Tỉnh Thái Bình tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 bằng xe lưu động cho công nhân. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)
Các cơ quan báo chí, truyền thông cần đẩy mạnh tuyên truyền thông điệp “Phòng dịch tốt, giám sát hiệu quả, công nghệ thống nhất” tới đông đảo người dân với mục tiêu là đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo cho cuộc sống tiếp tục trở lại bình thường.
Đây là yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng Tiểu ban Truyền thông trực thuộc Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, các cơ quan báo chí tích cực thông tin để người dân nắm bắt được xu thế “thống nhất một mã QR code” cho mỗi công dân và mỗi cơ sở sản xuất, kinh doanh. Đây là biện pháp hiệu quả, thuận tiện trong sử dụng, góp phần thống nhất kiểm soát cũng như xác thực tình trạng dịch tễ, chứng nhận tiêm chủng, xét nghiệm; “kết nối liên thông và chia sẻ” giữa các cơ sở dữ liệu khác nhau để thuận tiện cho cá nhân, tổ chức và các cấp quản lý trong việc kiểm soát mức độ an toàn dịch tễ khi trở lại cuộc sống bình thường mới.
"Khi đã có giải pháp tháo gỡ những khó khăn, bất tiện của các nền tảng công nghệ, người dân sẽ hiểu và tin tưởng sử dụng các ứng dụng trong phòng chống COVID-19, góp phần nâng cao hiệu quả của các nền tảng," Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Giai đoạn từ nay đến 22/9, cơ quan báo chí cần chuyền tải được các thông điệp quan trọng của Thủ tướng Chính phủ: “Phòng dịch là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; chống dịch phải quyết liệt, dứt điểm,” “Phòng dịch tốt thì không phải chống dịch; một đồng phòng dịch hiệu quả thì không mất triệu đồng chống dịch và nhất là sự mất mát về tinh thần, sức khỏe và tính mạng của người dân,” để toàn xã hội hiểu, chia sẻ, lan tỏa và đồng thuận.
Cán bộ thanh tra giao thông quét mã QR code trên điện thoại thông minh đối với phương tiện giao thông vào Hà Nội qua chốt kiểm soát dịch huyện Chương Mỹ. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Mục tiêu là làm rõ lộ trình chống dịch và sống trong bối cảnh có dịch, từng bước khôi phục hoạt động với Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.
Trên cơ sở đó, cơ quan báo chí tiếp tục truyền đi thông điệp về công tác phòng, chống dịch: Lấy xã, phường, thị trấn làm “pháo đài,” người dân là chiến sỹ, là trung tâm phục vụ, là chủ thể phòng, chống dịch.
Truyền thông cũng sẽ phản ánh sự triển khai đồng bộ có hiệu quả các biện pháp y tế từ công tác xét nghiệm nhanh và rộng, điều trị giảm tử vong, phủ nhanh tiêm vaccine; các nỗ lực đảm bảo lương thực thực phẩm cho người dân, không để ai thiếu ăn, không để người nhiễm bệnh bị thiếu thuốc, thiếu oxy, đảm bảo an dân, an ninh, an toàn trật tự xã hội.
Về mặt đối ngoại, các cơ quan báo chí cần thông tin tập trung vào các chủ trương, giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 của Chính phủ một cách nhanh nhất, chính xác và kịp thời, đặc biệt là các giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài; cung cấp thông tin đầy đủ để doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam có thể lên kế hoạch mở lại các hoạt động kinh doanh.
Đây là cơ sở để tạo niềm tin, sự yên tâm của người dân trong và ngoài nước, người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam cùng với các nhà đầu tư nước ngoài, bạn hàng, bạn bè quốc tế, để Việt Nam sẵn sàng hướng đến cuộc sống bình thường mới./.
Theo TTXVN