Đẩy mạnh xúc tiến thương mại trên sàn thương mại điện tử

Cập nhật: 04-11-2023 | 12:51:07

Bình Dương đang nỗ lực bắt nhịp xu hướng kinh doanh trên các nền tảng số để duy trì được đà tăng trưởng trong kinh doanh trên sàn thương mại điện tử (TMĐT). Các doanh nghiệp (DN) nỗ lực vượt qua không ít những thách thức và khó khăn để thích ứng cùng xu thế.


Doanh nghiệp trao đổi kinh nghiệm tại hội nghị xúc tiến xuất khẩu toàn cầu thông qua sàn thương mại điện tử B2B

Mở ra cơ hội

Theo ông Phạm Thanh Dũng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và phát triển công nghiệp Sở Công thương, cùng với cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số đang ngày càng trở nên phổ biến và được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các DN thâm nhập và mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là trong và sau đại dịch Covid-19.

Mới đây, Sở Công thương đã phối hợp với Alibaba.com tổ chức hội nghị xúc tiến xuất khẩu toàn cầu thông qua sàn TMĐT B2B. Hội nghị thu hút hơn 100 khách mời là đại diện các DN, hiệp hội ngành hàng trên địa bàn tỉnh đang quan tâm đến vấn đề xuất khẩu sản phẩm thông qua TMĐT B2B Alibaba.com.

Thông qua hội nghị, các DN đã được tiếp cận những phân tích về cơ hội và tiềm năng từ thị trường toàn cầu, đặc biệt là đối với riêng các DN Bình Dương. Bên cạnh đó, những bài học kinh nghiệm và thành tựu mà khách hàng của Alibaba.com đạt được, những giải pháp kỹ thuật số toàn diện từ khi bắt đầu đến thành công với Alibaba là bài học kinh nghiệm đáng giá dành riêng cho DN tại Bình Dương.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại đầu tư trăn - cá sấu Ngọc Sơn (TP.Thuận An), TMĐT là một phương thức kinh doanh mà chúng tôi cảm thấy rất hiệu quả trong những năm gần đây. TMĐT giúp kết nối giữa DN và người bán rất nhanh chóng. Thay vì như trước đây DN tham gia các cuộc triển lãm ở nước ngoài để quảng bá sản phẩm, tìm kiếm kênh tiêu thụ, mất rất nhiều thời gian và tốn rất nhiều chi phí, thì với TMĐT sản phẩm của chúng tôi được tiếp cận với khách hàng nhanh hơn và khách hàng có thể mua sản phẩm của chúng tôi đến từ tất cả các quốc gia trên thế giới. Từ năm 2022, chúng tôi đã đăng ký sử dụng nền tảng TMĐT trên Alibaba.com và hiện tại đang trong quá trình hoàn thiện các giải pháp công nghệ để đưa sản phẩm lên sàn TMĐT này”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Mike Zhang, Giám đốc Quốc gia Alibaba.com Việt Nam, cho biết thống kê của nền tảng TMĐT Alibaba.com cho thấy bất chấp những khó khăn của việc co hẹp nhu cầu, thắt hầu bao nhằm ứng phó lạm phát khiến các thị trường toàn cầu suy giảm nhập khẩu. Trong 9 tháng năm 2023, giao dịch TMĐT xuyên biên giới của các DN vừa và nhỏ (SME) Việt Nam trên nền tảng Alibaba.com đã tăng trưởng 47% so với cùng kỳ năm trước. Trên nền tảng nghiên cứu về số lượng, lợi thế của các ngành xuất khẩu chủ lực của Bình Dương, tiềm năng của DN Alibaba chọn Bình Dương là địa phương để hỗ trợ nhằm đẩy nhanh tốc độ xuất khẩu thông qua TMĐT.

Ông Mike Zhang nhấn mạnh thực tế cho thấy trong giao thương quốc tế, có nhiều thử thách đối với DN SME Bình Dương. Thứ nhất, phải cạnh tranh với các đối thủ khác trên sàn. Thứ hai, sự phức tạp của quy trình xử lý đơn hàng truyền thống có thể gây khó khăn cho việc theo dõi tiến độ của toàn bộ quy trình mua bán cũng như bảo đảm việc thu tiền kịp thời. Thứ ba, thiếu số liệu hoạt động trực tuyến. Trong khi đó nếu không có dữ liệu giao dịch trực tuyến, các nhà bán hàng vừa và nhỏ Việt Nam sẽ không thể chứng minh được năng lực kinh doanh nhằm thu hút những người mua chất lượng. Thứ tư, thiếu bảo mật thanh toán. Rủi ro trong giao dịch trực tuyến, chi phí vận chuyển đến thị trường mới cao, khó tìm được đối tác vận chuyển tin tưởng. Tất cả những yếu tố trên tạo rào cản cho các DN SME trong giao dịch TMĐT xuyên biên giới (B2B).

Ở chiều DN, ông Trần Đình Hà, Phó Giám đốc Công ty Thiết bị điện Kim Sang (TP.Tân Uyên), cho biết sàn TMĐT mở ra nhiều cơ hội cho các DN xuất khẩu vì có hơn 260 triệu người dùng, 47 triệu nhà mua hàng, DN trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ông cũng chỉ ra những thách thức đòi hỏi DN cần lưu ý và có giải pháp khắc phục. “Với một DN chuyên sản xuất đèn led, thiết bị điện như chúng tôi thì điều chúng tôi muốn được tư vấn nhất là làm sao để cạnh tranh được với các thương hiệu lớn trên sàn TMĐT”.

Ông Phạm Thanh Dũng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và phát triển công nghiệp, Sở Công thương: “Chúng ta đang sống trong một thời đại của sự biến đổi và toàn cầu hóa, nơi các cơ hội và thách thức của thị trường quốc tế luôn thay đổi. Kinh tế số đang trở thành đặc trưng và là cơ hội lớn để thu hẹp khoảng cách phát triển. Những năm gần đây, việc ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực thương mại đang diễn ra rất mạnh mẽ, là cuộc cách mạng dựa trên nền tảng công nghệ số, dẫn đến sự thay đổi chưa từng có tiền lệ trong mô hình phát triển kinh tế cũng như trong đời sống xã hội. Trong hoàn cảnh này, các nền tảng mua bán trực tuyến đã trở thành một công cụ quan trọng giúp thúc đẩy xuất khẩu và mở rộng thị trường”.

Chứng minh năng lực kinh doanh

Bà Nguyễn Thị Phương Uyên, Giám đốc Marketing Công ty TNHH Alibaba.com Việt Nam, cho biết để kinh doanh thành công qua nền tảng TMĐT xuyên biên giới, nhà bán hàng vừa và nhỏ Việt Nam cần chứng minh được năng lực kinh doanh. Theo bà Phương Uyên, khó khăn nhất với DN Việt Nam khi tham gia các sàn TMĐT quốc tế là rào cản ngôn ngữ, thiếu kỹ năng marketing, sử dụng công cụ tiếp thị có sẵn trên sàn… dẫn đến việc chưa phát huy, sử dụng tốt những công cụ kỹ thuật số mà các nền tảng cung cấp để tiếp cận khách hàng nhiều hơn. Cùng với sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, các DN cũng cần có sự chủ động đầu tư vào ứng dụng công nghệ số, nâng cao năng lực xuất khẩu, kỹ năng bán hàng xuyên biên giới, nghiên cứu phát triển sản phẩm và xây dựng thương hiệu; trong việc tìm hiểu thông tin thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh để đón đầu cơ hội, đặc biệt ở các thị trường có các hiệp định thương mại tự do.

Bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết thời gian qua Bình Dương đã triển khai nhiều đề án đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại, triển khai nhiều hoạt động kết nối, hỗ trợ DN, nhất là các DN vừa và nhỏ hợp tác, kết nối với các nền tảng TMĐT. Qua đó, hỗ trợ các DN tìm kiếm cơ hội kinh doanh, quảng bá thương hiệu sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại đầu tư trăn - cá sấu Ngọc Sơn cho biết sự kiện xúc tiến xuất khẩu toàn cầu thông qua sàn TMĐT B2B lần này giúp các DN có cái nhìn rõ ràng hơn về tiềm năng của sàn TMĐT Alibaba.com và giá trị mà các nền tảng này có thể tạo ra cho DN. Đây là một chương trình quan trọng và đầy ý nghĩa, đánh dấu bước đầu của sự hợp tác và hội nhập mạnh mẽ giữa các DN của tỉnh Bình Dương với khu vực và thế giới.

 

 TIỂU MY - ANH TUẤN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=916
Quay lên trên