Dạy nghề gắn với nhu cầu lao động của doanh nghiệp: Hai bên có cơ hội gặp nhau

Cập nhật: 19-10-2013 | 00:00:00
Theo đà phát triển của tỉnh, những năm gần đây, các nhà đầu tư và doanh nghiệp (DN) trên địa bàn ngày càng phát triển mạnh mẽ, mở rộng quy mô sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm xã hội… Theo đó, dạy nghề đáp ứng nhu cầu lao động, tạo điều kiện cho người lao động (LĐ) và DN gặp nhau…

 

 Đào tạo ngành cơ khí cho lao động nông thôn tại trường Trung cấp Nghề Dĩ An 

Đáp ứng nhu cầu, nhưng…

Đánh giá về công tác dạy nghề, bảo đảm nguồn LĐ có tay nghề, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực từ nay đến năm 2015, ông Nguyễn Phùng Trung, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết sau thời gian thực hiện Đề án bảo đảm nguồn LĐ có tay nghề trên địa bàn giai đoạn 2011-2015, đến nay toàn tỉnh đã có 64% LĐ đã qua đào tạo, trong đó có 44% được đào tạo nghề… Ông Trung phân tích, dạy nghề ngày càng đóng góp đáng kể cho nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực, phục vụ nhu cầu LĐ cho DN, thế nhưng tay nghề LĐ công nghiệp đã qua đào tạo vẫn còn hạn chế.

Mặc dù trên địa bàn Bình Dương, mạng lưới cơ sở đào tạo nghề được phát triển rộng khắp ở các huyện, thị, thành phố với 55 cơ sở dạy nghề nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu thực tế của DN. Các trường trung cấp, cao đẳng nghề, kể cả các trường đại học chủ yếu đào tạo theo khả năng cung, chứ chưa thực sự đào tạo theo cầu của DN. Quy luật cung cầu trong đào tạo nghề chưa thực sự tương xứng; đào tạo nghề và nhu cầu LĐ có tay nghề trong DN vẫn còn nhiều bất cập. Ông Trung cho rằng, ngoài nguyên nhân trên, lý do hạn chế cụ thể hơn nữa là ngành nghề đào tạo chưa có thương hiệu; bên cạnh đó, công tác tuyên truyền tư vấn hướng nghiệp cho học sinh chưa nhiều, số học sinh phổ thông hiểu đúng và lựa chọn học nghề còn ít. Đã vậy, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp thường chỉ xét tuyển ở một số ngành không nặng về cơ sở vật chất như kế toán, thư ký văn phòng, quản trị kinh doanh…

Nhiều cầu nối để người LĐ và DN gặp nhau

Để đa dạng hóa công tác dạy nghề và gắn với nhu cầu LĐ DN, Bình Dương đã xây dựng nhiều kênh quan trọng, tạo cầu nối giúp người LĐ và DN có cơ hội gặp nhau về việc làm. Chính vì thế, sàn giao dịch việc làm do Trung tâm Giới thiệu việc làm Bình Dương phối hợp các DN, trường nghề, trường đại học, cao đẳng tổ chức đã đem lại thành công. Qua 78 lần tổ chức, trung tâm đã thu hút rất nhiều DN, nhà tuyển dụng và người LĐ đến dự. Cụ thể tại sàn giao dịch việc làm Bình Dương phiên giao dịch lần 78 vừa tổ chức vào ngày 13-10 mới đây đã có 112 LĐ tham gia tuyển dụng với nhu cầu tuyển dụng là 7.727 người. Qua đó, các nhà tuyển dụng đã phỏng vấn trực tiếp 868 LĐ, song song đó có hơn 8.500 lượt người tham gia truy cập qua sàn trực tuyến...

Bà Nguyễn Thị Bạch Cúc, Phó Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm, cho biết tại sàn giao dịch việc làm đó, các DN có nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông hơn 7.000 người; nhu cầu tuyển dụng LĐ có tay nghề là trên 2.800 người. Bà cho biết thêm các ngành nghề tuyển dụng bao gồm dịch vụ vận tải, cơ khí, gỗ, xây dựng, văn phòng, bảo hiểm, điện tử, viễn thông, may, giày dép, hàng gia dụng, bảo vệ, nhựa, gốm sứ, bo mạch điện tử, đồ dùng nhà bếp, chế biến thực phẩm, kinh doanh địa ốc, giáo dục và các ngành nghề khác.

Không chỉ tổ chức Sàn giao dịch việc làm, từ đầu năm đến nay, trung tâm còn tổ chức dạy nghề cho 1.143 học viên, trong đó có 382 học viên được học các lớp nấu ăn đãi tiệc, sửa chữa máy vi tính, xe gắn máy, trồng nấm, bảo trìmáy may công nghiệp, điện, trang điểm; đồng thời cung ứng, giới thiệu việc làm cho 23.115 lao động trong và ngoài tỉnh… Song song đó, các cơ sở dạy nghề còn thực hiện chương trình gắn kết với DN như đưa học sinh đến thực tập tại DN, làm quen với môi trường sản xuất, kinh doanh và đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tay nghề theo đơn đặt hàng của DN, góp phần làm cầu nối đáp ứng nhu cầu sử dụng LĐ của DN với người học nghề.

Bằng nhiều nỗ lực để thực hiện thành công chiếc cầu nối, Bình Dương đang tiếp tục phấn đấu đến năm 2015 sẽ đạt 70% LĐ qua đào tạo. Ông Trung cho rằng, một trong những biện pháp quan trọng là tỉnh sẽ xây dựng chính sách thu hút học sinh, sinh viên các trường nghề, nghệ nhân, người LĐ kỹ thuật cao tại các DN trở thành giáo viên dạy nghề cùng với việc hướng nghiệp dạy nghề cho học sinh THCS và THPT. Điều quan trọng là đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển dạy nghề, nâng cao chất lượng đào tạo nghề... Có như vậy, chắc chắn, Bình Dương sẽ đạt mục tiêu đào tạo nghề. Lúc đó, đào tạo nghề sẽ gắn nhu cầu LĐ của DN.

 TRỊNH HOÀNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=443
Quay lên trên