Để các khu công nghiệp ở Bình Dương phát triển bền vững

Cập nhật: 18-08-2010 | 00:00:00

Khái niệm “phát triển bền vững” chính thức xuất hiện năm 1987 trong báo cáo “tương lai của chúng ta” của Hội đồng thế giới về Môi trường và Phát triển (WCED) như là “Sự phát triển đáp ứng được những yêu cầu của hiện tại, nhưng không gây trở ngại cho việc đáp ứng nhu cầu của các thế hệ mai sau”.   Bài viết này đánh giá thực trạng và đưa ra một số giải pháp phát triển bền vững các Khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiện nay.

Sự phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh đã tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ, sự dịch chuyển lao động nhất là lao động từ các tỉnh trong cả nước về Bình Dương đã tạo ra những sức ép nhất định về các vấn đề xã hội như tốc độ đô thị hóa nóng, nhà ở, trường học, bệnh viện, an ninh trật tự và các tệ nạn xã hội. Song bằng kinh nghiệm và những lợi thế sẵn có, Bình Dương đã giải quyết tốt những vấn đề này, có những mặt trở thành điểm sáng, là mô hình cho các tỉnh khác học tập...

  Hệ thống giao thông ở Bình Dương được đầu tư đồng bộ bảo đảm cho sự phát triển bền vững của kinh tế- xã hội địa phươngCùng với quá trình phát triển các KCN, vấn đề bảo vệ môi trường là vấn đề đáng được quan tâm bởi vì đây chính là vấn đề đe dọa trực tiếp sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững, sự tồn tại phát triển của các thế hệ hiện tại và tương lai. Giải quyết vấn đề môi trường trong các KCN Bình Dương hiện nay không chỉ là đòi hỏi cấp thiết đối với các cấp quản lý, các doanh nghiệp mà còn là trách nhiệm của mỗi người lao động trong các KCN. Nhận thức được vấn đề này quá trình phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh Bình Dương vấn đề môi trường được đặt ra hết sức nghiêm túc và trở thành một trong những tiêu chí quan trọng trong việc xét duyệt cấp phép các dự án đầu tư...

Tuy nhiên, những khó khăn thách thức đối với sự phát triển bền vững các KCN trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiện nay không phải là ít. Để trong những năm tới các KCN trong tỉnh phát triển bền vững cần thực hiện một số giải pháp cơ bản. Nâng cao chất lượng quy hoạch mạng lưới các KCN trên địa bàn tỉnh. Quy hoạch các KCN phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và theo hướng mở rộng lĩnh vực đầu tư, thiết lập mối quan hệ chặt chẽ gắn quy hoạch ngành và quy hoạch địa phương với quy hoạch vùng. Trong quy hoạch KCN cần chú trọng đến phương án bố trí các ngành công nghiệp, các nhóm sản phẩm chủ yếu, phù hợp với đặc điểm khu dân cư, các nguồn lực (đất đai, vốn, nhân lực) và yêu cầu về bảo vệ môi trường. Hoàn thiện mô hình tổ chức KCN theo hướng chuyển từ KCN đa ngành đa lĩnh vực nhằm khai thác lợi thế về tài nguyên, lao động sang KCN sản xuất, chế biến và dịch vụ với trình độ tập trung, chuyên môn hóa cao. Thực hiện chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ KCN theo hướng phát triển các ngành công nghệ sạch...

Xây dựng đồng bộ các yếu tố cơ sở hạ tầng về kinh tế - xã hội và môi trường. Tỉnh và doanh nghiệp cần có chính sách thu hút lao động mạnh mẽ hơn nữa nhất là lao động có trình độ tay nghề phục vụ nhu cầu về lao động cho các doanh nghiệp trong KCN. Hoàn  thiện các chính sách phòng chống ô nhiễm, bảo vệ môi trường các KCN. 

Xây dựng năng lực tự kiểm soát và chủ động bảo vệ môi trường của doanh nghiệp thông qua việc lựa chọn cải tiến, đổi mới về sản phẩm, công nghệ theo hướng cùng lúc đạt cả lợi ích về môi trường và hiệu quả kinh doanh. Tăng cường sự tham gia của cộng đồng vào việc giám sát các hoạt động công nghiệp, các quá trình ra quyết định liên quan tới các dự án gây ô nhiễm. Khuyến khích doanh nghiệp cam kết với cộng đồng, tăng cường tiếp xúc và trao đổi thông tin với cộng đồng về những hoạt động sản xuất của mình...

Phát triển bền vững các KCN ở Bình Dương hiện nay là một đòi hỏi cấp thiết xuất phát từ những lợi thế so sánh và từ chính nhu cầu của quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phát triển bền vững các KCN góp phần rút ngắn quá trình CNH, HĐH hướng đến một nền kinh tế phát triển bền vững nhằm thực hiện được mục tiêu tổng quát của phát triển bền vững là phát triển phải kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa được ba mặt kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.

Phạm Nguyễn Ngọc Anh (Hệ sau đại học-Học viện Chính trị- Hành Chính quốc gia Hồ Chí Minh)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=440
Quay lên trên