Dạy trẻ bằng tình yêu thương
Nghề giáo viên (GV) dạy trẻ chuyên biệt (TCB) được coi là nghề dễ gây stress vì áp lực công việc cao, đòi hỏi sức khỏe, kinh nghiệm và quan trọng nhất là có cái tâm, chấp nhận làm mẹ của những đứa con tật nguyền mới có thể gắn bó lâu dài. Dù công tác giảng dạy gặp rất nhiều khó khăn, nhưng bằng tình yêu thương, sự kiên trì, GV TCB luôn ấp ủ trong tim niềm tin giúp các em hòa nhập với cộng đồng.
Coi trò như con
Đến với trường Tiểu học chuyên biệt Trí Tâm (Khu dân cư Hiệp Thành 1, TP.Thủ Dầu Một), ấn tượng đầu tiên của chúng tôi đó là sự “hiếu khách” của các em nơi đây. Các em đồng thanh chào chúng tôi, tất cả đều nở nụ cười trên môi và líu lo hỏi thăm. Tận mắt chứng kiến GV nơi đây dạy dỗ, chăm sóc các em, chúng tôi càng thêm nể phục họ.
“Khó khăn nhất là phải hiểu tâm lý bé, vì không thể nào áp dụng phương pháp rập khuôn như trong chương trình học, mà mình phải tiếp xúc lâu dài xem các bé nhận thức đến đâu, rồi mới soạn giáo án phù hợp với từng bé”, cô Bùi Thị Mỹ Lụa, quê Bình Thuận, chia sẻ. Nhìn hình ảnh các em khóc, la hét, đi vệ sinh ngay tại chỗ, hay có em đáp lại lời dạy của GV bằng ánh mắt vô hồn... nhưng các cô vẫn yêu thương, chăm sóc các em như một “người mẹ hiền” thì chúng tôi lại thêm phần xúc động. Cô Nguyễn Thị Thanh Việt, quê Khánh Hòa, chia sẻ: “Muốn làm được nghề này thì trước tiên là phải yêu nghề, có trình độ chuyên môn, nhưng hơn hết đó là mình coi các bé như chính con của mình”.
GV dạy TCB không chỉ là người lái đò, là bảo mẫu, là bạn, mà hơn hết, đó là trở thành “người mẹ hiền thứ hai” của các em. Để những trái tim tật nguyền ấy có thể lành lặn như bao đứa trẻ khác, ắt hẳn các cô nơi đây phải rất kiên trì, nhẫn nại và không ngừng san sẻ yêu thương.
Cả nước có 7 cơ sở đào tạo GV chuyên ngành Giáo dục đặc biệt (GDĐB) nhưng sinh viên không “mặn mà” với ngành này nên số lượng rất ít và giảm qua các năm. Để có thể theo đuổi ngành này, nhiều GV đã vượt qua sự phản đối của gia đình. “Gia đình tôi phản đối kịch liệt vì ngành này ít người học, lại vất vả, áp lực, nhưng tôi vẫn theo đuổi đến cùng. Sau này ra nghề rồi thì ba mẹ cũng thông cảm và dần chấp nhận”, cô Lụa tâm sự.
Đa số các em ở đây, tuổi sinh học và tuổi trí tuệ có sự chênh lệch rõ rệt. Có em hơn 10 tuổi, nhưng tuổi trí tuệ như trẻ lên 3. Nhìn cô Việt mỉm cười trò chuyện với một em mắc chứng tự kỷ, nhưng em vẫn “không cảm xúc”, lòng chúng tôi lại chùng xuống. Cô Lê Thị Nhung chia sẻ: “Trước kia cô dạy ở trường Tiểu học Bình Chuẩn (TX. Thuận An), cô thấy GV dạy ở đây rất cực, nếu như ở các lớp học sinh bình thường cô dạy một, thì ở đây phải dạy mười”.
Cần sự chung tay của toàn xã hội
Ngày nay, sinh viên theo học ngành Giáo dục mầm non rất nhiều, nhưng ít ai theo đuổi ngành GDĐB nên nguồn nhân lực khan hiếm. Trường Tiểu học chuyên biệt Trí Tâm hàng năm đều tuyển GV nhưng chưa tuyển được. Hiện tại, trường có 8 GV tốt nghiệp chuyên ngành GDĐB, mỗi cô dạy từ 3 - 6 bé. Vì vậy, nhiều phụ huynh đưa trẻ đến xin học nhưng trường không thể nhận thêm.
Chăm sóc, giáo dục TCB không chỉ là trách nhiệm của phụ huynh, là nghĩa vụ của GV, mà rất cần sự quan tâm của toàn xã hội.
NGUYỄN HUYỀN