Đẩy mạnh xúc tiến thương mại trên nền tảng số, mở rộng cơ hội thị trường cho hàng Việt

Cập nhật: 11-12-2021 | 08:57:56

Linh hoạt ứng dụng công nghệ số trong triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM), ngành công thương đã và sẽ tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong nước khai thác tốt các cơ hội thị trường, mở rộng xuất khẩu, đẩy nhanh quá trình khôi phục sản xuất.

Hỗ trợ khai thác thị trường EU

Theo ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, EU luôn là một trong những thị trường trọng điểm cho triển khai các hoạt động XTTM của ngành công thương. Đặc biệt, từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, hàng loạt sự kiện xúc tiến tiêu thụ, kết nối giao thương giữa DN Việt Nam và nhà nhập khẩu EU đã được thực hiện có hiệu quả. Hàng năm, ngành công thương ưu tiên kinh phí trực tiếp hỗ trợ hoặc hướng dẫn các DN, hiệp hội ngành hàng tham gia tại khu vực châu Âu. Sự xuất hiện thường xuyên, liên tục của DN Việt Nam tại các hội chợ chuyên ngành quy mô lớn đã tạo hiệu ứng lan tỏa, tích cực, dần xây dựng uy tín, hình ảnh sản phẩm Việt Nam tại thị trường EU.

Công ty Gốm sứ Phước Dũ Long (TX.Tân Uyên) nỗ lực đổi mới công nghệ, thích ứng với thị trường Hoa Kỳ, châu Âu

Bình Dương xác định tiếp tục phát triển ngành công nghiệp sản xuất các sản phẩm xanh, sạch thân thiện với môi trường có hàm lượng chất xám cao. Do đó, tỉnh tăng cường mời gọi các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao phù hợp với xu thế 4.0. Đây là một hướng đi đúng đắn để tăng tính cạnh tranh của hàng hóa vào thị trường này. Để kết nối giao thương, ngành công thương hỗ trợ các DN tận dụng hiệu quả từ các hiệp định thương mại như EVFTA. Ngành đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử để mời các nhà đầu tư trong lĩnh vực này kết nối, đưa các sản phẩm công nghiệp của tỉnh lên sàn thương mại điện tử của tỉnh, và của quốc tế thông qua WTC/ WTCA. Trong đó, việc xác định cơ sở hạ tầng, tìm hướng ra cho hàng hóa đóng vai trò thiết yếu; tăng cường phát triển các cảng đường thủy nội địa ven sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, nâng cao tính cạnh tranh cho hàng hóa địa phương.

Theo các DN ngành dệt may, Hiệp định EVFTA bao gồm những quy định, quy tắc chặt chẽ về thủ tục đầu tư, hải quan, thuận lợi hóa thương mại, tiêu chuẩn kỹ thuật, các biện pháp kiểm dịch động, thực vật, sở hữu trí tuệ… đòi hỏi các DN Việt Nam cần nắm rõ và áp dụng linh hoạt, trung thực theo quy định. Thông thường các mặt hàng muốn được hưởng ưu đãi thuế quan thì nguyên liệu phải đáp ứng được một tỷ lệ về hàm lượng nội khối nhất định. Đây là thách thức lớn đối với các DN Việt Nam, bởi nguồn nguyên liệu cho sản xuất hàng xuất khẩu hiện nay chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc hoặc các nước trong ASEAN.

 

Theo ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội Ẻo Charm, với EVFTA hàng hóa Việt Nam có cơ hội lớn gia tăng thị phần tại EU. Nhất là ở thời điểm hiện tại, nhu cầu tiêu dùng tại khu vực thị trường này tăng cao trong khi nguồn cung hàng hóa thiếu, nếu tận dụng được cơ hội sẽ giúp DN trong nước đẩy nhanh quá trình hồi phục sản xuất. EVFTA được kỳ vọng mang đến khá nhiều cơ hội và lợi ích cho nền kinh tế - xã hội Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để DN Việt Nam vượt lên trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, bên cạnh các cơ hội, EVFTA cũng đặt ra không ít những khó khăn, thách thức đòi hỏi DN Việt Nam cần phải thực sự nỗ lực để biến thách thức thành cơ hội... Bên cạnh những cơ hội, EVFTA cũng đặt khá nhiều thách thức cho DN Việt Nam, nhất là việc thực thi các cam kết trong EVFTA về các vấn đề thể chế, chính sách, pháp luật sau đường biên giới, môi trường kinh doanh và chính sách, pháp luật...

Để hỗ trợ DN trong nước khai thác tối đa cơ hội từ EVFTA và cơ hội thị trường, bên cạnh việc tiếp tục duy trì sự hiện diện của DN Việt Nam tại các sự kiện giao thương tại EU, Sở Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với các hiệp hội ngành tăng cường hoạt động truyền thông quảng bá các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử, vốn là thế mạnh của Bình Dương hướng tới thị trường này. Bộ cũng thực hiện một số hoạt động hỗ trợ các DN nâng cao năng lực phát triển sản phẩm, đáp ứng các tiêu chí để đạt chứng nhận quốc tế cho sản phẩm, kết nối chuyên gia thiết kế và marketing trong và ngoài nước để cùng DN nghiên cứu, cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm, nhận diện thương hiệu, thông điệp truyền thông thương hiệu giúp gia tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu. Cùng với đó, tiếp tục phối hợp với các địa phương tăng cường các sự kiện xúc tiến đầu tư hỗ trợ DN Việt Nam đẩy mạnh hợp tác, liên kết sản xuất từ khâu đầu vào đến chế biến với các DN, đối tác EU đầu tư tại Việt Nam để dễ dàng đáp ứng được các quy tắc của EU.

Ứng dụng công nghệ số

Thời gian qua, Sở Công thương hỗ trợ DN tăng cường chuyển đổi số trong các lĩnh vực logictisc, hỗ trợ DN kết nối thị trường… Các sự kiện giao thương trực tuyến với nhà nhập khẩu EU nói riêng và nhà nhập khẩu trên toàn thế giới được tổ chức thành công thời gian qua cũng đồng thời phản ánh sự nhanh nhạy và linh hoạt trong ứng dụng công nghệ số để triển khai các hoạt động của ngành công thương. Từ đầu năm đến nay, do không triển khai được các hoạt động XTTM truyền thống và trực tiếp, ngành công thương đã và đang hỗ trợ các địa phương, hiệp hội ngành hàng tổ chức hàng trăm hội nghị kết nối cung cầu, hội chợ triển lãm trên môi trường số. Bên cạnh đó, ngành cũng giới thiệu DN tham gia các hội chợ triển lãm quốc tế trực tuyến, lựa chọn các hội chợ triển lãm chuyên ngành có uy tín tại các thị trường tiềm năng để tổ chức cho DN tham gia gian hàng trực tuyến hoặc gian hàng từ xa.

Hiện nay, Bộ Công thương đang triển khai xây dựng hệ sinh thái một cách toàn diện, hiệu quả hỗ trợ DN thích ứng với xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và tác động của dịch Covid-19. Hệ sinh thái, bao gồm: Hệ thống kết nối giao thương trực tuyến nhằm kết nối các DN Việt Nam với các đối tác có nhu cầu nhập khẩu và giữa các DN với các tổ chức hỗ trợ kinh doanh nhằm tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu; xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung; xây dựng hệ thống công nghệ thông tin về truy xuất nguồn gốc sản phẩm; xây dựng phần mềm quản lý hội chợ, triển lãm, khuyến mại và các dịch vụ hỗ trợ DN và xây dựng nền tảng đào tạo trực tuyến phục vụ sản xuất, kinh doanh, XTTM và phát triển xuất khẩu.

Theo đánh giá của ngành công thương, với sự nhanh nhạy trong chuyển đổi số, linh hoạt ứng dụng các hình thức XTTM mới, ngành công thương đã và đang đồng hành hiệu quả cùng cộng đồng DN trong nước tận dụng cơ hội thị trường, các hiệp định thương mại tự do và mở rộng cánh cửa xuất khẩu cho hàng Việt. Bản thân DN nâng cao chất lượng sản phẩm, liên kết thành các chuỗi cung ứng sản phẩm. Nhiều DN vẫn đang phát triển theo chiều rộng, tăng về doanh thu, số lượng sản phẩm, số lượng lao động, nguồn vốn… Hàng hóa Việt Nam chưa có nhiều thương hiệu nổi tiếng hấp dẫn khách hàng và chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng của các thị trường quốc tế nên cần chú trọng cải thiện về chất lượng sản phẩm cũng như chiều sâu trong công tác quản lý.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện nay hiểu biết về EVFTA của cộng đồng DN Việt Nam không nhiều. Hơn nữa, khả năng thay đổi để thích ứng với EVFTA cũng còn khá hạn chế khi có tới 40% DN khó cải thiện điều kiện lao động; 55% DN khó đầu tư vào công nghệ mới; 59% DN khó đáp ứng yêu cầu nội địa hóa… Tuy nhiên, sức ép cạnh tranh mà EVFTA mang lại được nhận định là sức ép cạnh tranh lành mạnh, có chọn lọc và theo lộ trình phù hợp. Do đó, EVFTA cũng là cơ hội, sức ép hợp lý để các DN Việt Nam điều chỉnh, thay đổi phương thức kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh.

TIỂU MY

 

Chia sẻ bài viết
Tags
EVFTA

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=630
Quay lên trên