Đề án 1215: Giúp người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí sớm hòa nhập cộng đồng

Cập nhật: 16-11-2015 | 10:05:14

Trong những năm qua, sau khi tiếp thu các văn bản của Trung ương về việc thực hiện Đề án 1215 “Trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011-2020”, Bình Dương đã ban hành nhiều kế hoạch để tổ chức thực hiện. Từ đó, người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí được quan tâm, chăm lo để nhanh chóng phục hồi, hòa nhập cộng đồng.

 Thực hiện Đề án 1215, Trung tâm Dạy nghề người khuyết tật đã nỗ lực dạy nghề cho những trường hợp bị rối nhiễu tâm trí

Trên địa bàn tỉnh hiện có 2.536 người tâm thần, gồm 1.694 người tâm thần phân liệt, 842 người rối loạn tâm thần. Cuộc sống của người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí còn gặp khó khăn về vật chất và tinh thần. Người bị tâm thần chủ yếu sống dựa vào người thân, gia đình, họ hàng và trợ cấp xã hội hàng tháng. Việc đi lại, giao tiếp xã hội và tiếp cận các dịch vụ xã hội còn gặp nhiều khó khăn. Theo bà Phạm Thị Yến, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội (BTXH) tỉnh, hiện nay dạng bệnh tâm thần chủ yếu là rối loạn tâm thần, tâm thần phân liệt, tâm thần nặng chưa xác định dạng bệnh, thể hiện những hành vi như đập phá, đánh người, đi lang thang, không biểu hiện cảm xúc… Do đó, việc được trợ giúp các dịch vụ công tác xã hội, cũng như phục hồi chức năng cho người tâm thần, rối nhiễu tâm trí là nhu cầu hết sức cần thiết đối với họ và gia đình.

Để chăm lo cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1563/KH-UBND về việc thực hiện Đề án 1215 giai đoạn 2013-2020. Đến nay, đã có 45% người tâm thần có hành vi nguy hiểm đến gia đình, cộng đồng được cơ quan y tế chuyên khoa chữa trị và được phục hồi chức năng; 90% người tâm thần lang thang không nơi nương tựa được đưa vào chăm sóc, nuôi dưỡng và phục hồi chức năng tại các cơ sở BTXH, trong số đó đã có 142/281 người có thể về hòa nhập cộng đồng; 100% người tâm thần, rối loạn tâm thần được hội đồng xác định mức độ khuyết tật kết luận mức độ đặc biệt nặng, khuyết tật nặng, được giải quyết hưởng chế độ trợ cấp BTXH hàng tháng; 50% gia đình có những đối tượng trên được nâng cao nhận thức về trợ giúp và phục hồi chức năng cho người tâm thần dựa vào cộng đồng.

Song song đó, tỉnh cũng đã quan tâm nâng cấp, mở rộng và bổ sung trang thiết bị cho các cơ sở BTXH chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí. Các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng cho người tâm thần, rối nhiễu tâm trí (Trung tâm BTXH tỉnh, Cơ sở BTXH Từ Tâm Nhân Ái) đều được nâng cấp, mở rộng nhằm phục vụ tốt hơn cho công tác phục hồi chức năng cho người tâm thần. Từ việc nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động chăm sóc, phục hồi chức năng cho người tâm thần, rối nhiễu tâm trí tại các cơ sở BTXH đã góp phần giúp người tâm thần từng bước hòa nhập cộng đồng. Tỉnh cũng đã chủ động tuyên truyền rộng rãi trong cộng đồng dân cư, nâng cao nhận thức trách nhiệm của gia đình, cộng đồng và toàn xã hội thông qua tuyên truyền trên các phương tiện thông tin; nêu gương điển hình về trợ giúp và khả năng vươn lên của người tâm thần, rối nhiễu tâm trí…

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Phùng Trung, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), việc thực hiện Đề án 1215 vẫn còn một số khó khăn. Cụ thể, chưa có sự phối hợp tổ chức tập huấn những biện pháp chăm sóc, điều trị người tâm thần; cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu; chưa xây dựng mạng lưới công tác xã hội tuyến huyện, thị, thành phố, xã, phường, thị trấn; việc xác định mức độ khuyết tật đối với người tâm thần của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật còn nhiều khó khăn… Nắm bắt những khó khăn này, Sở LĐ-TB&XH đã đề ra kế hoạch trình UBND tỉnh, trong thời gian tới sẽ tiếp tục phát triển nguồn nhân lực làm công tác trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng; điều tra, khảo sát, xây dựng cơ sở dữ liệu trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho họ. 

 Mục tiêu chung của Đề án 1215 trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011-2020 là huy động sự tham gia của xã hội, nhất là gia đình, cộng đồng trợ giúp về vật chất, tinh thần, phục hồi chức năng cho người tâm thần để ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, phòng ngừa người rối nhiễu tâm trí, bị tâm thần, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

(Quyết định 1215 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 22-7-2011)


THIÊN LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1269
Quay lên trên