Đề án 06 phục vụ chuyển đổi số: Tạo động lực cho sự phát triển, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân

Cập nhật: 11-08-2022 | 09:18:13

 Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06) đang được Chính phủ, các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương thực hiện quyết liệt. Tại Bình Dương, các cấp ủy, chính quyền cũng xem đây là nhiệm vụ trọng tâm để ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý công việc, phục vụ nhân dân.

 Việc đẩy nhanh thu thập dữ liệu và cấp thẻ căn cước công dân cho người dân sẽ góp phần vào hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư, tích hợp các ứng dụng của Đề án 06 phục vụ chuyển đổi số

 Những kết quả ban đầu

Thời gian qua, lực lượng Công an tỉnh đã đẩy nhanh tiến độ thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân có gắn chíp điện tử (gọi tắt là CCCD), định danh điện tử để làm nền tảng cho công dân tạo tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia nhằm sử dụng các dịch vụ được cung cấp trên cổng dịch vụ công. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện, bảo đảm dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống”; tiếp nhận hơn 191 hồ sơ định danh điện tử.

Thành viên thực hiện Đề án 06 cũng tổ chức hướng dẫn các sở, ban ngành, địa phương thực hiện tích hợp, kết nối và chia sẻ dữ liệu dân cư giữa cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư (CSDLQGDC) với Cổng dịch vụ công quốc gia, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh phục vụ xác thực, chia sẻ thông tin công dân khi thực hiện các thủ tục hành chính theo nguyên tắc không yêu cầu khai báo lại các thông tin đã có trong CSDLQG về dân cư. Riêng nhóm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đang thực hiện và chờ các văn bản hướng dẫn theo chỉ đạo từ cơ quan có thẩm quyền.

Thượng tá Nguyễn Văn Lược, Phó trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh, cho biết lực lượng Công an tỉnh và công an các địa phương đã đẩy mạnh phát triển nhóm phục vụ công dân số với việc cấp định danh, tài khoản định danh điện tử, tích hợp các thông tin cơ bản của công dân trên mã QR của thẻ CCCD, như: Thông tin tiêm chủng, giấy phép lái xe, bảo hiểm y tế, hộ chiếu… và các thông tin khác theo yêu cầu để thuận tiện cho công dân trong thực hiện giải quyết các thủ tục hành chính. Ngoài ra, đang hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư, như: Đăng ký doanh nghiệp, dữ liệu hộ tịch của cơ quan tư pháp.

Đẩy mạnh ứng dụng vào dịch vụ công thiết yếu

Việc triển khai đồng bộ, phối hợp thực hiện Đề án 06 được cả hệ thống chính trị cấp tỉnh đến cơ sở chú trọng nhằm kết nối, chia sẻ dữ liệu chuyên ngành với CSDLQG về dân cư được hiệu quả và bảo đảm đúng yêu cầu về an ninh, an toàn thông tin theo quy định. Trong 25 dịch vụ công thiết yếu, cấp ủy, chính quyền tỉnh đã triển khai 23/25 dịch vụ công thiết yếu. Trong đó, Công an tỉnh đã triển khai 10/11 dịch vụ, còn 1 dịch vụ thuộc Phòng Cảnh sát giao thông về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ qua thiết bị ghi hình (phạt nguội). Bình Dương cũng đang chạy thử nghiệm hệ thống ghi hình phạt nguội. Đối với các sở, ngành đã triển khai 13/14 dịch vụ, còn lại 1 dịch vụ của Bảo hiểm xã hội tỉnh đang triển khai cấu hình API và hoàn thiện các chức năng để đưa vào hoạt động.

Tính đến ngày 11-7, việc khám chữa bệnh ở Bình Dương thông qua bảo hiểm y tế (BHYT) đã có hơn 1,1 triệu thẻ CCCD được đồng bộ với thẻ BHYT (số liệu CCCD được đồng bộ với thẻ BHYT còn hạn sử dụng); có 116/176 cơ sở khám chữa bệnh BHYT thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD.

Đại diện UBND tỉnh cho biết kết quả trên nhờ vào sự quan tâm của Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an trong việc hỗ trợ hướng dẫn, tập huấn triển khai Đề án 06 cho tỉnh; sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị cấp tỉnh đến địa phương thực hiện các nhiệm vụ một cách nghiêm túc trong việc chuẩn bị, thực hiện chỉ tiêu đề ra bám sát theo từng giai đoạn bảo đảm đúng theo tiến độ của đề án này.

Tuy nhiên, theo đánh giá đến nay cũng có một số khó khăn nhất định, như: Người dân chưa quan tâm nhiều đến việc sử dụng cổng dịch vụ công; nhiều trường hợp thuộc đối tượng yếu thế (người lớn tuổi, dân tộc thiểu số tạm trú), trình độ sử dụng công nghệ có hạn nên chưa tự thực hiện đăng ký tài khoản sử dụng dịch vụ công được, bởi các yêu cầu của hệ thống trong đó bắt buộc phải sử dụng số điện thoại chính chủ.

Ở khía cạnh khác, mặc dù các dịch vụ công của đơn vị chuyên môn, lĩnh vực phụ trách đã được thực hiện trên cổng dịch vụ công nhưng thực tế người dân chưa sử dụng nhiều mà chủ yếu nộp hồ sơ trực tiếp và trực tuyến thông qua trang web của đơn vị phụ trách. Có tình trạng hệ thống đường truyền CSDLQGDC bị lỗi, chậm, gây mất thời gian thực hiện các thao tác trên hệ thống.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án 06, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng, cơ quan báo chí tham gia tích cực vào công tác thông tin, tuyên truyền những tiện ích của đề án mang lại phục vụ nhân dân; nâng cao quản lý, điều hành của cơ quan có thẩm quyền, tạo sự đồng thuận sâu rộng trong xã hội, người dân. Tiếp tục chỉ đạo đơn vị kỹ thuật, lực lượng chức năng phối hợp chặt chẽ để rà soát, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, hoàn thiện đường truyền kết nối và thực hiện các biện pháp kỹ thuật để hệ thống hoạt động hiệu quả, bảo đảm thông tin an toàn; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về quy trình, thao tác vận hành cho cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tiếp dân tại bộ phận một cửa...

Trong 6 tháng đầu năm 2022, Bộ Công an đã hoàn thành 11/11 dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4; đồng thời mở rộng thực hiện 187/227 nhóm dịch vụ công khác của lực lượng Công an nhân dân. Trong đó việc cấp hộ chiếu qua mạng, phân cấp đăng ký ô tô, xe máy về cấp huyện, cấp xã được người dân đồng tình ủng hộ.

Tính đến ngày 31-7, một số cơ sở dữ liệu được kết nối chính thức đối với 11 bộ, ngành; 4 doanh nghiệp Nhà nước và 14 địa phương. Trong quá trình đồng bộ thông tin, làm giàu dữ liệu, đã thực hiện thông tin bảo hiểm xã hội của hơn 27,2 triệu công dân; hơn 92 triệu mũi tiêm vắc xin ngừa Covid-19 của công dân; thông tin của Bộ Giáo dục - Đào tạo có gần 1,9 triệu công dân; thông tin đăng ký xe gần 460.000 công dân; thông tin hộ chiếu hơn 1,3 triệu công dân… Giữa tháng 7, Bộ Công an cũng đã công bố hệ thống định danh và xác thực điện tử đi vào hoạt động chính thức. Kết quả, hệ thống này đã thu nhận hơn 6,1 triệu hồ sơ và cấp hơn 7.800 tài khoản định danh điện tử cho công dân. Ngoài ra, đến nay đã cấp hơn 67 triệu thẻ CCCD cho người dân.  

 HƯNG PHƯỚC  

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên