Đẩy nhanh tiến độ giải tỏa, đền bù các công trình trọng điểm

Cập nhật: 09-09-2014 | 16:37:38

Ngay từ đầu năm, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung đã nhấn mạnh năm 2014, tỉnh cần tập trung cho công tác đền bù, giải tỏa, bởi đây là khâu quan trọng trong công tác đầu tư xây dựng cơ bản của tỉnh. Từ đầu năm đến nay, các ngành, các cấp trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong công tác này.

Vướng mắc đền bù, giải tỏa khiến tiến độ thi công các công trình trọng điểm bị kéo dài. Trong ảnh: Một đoạn đường chưa giải tỏa xong của dự án đường Mỹ Phước - Tân Vạn. Ảnh: P.LÊ

Nhiều cố gắng

Trong 8 tháng đầu năm 2014, công tác bồi thường, giải tỏa để thực hiện các công trình trọng điểm của tỉnh được các ngành, các cấp đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Cụ thể, dự án đường vào Trung tâm Hành chính tập trung của tỉnh có số hộ dân phải giải tỏa là 617 hộ, chi phí bồi thường, hỗ trợ trên 960 tỷ đồng; đến ngày 20- 5, có trên 500 hộ dân nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng.

Một công trình trọng điểm khác là dự án Khu quy hoạch xây dựng bệnh viện và một số công trình Nhà nước khác ở phường Định Hòa, TP.Thủ Dầu Một. Thời điểm Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh nhận chuyển giao dự án này từ Tổng Công ty Thương mại - Xuất nhập khẩu Thanh Lễ còn 95 hộ và 288 ngôi mộ chưa bốc dỡ, đến nay đã cơ bản hoàn thành chi trả bồi thường. Đối với dự án xây dựng cầu Đồng Nai mới và đường dẫn hai đầu cầu có 240 trường hợp bị ảnh hưởng; trong đó tỉnh đã phê duyệt 239/240 trường hợp và đã chi trả 236/239 trường hợp với tổng kinh phí 59 tỷ 816 triệu đồng/62 tỷ 841 triệu đồng cho các trường hợp cần chi trả. Hiện đã có 202/240 trường hợp đồng ý bàn giao mặt bằng, đạt tỷ lệ 84,16%. Song song đó, công trình nâng cấp, mở rộng đường ĐT746 có chiều dài 10.290m, 1.062 hộ bị ảnh hưởng, đã được phê duyệt kinh phí bồi thường là 373, 2 tỷ đồng…

Ông Bùi Văn Hai, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết đến nay công tác bồi thường, giải tỏa diễn ra tương đối thuận lợi. Nhiều dự án trọng điểm đã thực hiện tốt công tác giải tỏa, bồi thường, đạt từ 85% - 90% tổng diện tích đất thu hồi.

Vướng mắc cần tháo gỡ

Đến nay, dự án xây dựng Đại học Quốc gia TP.HCM (ĐHQG TP.HCM) đã thực hiện giải tỏa đền bù đạt 78% tổng diện tích đất thu hồi. Hiện còn 1 doanh nghiệp và 679 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng cho ĐHQG TP.HCM quản lý và sử dụng với diện tích 113,95 ha. Nếu tính số hộ bàn giao đất thì dự án này đạt rất thấp, 102 hộ/775 hộ, chỉ đạt 12,4%. Đối với Dự án thu hồi đất dọc xa lộ Hà Nội để tạo quỹ đất xây dựng tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên, ngoài 6 trường hợp ở phường Bình Thắng, TX.Dĩ An đã được phê duyệt chưa chi trả còn 181 trường hợp UBND TX.Dĩ An chưa tiến hành áp giá và phê duyệt hồ sơ; lý do là còn phải chờ UBND TP.HCM bố trí vốn. Riêng công trình nâng cấp, mở rộng đường ĐT741 hiện còn vướng 17 hộ dân. Các hộ này chủ yếu yêu cầu bồi thường đất hành lang…

Theo ông Bùi Văn Hai, số dự án tỉnh phê duyệt còn vướng mắc hiện không nhiều, chủ yếu là các dự án do TP.HCM phê duyệt như dự án xây dựng ĐHQG TP.HCM; dự án xây dựng bến xe Miền Đông mới và tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên; dự án thu hồi đất dọc xa lộ Hà Nội để tạo quỹ đất xây dựng tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên… Các phương án đền bù đều do TP.HCM phê duyệt, nếu có thắc mắc Bình Dương sẽ xem xét, nhưng chủ yếu là thực hiện phần di dời cho người dân. Những thắc mắc của người dân chủ yếu là giá bồi thường về đất, giá bồi thường tài sản trên đất.

Ông Nguyễn Tấn Thảo, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TX.Dĩ An, cho biết công tác đền bù, giải tỏa liên quan đến nhiều sở, ngành, nhiều cấp nên sự phối kết hợp đã ảnh hưởng phần nào đến tiến độ. Dự kiến 2 dự án xây dựng bến xe Miền Đông và dự án thu hồi đất dọc xa lộ Hà Nội sẽ hoàn thành công tác giải tỏa, đền bù trong quý 4 năm nay.

Cần thực hiện tốt chính sách tái định cư

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, việc hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp chỉ áp dụng đối với hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, nhưng trong quá trình thực hiện còn thiếu sự công bằng nên dẫn đến những khó khăn trong công tác giải tỏa bồi thường. Về giá đất bồi thường, những hộ có đất ven các trục đường giao thông, gần ngã tư, chợ, trung tâm thương mại bị ảnh hưởng bởi công trình đường điện 500Kv không đồng thuận với đơn giá đã được phê duyệt, dẫn đến việc phải xác định lại giá thị trường để bồi thường. Đây cũng là cơ sở để phát sinh khiếu nại, khiếu kiện…

Trong khi đó, các tổ chức sử dụng đất có nguồn gốc do nhà nước quản lý theo quy định không được bồi thường về đất, nhưng thực tế nhà nước phải có chính sách hỗ trợ thì đơn vị mới bàn giao và giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án. Như dự án ĐHQG TP.HCM hỗ trợ bằng 30% đơn giá đất nông nghiệp, điều này các văn bản quy phạm pháp luật không quy định. Hay như vấn đề về chính sách thu tiền sử dụng đất vẫn còn một số điểm chưa hợp lý, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động, tái sản xuất khi nhà nước thu hồi đất để thực hiện các công trình khác…

Để đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải tỏa, ông Bùi Văn Hai cho rằng cần tập trung vận động, thuyết phục, đối thoại với người dân. Nếu đối thoại không có kết quả thì vẫn phải theo quy trình thực hiện của Luật Đất đai. Bên cạnh đó, phải xây dựng khu tái định cư hoàn chỉnh cho người dân; đồng thời thực hiện nghiêm túc thủ tục, chính sách tái định cư theo Luật Đất đai...

 PHƯƠNG LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên