Kỳ 1: Còn không ít bất cập
Nhằm hạn chế việc sử dụng tiền mặt trong các giao dịch, thời gian qua hầu hết các ngân hàng đều đã đa dạng hình thức thanh toán, như sử dụng thẻ ATM, Internet Banking, Moblie Banking... Tuy vậy, để tiến tới việc không sử dụng tiền mặt trong giao dịch, các ngân hàng còn rất nhiều việc phải làm.
Máy ATM quá tải
Một chiều cuối tuần đúng dịp nhiều công ty trên địa bàn tỉnh trả lương cho công nhân, chúng tôi có mặt tại Cụm công nghiệp An Thạnh (TX.Thuận An). Nơi đây có 3 máy ATM của Sacombank phục vụ khách hàng, mỗi máy có hơn 20 người xếp hàng để tới lượt rút tiền. Với thói quen của công nhân thường dùng thẻ ATM rút tiền mặt để tiện chi tiêu... nên có người phải chờ đến gần 1 tiếng đồng hồ mới tới lượt mình. Đây là tình trạng chung tại rất nhiều máy ATM trên địa bàn tỉnh vào các ngày cao điểm trả lương trong tháng của các công ty, xí nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Chị Trần Thị Lan Anh, công nhân một công ty ở Cụm công nghiệp An Thạnh, chia sẻ dùng thẻ ATM có tiện lợi là không lo bị trộm cướp khi trữ tiền trong nhà. Nhưng sự cố bất ngờ từ máy ATM đã khiến cho chị nhiều lần “dở khóc, dở cười”. Cụ thể như mới đây, chị ra máy ATM trên đường Cách Mạng Tháng Tám, phường Lái Thiêu, TX.Thuận An để rút tiền, chẳng may máy dở chứng nuốt luôn thẻ ATM của chị. Do giao dịch vào ngày thứ bảy nên chị phải xin nghỉ làm sáng thứ hai để ra ngân hàng làm thủ tục nhận lại thẻ.
Khách hàng rút tiền tại một máy ATM trên địa bàn tỉnh. Ảnh: XUÂN THI
Hiện nay, hầu hết các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đều đã liên kết với nhau để phục vụ khách hàng. Chỉ cần có thẻ ATM ngân hàng A, khách hàng có thể tham gia giao dịch tại tất cả ngân hàng còn lại. Tuy vậy, mức phí giao dịch có sự chênh lệch nên nhiều người rất ngại khi giao dịch ATM từ ngân hàng khác. Tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) - Chi nhánh tỉnh Bình Dương, phí giao dịch nội mạng là 1.100 đồng/lần, thẻ ATM ngân hàng khác là 3.300 đồng/lần giao dịch với ATM trong nước và 44.000 đồng với giao dịch tại nước ngoài. Trong khi đó, Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank)... cũng thu phí giao dịch ATM khác ngân hàng 3.300 đồng/lần giao dịch; Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB)… thu phí giao dịch rút tiền ATM khác ngân hàng là 3.000 đồng/lần giao dịch.
Ngoài ra, việc các ngân hàng quy định số tiền rút tối đa trong ngày không quá 30 triệu đồng, không được giao dịch quá 10 lần trong ngày... đang là những bất cập trong việc hướng mọi người hạn chế sử dụng tiền mặt.
Tiện… nhưng chưa lợi
Trong thời gian qua, rất nhiều ngân hàng đã đồng loạt đa dạng các loại hình giao dịch, thanh toán qua Internet Banking, Moblie Banking, máy POS... Riêng máy POS đang được sử dụng nhiều tại các siêu thị, trung tâm thương mại, doanh nghiệp, điểm mua bán lẻ… trên địa bàn tỉnh, nhưng mức phí giao dịch đang là trở ngại lớn cho khách hàng.
Anh Nguyễn Thành Nhân, chủ một nhà hàng trên đại lộ Bình Dương, cho biết máy POS có lợi thế là nhỏ gọn, dễ thao tác, một ngày có thể thực hiện khoảng 6.000 giao dịch, tuy vậy chi phí đang ở mức khá cao. Cụ thể là tùy theo cam kết với các ngân hàng, phí giao dịch cho mỗi hóa đơn thanh toán có mức 1 - 3% giá trị của hóa đơn. Chi phí này do nhà hàng của anh trả. Do vậy, để hạn chế trả khoản này, anh vẫn thích nhận tiền mặt của khách hàng hơn là cho cà thẻ thanh toán.
Đại diện Ngân hàng Thương mại cổ phần Nam Á (Nam A Bank) - Chi nhánh tỉnh Bình Dương, cho biết thanh toán điện tử hiện đang được nhiều bạn trẻ ưa dùng. Tại Nam A Bank hiện có khoảng 25 - 28% giao dịch thông qua hình thức Mobile Banking. Với dịch vụ này, chỉ cần tải ứng dụng (app) về smartphone, người dùng ở nhà có thể thực hiện rất nhiều giao dịch thanh toán như mua vé máy bay, đóng tiền điện, nạp card điện thoại, mua hàng trực tuyến... Moblie Banking được dự đoán sẽ bùng nổ trong thời gian tới bởi tính tiện lợi. Tuy nhiên, điều lo lắng của nhiều người chính là tính bảo mật của hình thức này.
Mới đây, anh Lê Văn T., ở phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một, đã “mất oan” hàng chục triệu đồng vì lỡ làm mất smartphone. Theo anh T., máy anh cài App Moblie Banking, rồi anh lỡ cài luôn mật khẩu số điện thoại nên kẻ gian dùng điện thoại của anh chuyển tiền sang tài khoản khác.
Trên đây là một số bất cập trong việc sử dụng thanh toán giao dịch qua Banking Internet, Mobile Banking, POS... Nếu những “lỗ hổng” này không được sớm khắc phục sẽ làm chậm mục tiêu hướng đến nền kinh tế nước ta 90% không dùng tiền mặt vào năm 2020.
Ngày 23-2-2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 241/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội (Đề án 241). Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đặt mục tiêu đến năm 2020, cả nước có trên 300.000 máy POS được lắp đặt với số lượng giao dịch đạt 200 triệu giao dịch/năm. Theo đó, 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại trong cả nước có thiết bị chấp nhận thẻ và cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng; 70% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận thanh toán hóa đơn của các cá nhân, hộ gia đình qua các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt; 50% cá nhân, hộ gia đình ở các thành phố lớn sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm, tiêu dùng.
XUÂN VĨ
Kỳ 2: Thực hiện hiệu quả các giải pháp