Sau ngày khai giảng năm học 2021-2022 vào 15-9, từ ngày 16 đến 18- 9, các trường học trong tỉnh ổn định nề nếp lớp học và từ ngày 20-9 bắt đầu thực hiện chương trình học kỳ 1. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thầy trò các trường dạy và học trực tuyến trong 2 tháng đầu năm học mới. Việc dạy và học trực tuyến hiện nay còn những khó khăn nhất định.
Việc học trực tuyến vẫn còn gặp phải một số khó khăn nhất định. Trong ảnh: HS lớp 9 trường THCS Bình Phú (TX.Bến Cát) tham gia học trực tuyến
Còn một số khó khăn
Trong tình hình dịch bệnh vẫn chưa hạ nhiệt như hiện nay, ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) xác định tổ chức dạy học trực tuyến được xem là giải pháp tối ưu. Ở Bình Dương, dù bắt đầu năm học mới có trễ hơn so với các tỉnh thành khác, nhưng để bảo đảm kế hoạch thời gian năm học, Sở GD-ĐT đã xây dựng các phương án tổ chức dạy học trong điều kiện dịch bệnh xảy ra. Tùy vào đặc điểm tình hình, mỗi trường, mỗi giáo viên sắp xếp thời gian dạy trực tuyến phù hợp để tất cả học sinh (HS) được tham gia học tập.
Cô Nguyễn Thị Kim Thanh, giáo viên dạy lớp 2 trường Tiểu học Tân Định (TX.Bến Cát) cho biết, trong tuần vừa qua cô đã tập hợp HS, cô trò đã làm quen nhau và nhắc nhở nề nếp học tập. Đến nay đã có 42/48 HS tham gia được lớp học. Còn về phía phụ huynh, anh Trần Văn Tân ở phường Phú Thọ (TP.Thủ Dầu Một), có con học lớp 5 trường Tiểu học Phú Thọ (TP.Thủ Dầu Một) nhận xét, trong tuần vừa qua giáo viên cho con anh nhiều bài ôn tập lại kiến thức cũ, có bài tập bằng clip, clip đọc bảng cửu chương, công thức tính chu vi, diện tích các hình... nên con anh cảm thấy hứng thú khi học.
Việc tổ chức dạy và học trực tuyến đã được ngành GD-ĐT triển khai thực hiện trong 2 năm học vừa qua. Dù vậy, hình thức dạy học này vẫn có những khó khăn nhất định do nhiều yếu tố. Nếu như đối với HS cấp THCS, THPT việc tổ chức dạy học trực tuyến gặp thuận lợi, thì đây lại là khó khăn cho cả giáo viên và phụ huynh HS ở cấp tiểu học. Nhiều giáo viên dạy tiểu học nhận xét, do tuổi nhỏ, thời gian các em học trực tuyến cần có sự kèm cặp của người lớn. Trong khi đó nhiều bậc cha mẹ là công nhân lao động không có điều kiện hoặc năng lực để hướng dẫn con học tập.
Năm học mới 2021-2022, Sở GD-ĐT đã chuẩn bị kế hoạch dạy và học theo 4 phương án. Phương án thứ nhất đối với địa bàn kiểm soát tốt được dịch bệnh, sẽ cho 100% học sinh đến trường học trực tiếp; phương án hai dành khu vực có nguy cơ sẽ tổ chức học 70% trực tiếp và 30% trực tuyến; phương án 3 đối với địa bàn nguy cơ cao, tổ chức học trực tiếp 50%, 50% trực tuyến; phương án 4 dành cho các địa bàn chưa kiểm soát tốt dịch bệnh, sẽ tiếp tục duy trì học trực tuyến. |
Một giáo viên ở một trường tiểu học tại TP.Thuận An cho biết, một số phụ huynh chưa có sự phối hợp nhịp nhàng với giáo viên hoặc không thành thạo công nghệ thông tin, chưa biết kết nối với lớp học, giáo viên phải hướng dẫn từng người rất mất thời gian. Trong khi đó, một phụ huynh cũng là giáo viên cũng ở TP.Thuận An cho biết, thành thạo công nghệ như cô nhưng giờ học online của các con, cô cũng khá vất vả. Đến giờ 2 con và đứa cháu học online cô toát cả mồ hôi vì vừa chỉnh mic, loa cho con lớn thì con nhỏ gặp trục trặc không vào được lớp học; chưa kịp trở tay thì đứa cháu cầu cứu vì bị “văng” ra khỏi lớp...
Một khó khăn khác trong việc tổ chức dạy trực tuyến đó là thời gian học tập. Có giáo viên thống nhất với phụ huynh và linh động giờ dạy trực tuyến vào thời điểm phù hợp, nhưng vẫn còn có giáo viên chọn dạy trong giờ hành chính. Đồng hành cùng con trong thời gian học, chị Nguyễn Thị Thuần ở phường Hiệp Thành (TP.Thủ Dầu Một) có con năm nay học lớp 5 cho hay, mấy ngày nay giáo viên và HS đã kết nối với nhau, giáo viên cũng đã gửi bài cho các em ôn tập. Tuy nhiên, giờ học online thực hiện trong giờ chị làm việc, nên chị cũng không thể theo dõi con có tham gia học đầy đủ hay không.
Trong khi đó, anh Nguyễn Duy ở phường Phú Cường (TP. Thủ Dầu Một), có con học lớp 2 trường Tiểu học Nguyễn Du (TP.Thủ Dầu Một) cho biết, 19 giờ hàng ngày là con anh bắt đầu học, thời gian này anh chị cũng ở nhà để theo dõi, hỗ trợ con học tập. Tuy nhiên, đường truyền internet đôi lúc còn trục trặc, phải thường xuyên kết nối lại, ảnh hưởng đến thời lượng tiết học.
Nỗ lực khắc phục
Bà Nguyễn Phương Dung, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT nhìn nhận, đa phần phụ huynh HS tại Bình Dương là công nhân lao động. Do dịch bệnh nên phần lớn cha mẹ đưa con em về quê chưa quay lại. Một bộ phận cha mẹ phải tham gia lao động 3 tại chỗ; có gia đình công nhân ở trong khu phong tỏa hoặc là F0 bị cách ly và điều trị. Do đó việc triển khai dạy học trực tuyến đối với HS tiểu học còn gặp phải một số khó khăn.
Khó khăn dễ nhận ra khi triển khai dạy online, đó là sự tập trung của HS tiểu học không cao, dễ sao lãng nếu giáo viên dạy học không thu hút. Đối với lớp 1, lớp 2, việc ổn định lớp học, điểm danh sĩ số… trên lớp học trực tuyến mất khá nhiều thời gian; chưa kể trong quá trình học, HS lại bị trục trặc về đường truyền, về việc cần phát biểu, giải đáp mà việc kết nối không thông suốt… Vì vậy, thực tế có những tiết dạy kéo dài cả tiếng đồng hồ gây ra áp lực với HS. Ngoài ra, các em còn quá nhỏ để có thể tự thao tác với các thiết bị học tập như laptop, điện thoại thông minh, hay đăng nhập vào các lớp học. Trong khi đó cha mẹ các em đi làm, không thể ở bên cạnh hỗ trợ con học tập.
Một buổi học trực tuyến của HS lớp 2 trường Tiểu học Tân Định (TX.Bến Cát)
Đối với lớp 3, 4, 5 việc dạy trực tuyến thuận lợi hơn, tuy nhiên khó bảo đảm 100 % HS tham gia được vì có nhiều HS là con em công nhân, chưa kể các trường hợp cha mẹ hoặc các em HS đang bị nhiễm Covid-19 đang ở trong khu cách ly điều trị. Ngoài ra, một số phụ huynh phải đi làm “3 tại chỗ” nên cũng không có điều kiện quan tâm vấn đề học tập của con em.
Cũng theo bà Dung, để bảo đảm nội dung, chương trình dạy học, Sở GD-ĐT đã lưu ý các phòng GD-ĐT chỉ đạo tổ mạng lưới chuyên môn cấp huyện, thị, thành phố thiết kế bài giảng điện tử, các file trình chiếu, xây dựng các tiết dạy mẫu theo hướng tinh giản của Bộ GD-ĐT, chia sẻ nội bộ trong các trường, trong đó chú trọng các môn toán, tiếng Việt, tiếng Anh… Phòng GD-ĐT phân công các trường phụ trách thiết kế bài dạy các môn cụ thể theo từng khối lớp để xây dựng ngân hàng giáo án trực tuyến chia sẻ toàn huyện, thị xã, thành phố và các trường trên địa bàn tỉnh. Bài soạn của các trường sau khi duyệt xong sẽ được đưa lên Website của phòng GD-ĐT, các đơn vị có thể tải bài soạn về tham khảo.
Bên cạnh đó, ngành cũng lưu lý, trong quá trình tổ chức dạy học trực tuyến, giáo viên cần phối hợp tốt với cha mẹ HS để trao đổi kế hoạch, thời khóa biểu phù hợp. Giáo viên dạy lớp 1, 2 quay các clip chủ yếu hướng dẫn cha mẹ HS cách chuẩn bị cho con em khi dạy trực tuyến và chuẩn bị đến trường. Khi dạy trực tuyến cần đưa vào một số trò chơi học tập cho HS, tạo không khí vui vẻ, không gây nhàm chán quá tải cho HS. Các trường cần đa dạng hóa các hình thức và phương pháp dạy học từ xa; không áp đặt giáo viên dạy theo hình thức nào; tùy vào điều kiện, tình hình nhà trường, HS và phụ huynh để có những phương pháp và hình thức dạy phù hợp; sử dụng các nguồn học liệu tin cậy, chuẩn xác để tổ chức dạy học và hướng dẫn HS học tập.
ÁNH SÁNG