Để các điểm bưu điện văn hóa hoạt động trở lại: Cần tính đến lợi ích cộng đồng

Cập nhật: 27-03-2012 | 00:00:00

Sau một thời gian dài hoạt động cầm chừng, đến nay các điểm bưu điện văn hóa (BĐVH) xã đang có dấu hiệu “hồi sinh” do được cải tạo, nâng cấp. Tuy nhiên, các điểm BĐVH xã này cũng sẽ hoạt động không hiệu quả nếu không được khắc phục các hạn chế khách quan, cũng như thay đổi nội dung hoạt động theo hướng phục vụ đa dạng các nhu cầu của cộng đồng dân cư...

 Nhiều điểm BĐVH hiện đã được sửa chữa, nâng cấp khang trang hơn. Trong ảnh: BĐVH xã Phước Sang, huyện Phú Giáo chuẩn bị hoạt động trở lại

Thay đổi để phục vụ tốt hơn

Không thể phủ nhận vai trò quan trọng của các điểm BĐVH xã trong thời gian qua, bởi các điểm BĐVH xã đã góp phần không nhỏ trong việc đẩy nhanh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại các xã, đặc biệt là đối với các xã vùng sâu, vùng xa. Trước đây, các điểm BĐVH xã được xem là trung tâm của các hoạt động viễn thông, bưu chính, văn hóa... Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các hoạt động viễn thông, nhất là sự xuất hiện của các mạng di động, đã vô tình đẩy các điểm BĐVH “ra rìa”! Kể từ đó, người dân không còn thói quen đến các điểm BĐVH xã để gọi điện hay gửi thư; trong khi các đầu sách, tạp chí tại đây thì không được bổ sung nên không thể thu hút được người dân.

Tại các xã trong vùng đô thị, sự phát triển của các đại lý bưu điện một cách ồ ạt đã tạo ra sức cạnh tranh không cân bằng với các điểm BĐVH. Sự cạnh tranh mạnh mẽ này đã làm cho hoạt động của các điểm BĐVH yếu dần, nhiều điểm BĐVH hoạt động ế ẩm trong một thời gian dài, sau đó buộc phải đóng cửa. Theo thống kê của Bưu điện tỉnh, toàn tỉnh có 49 điểm BĐVH, nhưng trong năm 2011 có gần một nửa trong số đó phải ngừng hoạt động (21/49 điểm).

Ông Võ Văn Tín, Giám đốc Bưu điện tỉnh, cho biết nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng nói trên là do thu nhập của nhân viên tại các điểm BĐVH thấp. Trước kia, doanh thu chủ lực tại các điểm BĐVH là từ việc bán tem thư, cước điện thoại; thẻ điện thoại và cước thư từ chuyển đi. Trước tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và mạng điện thoại di động, cùng với nhu cầu của con người ngày càng cao, các dịch vụ cũng theo đó mà phát triển khiến cho hầu hết các điểm BĐVH chỉ hoạt động cầm chừng hoặc ngưng hoạt động và xuống cấp. Điều đó đã khiến cho thu nhập của nhân viên ít đi, không đáp ứng đủ nhu cầu trong sinh hoạt đời sống của nhân viên.

Bình mới, rượu cũng phải mới

Thực tế cho thấy một số điểm BĐVH tại mốt số xã đã có sự thay đổi. Một số điểm trước đây ngừng hoạt động nay đã được sửa sang, nâng cấp và hoạt động trở lại. Trao đổi với chúng tôi về những thay đổi này, bà Mai Ka, Trưởng phòng nghiệp vụ Bưu điện tỉnh, cho biết các điểm BĐVH mới sẽ được đầu tư tối đa là 10 triệu đồng để trang bị về cơ sở vật chất như quầy giao dịch, biển hiệu, tủ sắt, thùng thư, cân thư, bàn ghế, đồng hồ treo tường, dấu ngày và các dấu dịch vụ khác. Bên cạnh đó, Mobifone sẽ trang bị thêm cho mỗi bưu điện đại lý một máy tính. Theo đó, các điểm bưu điện không những hoạt động trở lại bình thường mà còn khang trang hơn so với trước. Về chế độ đối với nhân viên bưu điện, bà Mai Ka cho biết tính đến thời điểm từ tháng 1-2012, người làm việc tại các điểm bưu điện sẽ có mức lương từ  650.000 đồng đến 3 triệu đồng/tháng (tùy khu vực). Ngoài ra, Tỉnh đoàn còn hỗ trợ thêm cho mỗi nhân viên 500.000 đồng/tháng.

Những thay đổi và nâng cấp như trên là dấu hiệu rất tích cực đối với các điểm BĐVH. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là nội dung hoạt động của các điểm BĐVH có được thay đổi để có thể thu hút người dân đến với nó như thời gian trước? Một thực tế khác là các trở ngại khách quan, sự cạnh tranh với các điểm BĐVH vẫn còn nhiều, nếu không khắc phục được các khó khăn này sẽ rất khó “xốc” lại hoạt động của các điểm BĐVH. Ông Vũ Hải Lý, Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp, huyện Phú Giáo, cho biết: “Thời gian gần đây, việc nâng cấp điểm BĐVH xã cũng đã được thực hiện, tuy nhiên chúng tôi vẫn rất e ngại cho sự hoạt động của điểm BĐVH trên xã nhà vì lâu nay người dân không còn thói quen đến với BĐVH xã, trong khi đó BĐVH cũng là một trong 19 tiêu chí của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Theo tôi, để có thể cho người dân đến với điểm BĐVH xã thì số đầu sách, tạp chí, tài liệu hướng dẫn sản xuất phải phong phú hơn và được cập nhật thường xuyên. Bên cạnh đó, tại các điểm BĐVH cần lắp đặt thêm một số máy tính có kết nối internet để người dân đến truy cập, tìm kiếm thông tin khi cần. Có như vậy mới có thể thu hút người dân đến với các điểm BĐVH xã ngày càng nhiều hơn”.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của các hoạt động bưu chính viễn thông, việc nâng cấp và “hồi sinh” cho các điểm BĐVH xã là hết sức cần thiết để có thể phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn. Thế nhưng, song song với việc nâng cấp về hình thức của các điểm BĐVH này thì việc thay đổi, nâng cao chất lượng phục vụ cũng cần được chú ý; trong đó cần chú ý nhiều hơn đến lợi ích thực tế của cộng đồng cư dân nông thôn tại địa phương.

PHƯƠNG AN - ĐÀ BÌNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên