Đề án 02: Lan tỏa, hiệu quả thực chất
(BDO) Với sự quan tâm, vào cuộc của cấp ủy, chính quyền và những cố gắng, nỗ lực, sáng tạo của các cơ quan, địa phương, đơn vị; đến nay Đề án 02 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Công tác dân vận tham gia xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh (VH-VM) trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2025” (Đề án 02) đã có nhiều chuyển biến ấn tượng. Những hình ảnh đẹp về xây dựng nếp sống VH-VM ngày càng hiện hữu, lan tỏa rộng khắp.
Dấu ấn nếp sống VH-VM
Có thể nói, được thực hiện đồng bộ, quyết liệt và xuyên suốt, Đề án 02 đã tạo sự chuyển biến tích cực. Mỗi người dân Bình Dương đều nhận thấy rõ vai trò, trách nhiệm trong chung tay xây dựng nếp sống VH-VM. Từ nhận thức đến hành động cụ thể, nhiều người dân đã có những hành động đẹp cùng chính quyền các cấp xây dựng một môi trường sống lành mạnh, đáng sống.
Tổ xe ôm “Vì đô thị văn minh” với hành động đẹp; những buổi xuống đường quét rác, trồng cây, xóa quảng cáo, rao vặt sai quy định; những phần quà được trao; phong trào hiến đất làm đường… có lẽ đã trở nên quá quen thuộc với người dân Bình Dương. Ông Nguyễn Văn Cư, phường Chánh Phú Hòa, TP.Bến Cát, chia sẻ: “Góp sức làm đường, là mở rộng tấm lòng. Mình làm cho chính mình thụ hưởng, con cái mình hưởng lợi nên chúng tôi vui vì được góp sức làm nên những con đường giao thông nông thôn sạch đẹp”.
Qua hơn 3 năm triển khai thực hiện Đề án 02, chương trình “Ngày thứ bảy văn minh” là điểm nhấn nổi bật trong các hoạt động chung tay xây dựng Bình Dương ngày càng văn minh, hiện đại, nghĩa tình
Thật khó tìm một hình mẫu chung cho tất cả các địa phương trong xây dựng nếp sống VH-VM, bởi mỗi nơi đều có cách làm riêng, cách làm hay để phù hợp với thực tế của địa phương mình. Nếu như ở huyện Bắc Tân Uyên nổi bật với vận động xã hội hóa đầu tư, duy tu đường giao thông nông thôn, thảm nhựa, bê tông hóa các tuyến đường, tuyến hẻm… thì ở TP.Thủ Dầu Một, TP.Thuận An… và các địa phương lại quan tâm đầu tư cải tạo, xây dựng mới được hàng trăm công viên, tiểu cảnh, tạo ra nhiều không gian sinh hoạt, giao lưu văn hóa cho nhân dân.
Nổi bật, thời gian gần đây, TP.Thủ Dầu Một còn triển khai cuộc vận động “Phủ xanh” đô thị, hướng đến xây dựng “Thành phố xanh - thân thiện” giai đoạn 2024-2030. Số lượng cây xanh trên địa bàn thành phố đã có sự tăng cường, từ các loại cây bóng mát đến cây cảnh đẹp mắt, đa dạng hóa không gian xanh cho cộng đồng…
Chuyển biến từ nhận thức tới hành động
Qua hơn 3 năm triển khai thực hiện Đề án 02, các địa phương trong tỉnh đã xây dựng nhiều mô hình đem lại hiệu quả thực chất. Đề án đãtừng bước đi vào cuộc sống vàtrởthành phong trào thi đua sôi nổi, thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Hình ảnh lãnh đạo phường Phú Hòa (TP.Thủ Dầu Một) gặp gỡ chủ nhà trọ trên địa bàn để kêu gọi miễn, giảm tiền cho người thuê trọ đã để lại nhiều ấn tượng cho người dân trong và ngoài tỉnh.
Ông Bùi Thanh Nhân, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy: “Đề án 02 là đề án quan trọng để hướng tới xây dựng Bình Dương thành đô thị thông minh, văn minh hiện đại, thành một nơi có môi trường sống tốt, đáng sống. Đề án tập trung công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, hình thành thói quen để xây dựng môi trường sống VH-VM. Qua hơn 3 năm triển khai, đề án đã đạt được những kết quả khá quan trọng. Hầu hết các nhóm chỉ tiêu đề ra từ đầu nhiệm kỳ cơ bản đã đạt được, đặc biệt ý thức của người dân về tự nguyện, tự giác tham gia vì cộng đồng đã có chuyển biến rất rõ…”. |
Hay như mô hình “Khu nhà trọ nghĩa tình đất Thủ”, “Cà phê sáng đối thoại với nhân dân” cũng đã lan tỏa rộng khắp, góp phần thực hiện tốt Đề án 02 và đề án nâng cao chất lượng cuộc vận động “Xây dựng nếp sống VH-VM đô thị”.
Là một trong những địa phương thực hiện tốt Đề án 02, TP.Dĩ An đang thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, từng bước làm thay đổi tích cực, toàn diện bộ mặt đô thị với các mô hình như “Chuông báo động điện tử gắn với camera an ninh trong khu dân cư”, ”Khu dân cư tự quản về phòng chống cháy nổ, an ninh trật tự”, “Phân loại rác thải tại nguồn”…
Có lẽ, điểm nhấn nổi bật trong xây dựng nếp sống VH-VM thời gian qua là việc triển khai thực hiện “Ngày thứ bảy văn minh” rộng khắp. Theo Ban Chỉ đạo Đề án 02 của tỉnh, “Ngày thứ bảy văn minh” được tổ chức để tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia thực hiện các hoạt động cụ thể về bảo vệ môi trường; xây dựng nếp sống VH-VM nhằm góp phần thay đổi nhận thức, hình thành thói quen, ý thức và hành động của mỗi người trong giao tiếp, ứng xử đối với cộng đồng và môi trường sống; xây dựng hình ảnh người Bình Dương văn hóa, thân thiện, nghĩa tình; chung tay xây dựng Bình Dương văn minh, xanh - sạch - đẹp…
Chia sẻ về ý nghĩa của buổi ra quân “Ngày thứ bảy văn minh”, ông Nguyễn Lộc Hà, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: “Với sự quyết tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; các đơn vị, địa phương đã gắn việc thực hiện Đề án 02 với các chương trình, cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước. Kết quả sau 3 năm triển khai thực hiện, đề án đã góp phần làm thay đổi bộ mặt từ đô thị đến nông thôn; ý thức và hành động của phần lớn người dân về xây dựng nếp sống VH-VM đã chuyển biến tích cực…”.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, có nơi, có lúc còn phát sinh một số vấn đề trong giao tiếp, ứng xử của một bộ phận người dân đối với cộng đồng và môi trường sống vẫn chưa thật sự văn minh, làm mất mỹ quan đô thị, gây ô nhiễm môi trường… “Để xây dựng xã hội ngày càng tiến bộ, khơi dậy sức mạnh văn hóa, bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, lễ phát động phong trào “Ngày thứ bảy văn minh” được tổ chức với mong muốn tạo ra sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của từng người dân, từng đơn vị, địa phương; trong đó phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên, hội viên cùng gia đình và sự tự giác, tự nguyện của từng cá nhân trong việc thực hiện nếp sống VH-VM nơi công sở, nơi cư trú và nơi công cộng; tạo ra các phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực, hiệu quả; tạo sự lan tỏa trong mọi tầng lớp nhân dân; góp phần phấn đấu xây dựng Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020- 2025 đã đề ra”, ông Nguyễn Lộc Hà chia sẻ.
Một số kết quả thực hiện các chỉ tiêu đề án: - Trên 98% hộ gia đình ký cam kết thực hiện các tiêu chí về xây dựng nếp sống VH-VM. - Có 95% cơ quan, đơn vị đăng ký đạt chuẩn văn hóa hàng năm. - Có 100/96 chợ đăng ký thực hiện, đạt 104,16%; có 22/22 siêu thị, trung tâm thương mại hưởng ứng, đạt 100%. - Ban Tổ chức đề án các huyện, thành phố đã triển khai tích hợp và đầu tư nâng cấp văn phòng khu phố, ấp đạt tiêu chí theo quy định (517/587 đạt 87,1%); bố trí ngân sách, vận động xã hội hóa đầu tư, duy tu đường giao thông nông thôn, thảm nhựa, bê tông hóa các tuyến đường, tuyến hẻm ước đạt 47,9%; nạo vét, xây kè, phát quang các kênh, rạch, suối thông thoáng, sạch đẹp đạt 49,83%... - Các địa phương đã đầu tư cải tạo, xây dựng mới 117 công viên, ti ểu cảnh, nâng tổng số công viên, tiểu cảnh toàn tỉnh là 352 công viên, hoa viên. - Cải tạo, xây dựng 62 nhà vệ si nh công cộng tại các chợ, công viên, cây xăng… |
HUỲNH THỦY