Ngoài một số khu công nghiệp (KCN) đã được lấp đầy 100% diện tích, chủ đầu tư các KCN còn lại trên địa bàn tỉnh đang tích cực phối hợp với chính quyền các địa phương liên quan đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật, nhanh chóng xúc tiến, thu hút đầu tư các dự án thứ cấp. Giải pháp này được đánh giá là quan trọng trong giai đoạn hiện nay, khi Bình Dương luôn nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, hoàn thiện và nâng cấp cơ sở hạ tầng nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu thu hút đầu tư.
Bình Dương luôn chú trọng phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, xây dựng kết cấu hạ tầng các KCN gắn với đô thị hóa, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Ảnh: XUÂN THI
Hạ tầng hoàn thiện
Thời gian qua, Bình Dương đã ban hành nhiều chính sách quan trọng nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển kinh tế. Trong đó, Bình Dương đã tập trung mọi nguồn lực để hình thành và phát triển các KCN, cụm công nghiệp (CCN) nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước.
Đại diện Ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết theo quy hoạch các KCN đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bình Dương có 31 KCN. Đến nay, Bình Dương có 29 KCN, với tổng diện tích quy hoạch trên 12.670 ha. Trong đó, có 27 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích gần 11.000 ha. Các KCN đã cho thuê đất với tổng diện tích 6.664,3 ha, tỷ lệ lấp đầy 87,4%, có 2.933 dự án còn hiệu lực, trong đó có 77,6% số dự án có vốn đầu tư nước ngoài. Các DN trong KCN đã giải ngân 8,448 tỷ đô la Mỹ để đầu tư nhà xưởng, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, kinh doanh. Các chủ đầu tư tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng CCN, toàn tỉnh hiện có 12 CCN, tổng diện tích 790 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 67,4%.
Thực hiện điều chỉnh quy hoạch, các nhà đầu tư đang tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng các KCN VSIP III, Cây Trường, Nam Tân Uyên mở rộng. Trong năm, chủ đầu tư các KCN đã đầu tư cơ sơ hạ tầng với tổng vốn trên 208 tỷ đồng; cho thuê lại đất với tổng diện tích 266 ha, thu hút đầu tư nước ngoài đạt 1,31 tỷ đô la Mỹ (chiếm 60% toàn tỉnh) và 6.755 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước.
Ông Phạm Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Becamex IDC, khẳng định các nhà đầu tư châu Âu, Mỹ đòi hỏi rất cao về chất lượng hạ tầng, dịch vụ đi kèm. Để chuẩn bị cơ sở vật chất đón dòng vốn FDI, nhiều DN đã đầu tư vào phát triển nhà xưởng, kho bãi công nghiệp tại Bình Dương. Tổng Công ty Becamex IDC và các đối tác đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở hạ tầng tại 5 KCN, bao gồm Mỹ Phước 1, 2, 3, Thới Hòa, Bàu Bàng. Tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện các tuyến đường giao thông quan trọng, tăng cường sự kết nối nội bộ khu vực và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Tạo sức thu hút
Năm 2020, Bình Dương tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thành lập mới và mở rộng KCN, CCN. Đặc biệt, tỉnh sẽ đẩy nhanh tiến độ thành lập KCN công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ. Đồng thời, xây dựng chính sách và triển khai thực hiện hỗ trợ, khuyến khích chuyển đổi công năng các cơ sở sản xuất công nghiệp ở phía nam sang phát triển thương mại, dịch vụ, đô thị và công nghiệp công nghệ cao phù hợp với quy hoạch. Theo đó, ngoài việc phát triển các KCN phía nam, những năm gần đây, theo chủ trương của tỉnh, công nghiệp đang có sự dịch chuyển mạnh về phía bắc. Đơn cử, tại huyện Bắc Tân Uyên theo quy hoạch, sau năm 2020 tổng diện tích các KCN, đô thị trên địa bàn huyện khoảng 2.208 ha với 5 KCN và 1 CCN. Động lực của sự phát triển này là nhờ hệ thống hạ tầng giao thông kết nối của huyện ngày càng phát triển đồng bộ, hiện đại. Trong khi đó, huyện Phú Giáo cũng được phê duyệt quy hoạch 5 CCN, gồm: Tam Lập 1, 2, 3, 4 và Phước Hòa với tổng diện tích hơn 307 ha. Đến nay, CCN Tam Lập 1 với diện tích hơn 68 ha được triển khai xây dựng và đã có nhà đầu tư thực hiện dự án. 4 CCN còn lại đã và đang hoàn tất các bước để triển khai đầu tư trong thời gian tới.
Theo ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, Bình Dương luôn chú trọng phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, xây dựng kết cấu hạ tầng các KCN gắn với đô thị hóa, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội. Do có hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh, kết nối với các tuyến đường giao thông chính thuận lợi nên các KCN của Bình Dương đã lấp đầy hơn 87%. Có thể thấy, quỹ đất hiện tại của các KCN tại Bình Dương đã đạt tỷ lệ lấp đầy khá cao. Trong giai đoạn tới công tác thu hút đầu tư vào các KCN của tỉnh sẽ có sự chuyển biến tích cực, thực chất hơn, chọn lọc hơn theo hướng chuyên biệt, sinh thái, thông minh và sẽ tạo sức hút mới.
NGỌC THANH