà có thể cho biết kết quả thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa trong những năm qua?
- Trong những năm qua, chính sách dành cho NCC ở Bình Dương được thực hiện rất tốt. Trên 52.000 hồ sơ NCC được quản lý, hưởng trợ cấp theo quy định. Vai trò là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện chính sách Đền ơn đáp nghĩa cho NCC với cách mạng, Sở LĐ-TB&XH, sở đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, các ngành liên quan làm được nhiều việc chăm lo cho NCC. Từ năm 1997 đến nay đã có trên 683.000 lượt đối tượng chính sách được tặng quà, với số tiền hơn 350,700 tỷ đồng; 100% Mẹ Việt Nam anh hùng được các tổ chức, cá nhân nhận phụng dưỡng đến cuối đời với mức hỗ trợ hàng tháng từ 400.000 - 1.000.000 đồng; 116 thương bệnh binh nặng và gia đình liệt sĩ khó khăn được đỡ đầu, chăm sóc…
Với sự quan tâm, chỉ đạo của sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, cộng với sự ủng hộ của các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và nhân, NCC của tỉnh đều được hưởng chế độ ưu đãi của nhà nước đúng, đủ, kịp thời theo quy định. Họ có cuộc sống ổn định về vật chất và vui vẻ về tinh thần. Cụ thể, 99,81% NCC có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống người dân nơi cư trú. Bình Dương là 1 trong 2 tỉnh đầu tiên đạt 100% các xã phường thị trấn được Bộ LĐ-TB&XH công nhận “Làm tốt công tác thương binh liệt sĩ - người có công” và cho đến nay vẫn giữ vững chỉ tiêu này.
- Quyết định số 22/2013/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ NCC về nhà ở, với mức hỗ trợ xây nhà tình nghĩa từ 20 đến 40 triệu đồng/căn. Với mức hỗ trợ này thì chưa đủ giúp gia đình có hoàn cảnh khó khăn xây dựng nhà, vậy ngành đã tham mưu cho tỉnh giải pháp gì để giải quyết tình trạng này?
- Theo Quyết định số 22/2013/ QĐ-TTg ngày 26-4-2013 của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ NCC với cách mạng về nhà ở, quy định mức xây dựng nhà là 40 triệu đồng/căn và sửa chữa nhà là 20 triệu đồng/ căn. Tại Bình Dương, mức xây dựng và sửa chữa nhà tình nghĩa đã được áp dụng mức xây mới là 60 triệu đồng/căn và sửa chữa nhà mức 30 triệu đồng/căn theo Thông báo số 223/TB-UBND của Chủ tịch tỉnh tại cuộc họp thông qua kế hoạch xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa và xây dựng nhà Đại đoàn kết năm 2011. Song song với việc thực hiện quyết định này, Sở LĐ-TB&XH sẽ tham mưu với tỉnh lồng ghép với các nguồn hỗ trợ khác như nguồn Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, nguồn đóng góp của các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp… để hỗ trợ thêm cho những NCC với cách mạng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn làm nhà ngoài số tiền hỗ trợ của ngân sách nhà nước. Chính vì thế, thời gian tới, tôi cho rằng những hộ gia đình NCC thực sự khó khăn về nhà ở, khó khăn về tài chính có thể được hỗ trợ thêm kinh phí cao hơn mức 60 triệu đồng.
Với những nỗ lực của ngành, từ năm 1997 đến năm 2013, Bình Dương đã xây dựng và sửa chữa được 5.613 căn nhà tình nghĩa, với số tiền trên 101 tỷ đồng từ ngân sách trung ương, tỉnh, nguồn vận động và trích từ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa. Theo đó, từ năm 1997 đến năm 2011, mức hỗ trợ xây dựng 1 căn là 40 triệu đồng và sửa chữa là 20 triệu đồng; từ năm 2011 đến nay đã tăng mức lên xây mới là 60 triệu đồng và sửa chữa là 30 triệu đồng.
- Năm 2015, Bình Dương tiếp tục làm gì để chăm lo NCC, thưa bà?
- Để công tác đền ơn đáp nghĩa hoạt động thường xuyên, liên tục; hướng đến kỷ niệm 68 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2015), ngành LĐ-TB&XH đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 2179/KH-UBND ngày 30-6-2015 về Tổ chức cuộc vận động ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” và ban hành Thư kêu gọi ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” năm 2015 nhằm mục tiêu “Chăm lo tốt hơn, bảo đảm tất cả gia đình chính sách có cuộc sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú”. Ngoài ra, ngành cũng đã tham mưu UBND tỉnh thăm, tặng quà gia đình chính sách, viếng nghĩa trang liệt sĩ, trao tặng nhà tình nghĩa…
Thời gian tới, ngành LĐ- TB&XH sẽ tăng cường công tác tuyên truyền nhằm đẩy mạnh việc xã hội hóa công tác chăm sóc NCC, mở rộng phong trào “Toàn dân chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ”, tập trung thực hiện có hiệu quả các chương trình xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa; tập trung các nguồn lực, phối hợp lồng ghép các chương trình khác để tạo điều kiện cho NCC, gia đình chính sách là các hộ khó khăn từng bước ổn định cuộc sống...
- Xin cảm ơn bà!
T.LÝ (thực hiện)