Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa: Cần có những bước đi cẩn trọng

Cập nhật: 21-11-2014 | 09:15:40

Ngày 20-11, đúng vào Ngày Nhà giáo Việt Nam, Quốc hội đã thảo luận tại nghị trường về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông. Đề án là một phần quan trọng trong việc hiện thực hóa Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. Tại Bình Dương, nhiều ý kiến của cử tri cũng đưa ra, tất cả đều mong muốn tiến đến một sự đổi mới hiệu quả, thiết thực và ít tốn kém nhất.

Học sinh - sinh viên chọn mua sách giáo khoa tại Nhà sách Bình Minh. Ảnh: A.SÁNG

Một chương trình, nhiều bộ SGK

Theo ban soạn thảo đề án, việc ban hành chương trình và SGK mới nhằm đáp ứng yêu cầu tập trung phát triển trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất, năng lực công dân. Giáo dục hướng đến toàn diện nhưng vẫn bảo đảm phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, trang bị kiến thức nhưng vẫn bồi đắp đạo đức, lối sống, trang bị các kỹ năng như sáng tạo, tự học… Với mục tiêu đó, đổi mới chương trình giáo dục phổ thông theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực để phát triển phẩm chất và năng lực người học, vận dụng kiến thức vào thực tiễn.

Thay vì cả nước chỉ có duy nhất một bộ SGK của Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) do Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam in ấn như hiện nay, theo đề án đổi mới chương trình, SGK, việc viết sách sẽ được xã hội hóa để có thể có nhiều bộ sách khác nhau do các tổ chức, cá nhân khác nhau viết. Dựa trên chương trình giáo dục phổ thông và các yêu cầu, tiêu chí đánh giá SGK do Bộ GD-ĐT ban hành, bộ khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông.

Theo lộ trình thực hiện đề án, từ năm 2015 đến tháng 6-2018, Bộ GD-ĐT sẽ hoàn tất các công tác chuẩn bị. Từ năm học 2018-2019, triển khai áp dụng chương trình mới đồng thời từ lớp 1 đến lớp 5; cuốn chiếu theo lớp ở cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông (từ lớp 6 đến lớp 9; từ lớp 10 đến lớp 12). Song song với quá trình triển khai đại trà, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục điều chỉnh, bổ sung để hoàn thiện chương trình và các chính sách liên quan.

Cần thực hiện theo lộ trình

Cho ý kiến vào nội dung Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, đa số cử tri Bình Dương tán thành việc xây dựng một chương trình với nhiều bộ SGK. Việc cần thiết phải xây dựng chương trình và biên soạn SGK với những đổi mới căn bản, toàn diện về mục tiêu, nội dung, phương pháp và hình thức dạy học, thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục và quản lý, thực hiện chương trình. Hầu hết các giáo viên và phụ huynh đều cho rằng, chủ trương này mang lại nhiều lợi ích vì đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người sử dụng SGK, có nhiều SGK phù hợp với từng vùng, miền, đặc điểm của địa phương, huy động được trí tuệ của các nhà xuất bản, tổ chức, cá nhân.

Tuy nhiên, cử tri lại bày tỏ sự không đồng tình với phương án Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn một bộ SGK, các tổ chức, cá nhân biên soạn các SGK khác. Ông Nguyễn Văn Thiện, người dân tại khu phố Bình Đức, phường Bình Hòa, TX.Thuận An cho rằng, việc Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn SGK là “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, vừa soạn sách, vừa quản lý thì không khách quan khi đánh giá chất lượng SGK. Khi Bộ biên soạn sách, sẽ khiến cho các Sở GD-ĐT các địa phương phải dùng vì nếu Bộ biên soạn sẽ phải lấy ngân sách nhà nước, nếu không dùng thì sẽ rất lãng phí và đi ngược lại với chương trình xã hội hóa giáo dục.

Một cử tri khác băn khoăn, thay đổi lớn đối với giáo dục như vậy mà không thực hiện thí điểm và năm 2018 đã thực hiện đại trà là không nên, cần thực hiện theo lộ trình, cần có bước đi cẩn trọng hơn, cần có thí điểm, đánh giá những mặt được và chưa được. Để SGK mới đi vào cuộc sống cần phải có những giai đoạn cụ thể, đầu tiên biên soạn đến đâu đưa về địa phương lấy ý kiến đến đó, tiến đến việc thực hiện thí điểm để cuối cùng không bỡ ngỡ, lúng túng khi thực hiện đại trà. Cuối cùng, dù đổi mới nhưng vẫn phải kế thừa những cái hay của SGK cũ và vẫn phải giữ gìn bản sắc văn hóa, lịch sử của dân tộc.

* Ông Dương Thế Phương, Giám đốc Sở GD-ĐT: Cần có những bước đi phù hợp

Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa của Bộ GD-ĐT là cần thiết. Vì hiện nay chương trình quá tải ở tất cả các cấp học, từ tiểu học đến THCS, THPT. Với chương trình học hiện nay, khi rời ghế nhà trường học sinh không thể tiếp cận với công việc, tiếp cận xã hội, các em không định hướng được nghề nghiệp, vì chương trình giáo dục không phù hợp với thực tiễn.

Đổi mới chương trình, nhưng vẫn xác định chiến lược đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo con người phục vụ cho ai, mức độ trình độ như thế nào, từ đó mới xây dựng chương trình giáo dục phù hợp. Còn nếu cứ đổi mới chung chung thì sẽ không giải quyết được vấn đề gì. Tôi nghĩ, bộ cần có sự tính toán việc thực hiện đổi mới phải có từng bước đi phù hợp.

* Cô Nguyễn Thị Miễn, Phó Hiệu trưởng trường THCS Chu Văn An: Đổi mới chương trình cần hướng đến phát triển năng lực học sinh (HS)

Chương trình HS đang học có lượng kiến thức rất nặng, HS học lý thuyết nhiều nhưng việc rèn luyện kỹ năng, thực hành cho HS rất ít. Đặc biệt môn văn có một số tác phẩm chưa đi vào đời sống HS, chưa đủ đánh thức tâm hồn HS. Chính vì học với lượng kiến thức nặng nên việc thay đổi chương trình, SGK là cần thiết. Nhưng việc thay đổi không phải thay thế tác phẩm khác vào, mà làm sao cho áp lực học tập của HS nhẹ đi, tăng tiết thực hành, đi thực tế để gắn giữa học lý thuyết và thực tế cuộc sống.

Theo xu hướng của Bộ GD-ĐT là đánh giá HS theo năng lực, muốn vậy phải bồi dưỡng đội ngũ giáo viên có nghiệp vụ để đánh giá năng lực HS. Nghĩa là, giữa phần HS học và giáo viên dạy phải hướng đến năng lực. Kết hợp đổi mới SGK, đổi mới phương pháp, đổi mới đánh giá mới thực sự theo đúng yêu cầu phát triển năng lực HS.

* Cô Nguyễn Phương Dung, Phó Hiệu trưởng trường THPT Chuyên Hùng Vương: Chú trọng đến chuẩn đầu ra

Hiện nay, chúng ta đang trong thời kỳ hội nhập, nên việc thay đổi chương trình, SGK là phù hợp. Đổi mới chương trình phải song hành với đổi mới thi cử. Hiện nay, chương trình thi cử của HS nặng hơn so với SGK. Bộ cần tính toán đổi mới như thế nào để giảm áp lực học tập cho HS, làm sao HS không còn phải đi học thêm.

Thời gian qua chúng ta có xu hướng xiết chặt đầu vào, nhưng thả lỏng đầu ra. Từ đó dẫn đến tình trạng sinh viên tốt nghiệp ra trường còn thất nghiệp nhiều. Do đó, phải quan tâm đến hiệu quả đào tạo, chú trọng đến chuẩn đầu ra cho sinh viên - HS.

* Ông Huỳnh Ngọc Phú, phụ huynh ở phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một: Đổi mới chương trình kết hợp bồi dưỡng đội ngũ

Tôi có con đang học lớp 2, hàng ngày tôi vẫn kèm cặp con học. Theo tôi, chương trình giáo dục hiện nay là tương đối nặng. Thêm nữa, SGK vẫn còn những “hạt sạn”, thỉnh thoảng vẫn còn những đề bài toán sai, những bài thơ được người viết sách tự sửa không đúng với nguyên mẫu của tác giả. Ngoài ra còn có những kiến thức mà lẽ ra ở lứa tuổi HS tiểu học chưa cần thiết phải tìm hiểu cũng được đưa vào chương trình sớm quá. Sắp tới, khi viết sách, người biên soạn cần kiểm tra kỹ lưỡng trước khi đưa vào sử dụng đại trà.

Yếu tố khác ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục là chất lượng người thầy. Ngành GD-ĐT cần tăng cường bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo thật sự có tâm, yêu nghề, tích cực đổi mới, sáng tạo.

 

N.THANH - A.SÁNG (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=763
Quay lên trên
X