Nhằm tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT), nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân khi tham gia giao thông đường thủy (GTĐT), việc xây dựng và thực hiện phong trào văn hóa giao thông (VHGT) với bình yên sông nước là một nhiệm vụ thiết thực đặt ra trong tình hình hiện nay. Trong đó, nhiệm vụ chính và trọng tâm là đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật về GTĐT để nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cộng đồng và toàn xã hội đối với công tác bảo đảm TTATGT đường thủy, tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh khi tham gia giao thông. Đồng thời, phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ ứng xử của cán bộ, công chức với nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về TTATGT đường thủy nội địa.
Cuộc vận động này cũng nhằm khơi dậy ý thức chấp hành pháp luật và trách nhiệm của mỗi người và cộng đồng khi tham gia giao thông nói chung và GTĐT nói riêng. Vì vậy phong trào VHGT với bình yên sông nước với nội dung cơ bản là thực hiện đồng bộ các mặt công tác bảo đảm TTATGT; trong đó tập trung vào công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về GTĐT để xây dựng ý thức, trách nhiệm của người tham gia giao thông, của cộng đồng đối với pháp luật và công tác bảo đảm TTATGT đường thủy. Việc làm này có ý nghĩa quan trọng trong việc định hướng, tạo môi trường thuận lợi, thúc đẩy dần các biểu hiện ứng xử có văn hóa, chấp hành pháp luật khi tham gia GTĐT; đồng thời phát huy ý thức, trách nhiệm, thái độ trong công việc của lực lượng thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về TTATGT đường thủy. Qua đó, huy động sức mạnh tổng hợp, sự quan tâm, ủng hộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đoàn thể và các tổ chức xã hội tham gia công tác bảo đảm TTATGT đường thủy nội địa.
Để cuộc vận động xây dựng phong trào VHGT với bình yên sông nước có hiệu quả, thực sự đi vào cuộc sống, Ban ATGT các địa phương, đặc biệt là các địa phương có tuyến đường thủy đi qua cần căn cứ tình hình, điều kiện thực tế của địa phương và hướng dẫn của Ban chỉ đạo tỉnh để chỉ đạo và triển khai thực hiện một cách sâu rộng nội dung cuộc vận động đến tất cả các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động GTĐT nội địa. Trong đó, tập trung vào các đối tượng trực tiếp tham gia GTĐT như thuyền viên, chủ bến, chủ phương tiện, người làm ăn sinh sống trên đường thủy... đặc biệt là tại các xã, các khu dân cư ở ven sông, nơi tập trung đông người tham gia GTĐT và lực lượng chức năng tham gia công tác quản lý các hoạt động GTĐT nội địa. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về TTATGT đường thủy phù hợp với các đối tượng tham gia giao thông và trình độ dân trí ở khu vực. Ngoài phổ biến pháp luật phải quan tâm xây dựng lối sống có văn hóa, trở thành thói quen, sự tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về ATGT, sự tôn trọng, nhường nhịn, giúp đỡ mọi người khi tham gia giao thông.
CHÍ NHÂN