Dạy thêm, học thêm theo thông tư mới: Bảo đảm quyền lợi cho học sinh, bảo vệ sự tôn nghiêm của nghề giáo

Thứ sáu, ngày 14/02/2025
Theo dõi Báo Bình Dương trên

Hôm nay (14-2), Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐ của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về dạy thêm, học thêm chính thức có hiệu lực. Từ trước đến nay vấn đề học thêm và dạy thêm là nhu cầu có thực và đang được tổ chức với nhiều hình thức khác nhau ở trong và ngoài nhà trường. Chính vì thế, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành dự thảo quản lý việc dạy thêm, học thêm đang nhận được sự quan tâm của xã hội. 

Hiện tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã tạm dừng việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường. Trong ảnh: Một tiết học tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Bồi dưỡng nghiệp vụ tỉnh

Nghiêm túc thực hiện

Ngày 30-12-2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm. Thông tư có hiệu lực từ 14-2-2025, với rất nhiều điểm mới so với quy định hiện hành tại Thông tư 17/2012/ TT-BGDĐT. Ngay sau đó, Sở GD&ĐT đã có Công văn số 138/SGDĐT-GDTrHTX về việc dừng các hoạt động dạy thêm, học thêm có thu phí trong nhà trường theo Thông tư số 29 của Bộ GD&ĐT.

Theo đó, Sở GD&ĐT yêu cầu các trường THPT; Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Bồi dưỡng nghiệp vụ tỉnh; trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên các huyện, thành phố; Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố dừng việc tổ chức các hoạt động dạy thêm, học thêm có thu phí trong phạm vi các cơ sởgiáo dục trước ngày 14-2-2025, cho đến khi có thông báo mới của cấp có thẩm quyền. Sở GD&ĐT yêu cầu các đơn vị, nhà trường phổ biến, tuyên truyền đến cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh học sinh những quy định về dạy thêm, học thêm theo đúng quy định.

Theo bà Nguyễn Thị Nhật Hằng, Giám đốc Sở GD&ĐT, sở đã tham mưu với UBND tỉnh và sẽ có hướng dẫn cụ thể về việc dạy thêm, học thêm trong thời gian tới. Quan điểm của sở là làm đúng theo thông tư của Bộ GD&ĐT. SởGD&ĐT tiếp tục tham mưu cấp trên và có những thông báo, hướng dẫn cụ thể trong trường hợp có sự điều chỉnh hoặc thay đổi. Các đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện các nội dung trong công văn sở hướng dẫn.

“Ngoài ra, ngành GD&ĐT sẽ phối hợp với chính quyền địa phương nhằm kiểm tra, hướng dẫn, quản lý để việc dạy thêm được thực hiện đúng với quy định. Các cơ sởgiáo dục cần triển khai các biện pháp hỗ trợ học sinh, học viên học tập và củng cố kiến thức theo hình thức phù hợp, không thu phí. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các đơn vị liên hệvới SởGD&ĐT để được hướng dẫn giải quyết kịp thời”, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết thêm.

Trường học, giáo viên dừng dạy thêm

Sau khi có hướng dẫn của Sở GD&ĐT, ngay khi bước vào học kỳ II, năm học 2024-2025 hầu hết tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã ngừng dạy thêm ở trường. Nhiều lãnh đạo nhà trường cho biết việc tạm dừng các hoạt động dạy thêm này nhằm thực hiện theo chỉ đạo của Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm. Việc dạy thêm theo các đối tượng khác như học sinh yếu kém, bồi dưỡng học sinh giỏi hoặc học sinh cuối cấp cũng đang chờ hướng dẫn của cấp trên.

Việc dừng dạy thêm được thực hiện theo tinh thần của Thông tư 29, song song đó, các trường cũng đang bàn giải pháp để tổ chức phụ đạo, ôn tập cho học sinh, nhất là với học sinh cuối cấp. Tại trường THCS Lê Quý Đôn (TP.Bến Cát), ngay từ đầu tháng 2 nhà trường đã tạm dừng tất cả các hoạt động dạy thêm, học thêm có thu phí trong nhà trường. Theo thầy Phạm Văn Sang, Hiệu trưởng nhà trường, đối với học sinh khối lớp 9, trường đã cho giáo viên linh hoạt sắp xếp chương trình chủ động vừa dạy vừa ôn. Nhà trường cũng đã lên kế hoạch vận động giáo viên dạy ôn miễn phí cho học sinh cuối cấp để các em vẫn có thể bảo đảm kiến thức.

Trong khi đó, theo lãnh đạo trường THPT Thái Hòa (TP. Tân Uyên), trong thời điểm này, vấn đề dạy, học thêm khiến nhà trường và học sinh cuối cấp có những “khó khăn nhất định”. Với học sinh cuối cấp, nhà trường sẽ bàn phương án để tổ chức dạy học miễn phí cho học sinh với thời lượng theo như quy định. Nhà trường cũng mong sớm có hướng dẫn để triển khai thực hiện nhằm giúp các em có sự chuẩn bị tốt nhất bước vào kỳ thi quan trọng.

Từ ngày 14-2, thông tư về dạy thêm học thêm của Bộ GD&ĐT sẽ được áp dụng toàn quốc với nhiều điểm mới. Thông tư nhận được sự quan tâm từ dư luận xã hội bởi dạy thêm học thêm là nhu cầu chính đáng, có lợi cho cả người dạy lẫn người học. Liên quan đến vấn đề này, thầy Nguyễn Trí, giáo viên trường THPT Dầu Tiếng (huyện Dầu Tiếng), cho biết tất cả giáo viên trong trường đã được thông báo về dừng dạy thêm, học thêm để chờ hướng dẫn mới. “Đứng trên góc độ cá nhân, tôi thấy thông tư này sẽ giúp học sinh có thời gian nghỉ ngơi, tự học và tham gia các hoạt động thể dục thể thao nhiều hơn. Tuy nhiên, thời gian ban hành thông tư này ảnh hưởng rất lớn đến các em học sinh lớp 12 vì phải ngừng dạy thêm ở trường, trong khi thời gian sắp tới các em chuẩn bị bước vào kỳ thi tương đối quan trọng. Mặt khác, khi thực hiện thông tư này sẽ có sự không đồng đều ở các địa phương gây thiệt thòi cho giáo viên và học sinh nhất là các địa phương vùng sâu vùng xa”, thấy Trí nói.

 Liên quan đến Thông tư 29, việc dạy thêm, học thêm ở các nhà trường sẽ thực hiện với 3 đối tượng là: Phụ đạo học sinh yếu kém, bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh cuối cấp và không thu tiền. Bên cạnh đó, Thông tư 29 đã nêu rõ hoạt động dạy thêm là hoạt động phụ trợ giúp học sinh cải thiện chất lượng; dạy thêm thu tiền phải đóng thuế và không được phép thu tiền học sinh. Giáo viên đang dạy học tại các trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền đối với học sinh của mình trên lớp.

Theo thông tư về dạy thêm, học thêm, thì giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường, nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường. Thầy cô có nhu cầu dạy thêm thì đăng ký với trung tâm dạy thêm. Các trung tâm này phải đăng ký kinh doanh và được Sở Kế hoạch - Đầu tư cấp phép.

 TUỆ NHI