Chiều 24-8, ông Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo các sở, ngành, huyện, thị, thành phố về tình hình đầu tư công năm 2020. Tại buổi làm việc, nhiều kiến nghị và giải pháp của các sở, ban, ngành, địa phương, chủ đầu tư đã được đề ra nhằm đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2020.
Bình Dương tập trung đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm hoàn thành kế hoạch đầu tư công năm 2020. Trong ảnh: Các trục giao thông chính thuộc khu quy hoạch xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh (1.500 giường) đã thi công hoàn thành
Tỷ lệ giải ngân còn thấp
Tổng vốn kế hoạch đầu tư công năm 2020 (vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương) của tỉnh được giao là 13.467 tỷ đồng. Tính đến ngày 14-8, tổng giá trị giải ngân 3.029,8 tỷ đồng, đạt 22,5% kế hoạch. Trong 8 tháng đầu năm, tỉnh tiếp tục thanh toán cho dự án chuyển tiếp, dự kiến quý III- 2020 sẽ mời thầu và khởi công một số công trình mới, như: Xây dựng đường Bắc Nam 3 (đã mời thầu quý II-2020), dự án cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương giai đoạn 2 (phần sử dụng vốn dư), đường từ Tân Thành đến cầu Tam Lập (xã Tân Định) thuộc tuyến tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, cầu Bạch Đằng 2 qua sông Đồng Nai, đường và cầu kết nối Bình Dương vàTây Ninh…
Báo cáo với Thường trực Tỉnh ủy, ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: “Mặc dù UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo công tác đầu tư công, tuy nhiên phần lớn dự án đang trong giai đoạn mời thầu, thiết kế bản vẽ thi công - dự toán; khối lượng thực hiện tập trung các công trình chuyển tiếp nên tỷ lệ giải ngân đầu tư công 8 tháng của tỉnh đạt thấp so bình quân cả nước và thấp so cùng kỳ”.
Ông Nguyễn Thanh Trúc cho biết thêm, trong quá trình thực hiện đầu tư công gặp phải một số khó khăn. Công tác vận động người dân đồng thuận với chủ trương, đơn giá đền bù giải tỏa các dự án đầu tư công rất khó khăn, phức tạp và kéo dài từ 2 đến 3 năm (có trường hợp 5 năm) mới bàn giao được mặt bằng. Một số dự án quy mô lớn liên quan nhiều địa phương như TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Tây Ninh nên công tác phối hợp chưa bảo đảm tiến độ. Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến quá trình triển khai thực hiện, ảnh hưởng đến tiến độ chung các dự án.
Ngoài các nguyên nhân khách quan về trình tự thủ tục, sự chồng chéo trong các quy định giữa Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, các nguyên nhân chủ quan cũng ảnh hưởng không nhỏ trong quá trình triển khai thực hiện dự án, như công tác phối hợp giữa chủ đầu tư với các trung tâm phát triển quỹ đất cấp huyện có nơi chưa chặt chẽ, chưa kịp thời trong bồi thường, giải phóng mặt bằng. Đa số chủ đầu tư chưa chủ động xây dựng kế hoạch tiến độ thực hiện phù hợp với thời gian dự án được phê duyệt, từ đó xác định nhu cầu sử dụng vốn không sát với tiến độ triển khai và khả năng giải ngân thực tế, gây khó khăn trong quản lý, điều hành kế hoạch vốn chung của tỉnh.
Nhiều kiến nghị, giải pháp
Tại buổi làm việc, đại diện các sở, ngành và địa phương kiến nghị và đưa ra một số giải pháp để khắc phục những khó khăn, vướng mắc, nhằm đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm hoàn thành kế hoạch đầu tư công năm 2020. Ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND TP.Thuận An, cho biết: “Hơn 90% các dự án của TP.Thuận An gặp khó khăn về công tác đền bù giải tỏa. Thuận An sau khi lên thành phố, giá đất biến động mạnh là một trong những nguyên nhân khiến công tác đền bù gặp khó khăn hơn. Từ nay đến cuối năm 2020, TP.Thuận An sẽ tập trung đẩy mạnh giải tỏa đền bù, giải ngân vốn đầu tư công. TP.Thuận An tiếp tục tuyên truyền vận động, đối thoại với người dân, đồng thời chủ động cưỡng chế đối với trường hợp cố tình không thực hiện. TP.Thuận An cam kết với Thường trực Tỉnh ủy từ nay đên cuối năm sẽ giải ngân 100% vốn theo kế hoạch”.
Tại buổi làm việc, ông Võ Hoàng Ngân, Giám đốc Sở Xây dựng cũng đã làm rõ một số kiến nghị liên quan đến tiến độ xử lý hồ sơ; đồng thời đề nghị các chủ đầu tư bảo đảm khối lượng, chất lượng dự án. Ông Nguyễn Chí Đức, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, cho biết tính đến ngày 21-8, tổng số vốn được giải ngân đạt 15,7% so kế hoạch, chiếm 22% tổng số vốn giải ngân của tỉnh. Một số tiến độ dự án chưa đáp ứng được nhu cầu theo kế hoạch đề ra do công tác đền bù giải tỏa khi triển khai thực hiện phải tuân theo các quy trình, mất khá nhiều thời gian.
Nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư công trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu tăng cường trách nhiệm người đứng đầu đơn vị chủ đầu tư, chính quyền địa phương, các trung tâm phát triển quỹ đất. Đối với công tác bồi thường và giải phóng mặt bằng, kiên quyết thực hiện biện pháp cưỡng chế đối với các trường hợp cố tình chây ì, không tuân thủ quy định pháp luật. Bên cạnh đó, các chủ đầu tư xây dựng kế hoạch tiến độ thực hiện gắn kế hoạch giải ngân từng dự án báo cáo UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, các sở, ngành và các cơ quan liên quan để phối hợp triển khai, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Bảo đảm thực hiện song song 2 nhiệm vụ vừa tập trung giải ngân vốn kế hoạch năm 2020, vừa xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2021 và kế hoạch trung hạn 2021- 2025. Song song đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu được định hướng, mục tiêu và chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh gắn với nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng để tạo được sự đồng thuận của nhân dân trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng...
PHƯƠNG LÊ