Đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật cao vào phát triển nông nghiệp 

Cập nhật: 03-07-2015 | 08:55:48

 

Thực hiện Chương trình số 26-Ctr/TU ngày 20-9-2011 của Tỉnh ủy về chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng đô thị, nông nghiệp kỹ thuật cao gắn với công nghiệp chế biến giai đoạn 2011-2015, việc ứng dụng công nghệ mới trong trồng trọt, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển với sự tham gia của nhiều tổ chức và cá nhân.

 

 Hệ thống tưới, bón phân được điều khiển bằng hệ thống máy tính tại Khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái. Ảnh: H.PHẠM

 Triển khai nhiều mô hình ứng dụng kỹ thuật cao

Tính đến hết năm 2014, diện tích quy hoạch nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh đạt 979,71 ha; diện tích rau an toàn, hoa cây cảnh đạt 202 ha, cây ăn quả đặc sản 2.203 ha và hình thành vùng chăn nuôi tập trung kỹ thuật cao với tổng đàn gia súc trên 452.300 con, gia cầm trên 6,1 triệu con. Diện tích trồng trọt ứng dụng công nghệ cao được triển khai rộng khắp như mô hình nhà lưới kín, nhà lưới hở, hệ thống tưới nước tự động, hệ thống tưới nước nhỏ giọt... đạt hơn 372,5 ha với các loại cây trồng có giá trị cao như rau, nấm, cây ăn trái, cây dược liệu, hoa kiểng... Trong chăn nuôi, các trang trại, công ty đã đầu tư sử dụng hệ thống máng ăn, máng uống nước tự động, hệ thống làm mát chuồng trại...

Trong khi đó, 4 khu nông nghiệp công nghệ cao (An Thái, Hiếu Liêm, Tân Hiệp, Vĩnh Tân) đã từng bước phát triển quy mô; trong đó khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái (xã An Thái, huyện Phú Giáo) đã cung ứng sản phẩm cho các hệ thống siêu thị lớn và xuất sang thị trường Nhật Bản. Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp đô thị cũng được tỉnh chú trọng phát triển; theo đó đã có hơn 500 tổ chức, cá nhân đầu tư với diện tích hơn 117 ha để trồng rau thủy canh, rau mầm, nấm, hoa lan, cây cảnh (78,7 ha) và có 433 hộ đầu tư chăn nuôi với khoảng 247.000 con, chủ yếu là cá cảnh, cá sấu, ba ba, chim trĩ, nhím, rắn...

Hiệu quả kinh tế cao

Thời gian qua, các hộ và cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh đã từng bước áp dụng khoa học - công nghệ, kỹ thuật canh tác theo công nghệ mới của nước ngoài và sử dụng các giống mới, canh tác theo quy trình VietGAP, Global GAP vào sản xuất. Mặc dù chi phí đầu tư ban đầu cao nhưng hiệu quả kinh tế của loại hình này mang lại cũng khá cao, vì vậy diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật cao có chiều hướng gia tăng theo hàng năm.

Ông Lâm Thành Thắng, chủ trang trại trồng cam ở xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên cho biết, lúc mới lập vườn trồng cam, quýt do còn nhiều khó khăn như phải dùng máy dầu để bơm nước và kéo dây tưới (thủ công) phải cần 2 người làm trong 1 ngày để tưới 1 ha cam. Nhưng từ khi đầu tư hệ thống điện ba pha và hệ thống tưới nước tự động với chi phí đầu tư từ 70 - 100 triệu đồng/ ha thì số công lao động giảm xuống đáng kể, chỉ cần 1 lao động có thể tưới phun 10 - 15 ha trong vòng 1 ngày. Với việc đầu tư kỹ thuật cao vào sản xuất, năng suất bình quân đạt 40 - 50 tấn/ha, lợi nhuận bình quân khoảng 300 - 500 triệu đồng/ha; những năm được mùa có thể đạt 700 triệu đồng/ha.

Với việc chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong nông nghiệp đã tạo điều kiện cho việc sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển. Qua việc chuyển giao mô hình nuôi cá cảnh của Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho các hộ, nhiều loại cá cảnh của Bình Dương được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, trong đó cá dĩa được tiêu thụ nhiều nhất như cá dĩa bông xanh, cá dĩa bồ câu, cá dĩa dòng red...

Ông Nguyễn Văn Quang, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, việc nuôi cá dĩa không đòi hỏi nhiều diện tích, có thể tận dụng các diện tích, không gian trống như trong sân nhà, sân thượng... Về kinh tế, nếu hộ gia đình có quy mô nuôi khoảng 30 cặp cá sinh sản với vài chục hồ kiếng, mỗi tháng trừ chi phí hộ nuôi có lãi hơn 10 triệu đồng.

Có thể nói, việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp cho thấy các chủ trang trại, cơ sở và hộ gia đình đã áp dụng ngày càng nhiều kỹ thuật mới trong sản xuất... góp phần từng bước mở rộng diện tích, quy mô sản xuất nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh và từng bước khẳng định thương hiệu sản phẩm nông nghiệp Bình Dương trên thị trường trong nước và quốc tế.

 HOÀNG PHẠM

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=713
Quay lên trên