Cũng như các địa phương trong cả nước, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) ở Bình Dương đã hoàn tất giai đoạn rà soát và bắt đầu triển khai khâu kiểm soát TTHC giai đoạn 3 của Đề án 30, kiểm soát đánh giá chất lượng và nâng cao chất lượng các quy định về TTHC.
Bắt đầu từ khâu kiểm soát hành chính
Nhiệm vụ kiểm soát hành chính từ việc đánh giá tác động các quy định về TTHC trong quá trình dự thảo; gửi, lấy ý kiến của cơ quan, đơn vị kiểm soát, công khai, minh bạch TTHC sau khi ban hành; kiểm soát việc thực thi TTHC trong thực tiễn, giám sát việc thực thi TTHC của đội ngũ cán bộ, công chức... Thực hiện nhiệm vụ này, kể từ ngày 21-7-2011, UBND tỉnh đã tiến hành tập huấn cho hơn 300 cán bộ liên quan đến công tác cải cách TTHC. Đây là bước chuẩn bị thứ hai sau khi thành lập Phòng Kiểm soát TTHC để tiến hành cải cách TTHC quy mô lớn từ cấp xã, phường, thị trấn đến cấp tỉnh.
Cải cách TTHC tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi đến làm thủ tục
Khi đội ngũ cán bộ này nắm vững toàn bộ quy trình thống kê, công bố, cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC; quy trình xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân và tổ chức về các quy định hành chính; quy trình đánh giá tác động, lấy ý kiến dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, quy định về TTHC; tập huấn kỹ năng đánh giá tác động các quy định về TTHC và chi phí tính toán TTHC, toàn tỉnh sẽ đi vào khâu kiểm soát TTHC thường xuyên, liên tục (từ khâu soạn thảo đến khâu thực thi), qua đó kịp thời phát hiện và loại bỏ hoặc chỉnh sửa những thủ tục không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp, góp phần chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, từng bước nâng cao chất lượng thể chế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho cá nhân và tổ chức, cũng như quan hệ hành chính giữa nhân dân với chính quyền minh bạch hơn.
Hiệu quả từ cải cách TTHC ở Bình Dương
Bình Dương có nhiều thuận lợi khi bước vào thực hiện kiểm soát TTHC. Từ năm 2001-2010, Bình Dương trải qua 2 giai đoạn cải cách hành chính và đã loại bỏ nhiều thủ tục không cần thiết, kịp thời chỉnh sửa, ban hành các văn bản phù hợp với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Vì vậy, Bình Dương luôn được xếp là địa phương có chỉ số cạnh tranh cao. Bình Dương cũng đi vào cải cách thể chế hành chính theo hướng tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý Nhà nước, thực hiện kỷ luật hành chính. Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành các thể chế theo những nội dung cụ thể như: thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; phân cấp quản lý Nhà nước và tổ chức, hoạt động của các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND tỉnh, huyện, thị; giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; biện pháp xử lý các hành vi trái pháp luật của cơ quan và cán bộ, công chức Nhà nước trong thi hành công vụ và thực hiện lộ trình cung cấp dịch vụ hành chính công trên môi trường mạng...
Bên cạnh kiểm soát TTHC, từ tỉnh đến huyện, xã không ngừng chú trọng sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, rà soát chức năng, nhiệm vụ theo hướng phân cấp quản lý; bổ sung những chức năng còn bỏ sót; điều chỉnh những chức năng chồng chéo hoặc chưa thống nhất, rõ ràng giữa các cơ quan, đơn vị, nhất là đối với các nhiệm vụ có liên quan nhiều ngành, nhiều cấp; xây dựng nhiều chính sách phù hợp để quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Đồng thời, UBND tỉnh cũng đã có chính sách đúng đắn trong việc tạo nguồn cán bộ, thu hút nguồn nhân lực, khuyến khích cán bộ, công chức phấn đấu học tập các chương trình sau đại học, đại học ngoại ngữ, tin học (bằng đại học thứ hai) và các chương trình bồi dưỡng, tu nghiệp ở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước...
Nhờ đặc biệt chú trọng đến công tác này, hiện nay, đội ngũ cán bộ, công chức ở Bình Dương đã thực sự nâng cao về nhận thức, quan điểm được thể hiện từ khâu tuyển dụng, bố trí, sử dụng, đào tạo và quản lý, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Song song đó, tỉnh phân cấp cho sở, ngành; huyện, thị nâng bậc lương cho cán bộ, công chức từ ngạch chuyên viên và tương đương trở xuống (sau khi đã đối chiếu và thống nhất với Sở Nội vụ); phân cấp cho Giám đốc Sở Tài chính được chi dưới 20 triệu đồng đối với những vấn đề phát sinh ngoài định mức khoán theo đề nghị của các địa phương, đơn vị (không phải xin ý kiến của UBND tỉnh).
Lĩnh vực nào cũng được phân cấp rõ ràng
Trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, phân cấp cho cấp huyện làm chủ đầu tư những công trình dưới 10 tỷ đồng, cấp xã dưới 2 tỷ đồng; tiến hành tin học hóa quản lý hành chính và hiện đại hóa công sở như: Ứng dụng công nghệ web vào công tác quản lý cán bộ, công chức; triển khai đăng ký kinh doanh qua mạng máy tính và thí điểm Hải quan điện tử ở 2 Chi cục Hải quan, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu nhanh chóng, thuận lợi, chính xác. Vấn đề hiện đại hóa công sở cũng được chú trọng. Hiện nay, trụ sở làm việc của cấp ủy, UBND các cấp; các sở, ngành đều được xây dựng phù hợp công năng, thể hiện bộ mặt công quyền; được trang bị các thiết bị văn phòng đồng bộ phục vụ thông tin liên lạc, công tác nghiên cứu, xử lý thông tin, soạn thảo văn bản, sao chụp tài liệu văn thư, lưu trữ... Đây là một trong những điều kiện thuận lợi khi Bình Dương tổ chức triển khai kiểm soát thực hiện cải cách TTHC theo Đề án 30.
Một thuận lợi nữa là ngay khi Thông tư 01 ban hành ngày 26-1-2011 của Văn phòng Chính phủ, Bình Dương đã thành lập xong bộ phận kiểm soát TTHC trực thuộc Văn phòng UBND gồm 5 người. Phòng Kiểm soát TTHC đi vào hoạt động sẽ giúp Chánh Văn phòng UBND tỉnh trong việc kiểm soát TTHC và tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính thuộc phạm vi, thẩm quyền của UBND tỉnh. Cơ quan chuyên trách kiểm soát TTHC bảo đảm việc ban hành và thực hiện các TTHC phục vụ tốt nhất lợi ích của dân và ngăn chặn nạn nhũng nhiễu, tiêu cực trong các cơ quan hành chính.
Cùng với các nhiệm vụ thực thi trên, một trong những nhiệm vụ quan trọng của cơ quan chuyên trách kiểm soát TTHC này là kiểm soát việc thực hiện TTHC thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý Nhà nước của UBND tỉnh. Theo đó, mọi TTHC bao gồm mới ban hành đã sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bị hủy bỏ, bãi bỏ phải được kiểm soát chặt chẽ từ khâu ban hành, nhập vào cơ sở dữ liệu quốc gia, đến công bố công khai để người dân giám sát và thực thi. Như vậy, mọi TTHC sẽ được công khai hóa và thường xuyên sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế, tránh tình trạng tùy tiện, thiếu công khai minh bạch trong việc ban hành và thực hiện TTHC tại nhiều cơ quan hành chính như thời gian qua.
HÒA NHÂN