Dạy nghề cho người khuyết tật: Nồng ấm tình thương

Cập nhật: 15-08-2014 | 16:50:06

Đến với Trung tâm (TT) Dạy nghề người tàn tật tỉnh, gặp gỡ người thân của học viên (HV), mới cảm nhận hết niềm vui của họ. Họ vui mừng khi những đứa con, đứa em của mình đã có nghề, tự kiếm sống và không còn mặc cảm với số phận khiếm khuyết. Để có được kết quả đó phải kể đến sự nỗ lực của những người quản lý, sự cần mẫn của những thầy, cô tại TT.

Cái tâm người thầy

 TT Dạy nghề người tàn tật tỉnh được thành lập với mục tiêu giúp người khuyết tật (NKT) có tay nghề, tìm kiếm công việc phù hợp, không trở thành gánh nặng cho gia đình. TT đào tạo nhiều ngành nghề khác nhau, chủ yếu là các ngành nghề ứng dụng, không đòi hỏi nhiều sức khỏe như: Tin học, điện tử, điện cơ, may, in lụa, dệt. Tại lớp dệt, cô Nguyễn Thị Lài, nhẹ nhàng chỉ dẫn các em từng động tác quấn chỉ, dệt, phối màu. Nhiều em vừa được hướng dẫn xong đã quay lại hỏi. Đôi lúc các em quên lời dạy nên “đốt cháy” công đoạn làm cho sản phẩm dệt mất hình dạng, màu sắc rối mắt. Thế nhưng, không trách các em, cô Lài tiếp tục hướng dẫn lại từ đầu.

Dạy nghề cho NKT các cô giáo phải cầm tay chỉ việc

 Tạm rời lớp dệt, đến với lớp may cũng có tình trạng như trên. Cô Nguyễn Thị Lợi (giáo viên lớp may) tâm sự, để dạy các em lành lặn học nghề đã khó, dạy các em khiếm khuyết càng khó hơn. Các em khiếm khuyết một phần cơ thể phải có cách dạy phù hợp để làm nghề bằng phần cơ thể lành lặn. HV thiểu năng trí tuệ phải dạy theo cách “mưa dầm thấm đất”, nhắc đi nhắc lại hay nắm tay chỉ việc để các em hiểu. Cô Lợi nói: “Những ngày mới tiếp nhận dạy nghề cho HV khuyết tật, ai cũng gặp sự phản kháng của các em. Các em giữ trong mình tâm trạng mặc cảm, xa lánh, không nghe ai nói. Để HV mở lòng với mọi người, thầy cô phải động viên, tâm sự và nắm bắt tâm lý để truyền dạy”.

 Tuy hướng dẫn các em gặp vô cùng khó khăn nhưng những thầy, cô nơi đây chưa bao giờ nản chí. Nhiều người vì yêu những thân phận bất hạnh đã từ bỏ cơ hội tốt để đến với TT. Ông Nguyễn Cường, Trưởng phòng Đào tạo nghề tại TT, chia sẻ: Hầu hết các cô giáo, thầy giáo ở đây đều gắn bó với TT từ những ngày mới thành lập. Vượt qua mọi khó khăn, các cô đã làm tròn trách nhiệm của người “đưa đò”. Để tri ân tấm lòng của thầy cô, nhiều phụ huynh cũng đã gửi lời cảm ơn và những món quà nhỏ đến thầy cô. HV sau khi có việc làm ổn định, gọi điện chúc sức khỏe các thầy, cô … giúp họ có thêm động lực tiếp tục công tác “trồng người”.

Nước mắt hạnh phúc!

  Sau mỗi khóa đào tạo, TT tổ chức tổng kết lớp học và khai giảng lớp mới. Riêng trong khóa học 2013-2014, TT có 75 HV, 7 em được tốt nghiệp đợt này. Các em cầm tấm bằng trao tận tay bậc sinh thành làm họ mừng rơi nước mắt. Tâm sự trong nghẹn ngào, Nguyễn Ngọc Lợi (31 tuổi, Phú Tân, TP.TDM) chị gái học viên Nguyễn Thanh Tâm tốt nghiệp xuất sắc khóa 2013-2014, bộc bạch gia đình chị có 5 chị em. Tâm ra đời với dấu hiệu bị thiểu năng trí tuệ. Gia đình chị vô cùng đau buồn. Em không được đi học như mọi người, lúc nào cũng ngơ ngẩn ngồi một chỗ. Được mọi người giới thiệu, gia đình đưa Tâm đến TT học nghề in lụa. Sau 4 năm học, giờ Tâm đã có tay nghề giỏi và được TT giữ lại đào tạo cho HV mới. Niềm vui, hạnh phúc đó không gì có thể tả hết, gia đình chỉ biết cảm ơn.

  Trước đây với thân phận tật nguyền, NKT luôn sống trong “bóng đen” của sự mặc cảm. Thế nhưng sau khi được đào tạo nghề, suy nghĩ, hành động của họ đã thay đổi. Các HV có nghề đã có thể tự tìm cho mình một tương lai. Trường hợp của Nguyễn Minh Hoàng (SN 1996) là một minh chứng. Căn bệnh chậm phát triển trí não những tưởng đã “cướp” đi cuộc đời của Hoàng, nhưng em đã đứng dậy. Sau 2 năm học nghề điện tử tại TT, Hoàng đã xin được việc làm tại Công ty Yasaki. Ngày làm 2 ca, tháng hơn 2 triệu đồng giúp Hoàng tự tin khẳng định: “Giờ em không còn là gánh nặng cho gia đình! Được dạy nghề, có việc làm, em thấy vui lắm. Em rất thích đi làm, làm nhiều để có tiền cho ba má”.

  Đến dự bế giảng khóa học 2013-2014, ông Nguyễn Phùng Trung, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh & Xã hội, cho biết: “Tôi rất cảm phục tấm lòng của Ban quản lý, thầy cô giáo tại TT dành cho các em. TT đã giúp NKT vượt qua mặc cảm, đào tạo nghề để tự kiếm sống. Tuy nhiên, để công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho NKT đạt hiệu quả cần có sự phối hợp giữa TT với doanh nghiệp, gia đình và nỗ lực của các em. Các doanh nghiệp nên mở rộng cửa đón nhận những HV khuyết tật; gia đình nên tạo việc làm tại gia để cho các em có thu nhập bằng chính sức lao động của mình. Hiện nay, còn nhiều trường hợp khuyết tật chưa đến học nghề tại TT, do đó TT cần phối hợp với chính quyền địa phương, các cấp, ngành tuyên truyền đưa NKT đến học nghề. Có như vậy, mới mong sớm giải được “bài toán” ổn định cuộc sống cho NKT”.

T.LÝ - H.NHUNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên