Để du lịch thành phố cất cánh…
(BDO) Từ nhiều năm qua, lễ hội Rằm tháng giêng đã trở thành nét văn hóa độc đáo của người dân Thủ Dầu Một nói riêng, tỉnh Bình Dương nói chung. Du khách thập phương cảm nhận rõ nét hơn về một Thủ Dầu Một không có tình trạng ăn xin, mê tín dị đoan, không rác thải…
Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu đã trở thành điểm đến tâm linh thú vị của khách hành hương trong và ngoài tỉnh. Với khách thập phương, khi đến tham gia lễ hội có thể cảm nhận được một lễ hội văn minh, lịch sự, thân thiện và nghĩa tình với nhiều dịch vụ miễn phí được đông đảo người dân nhiệt tình tham gia. Đặc biệt, Đảng bộ, chính quyền thành phố đã chỉ đạo, huy động các ngành chức năng, các ban ngành, đoàn thể thành phố phối hợp với các cơ sở tổ chức lễ hội bảo đảm an toàn, tiết kiệm, văn minh, lịch sự, tạo hình ảnh tốt đẹp trong lòng du khách.
Phố đi bộ Bạch Đằng - Công viên ven sông Sài Gòn, TP.Thủ Dầu Một thu hút đông người dân và du khách trong dịp lễ, tết
Các hoạt động thiện nguyện trong dịp lễ hội Rằm tháng giêng đã trở thành nét văn hóa đặc sắc, độc đáo riêng của vùng đất, con người nơi đây. Đó không chỉ là niềm tự hào của người dân địa phương, mà còn tạo được thiện cảm trong lòng du khách thập phương. Năm 2024, lễ hội chùa Bà tiếp tục để lại dấu ấn sâu sắc, quảng bá hình ảnh con người đất Thủ mến khách, thân thiện, văn minh. Hình ảnh Đội Tự quản bảo vệ môi trường tuyên truyền, trực tiếp thu gom rác vương vãi trên đường phố, vỉa hè hay Đội xe ôm miễn phí sẵn sàng phục vụ đã để lại một ấn tượng đẹp trong lòng du khách thập phương.
Năm nay, lần đầu tiên tại phố đi bộ Bạch Đằng, TP.Thủ Dầu Một, người dân, du khách được thưởng thức các tiết mục đặc sắc, công phu, mới lạ của 40 đoàn nghệ thuật lân sư rồng. Liên hoan nhằm hướng đến mục tiêu phát huy những giá trị, nét đẹp văn hóa truyền thống, góp phần phát triển du lịch, kinh tế địa phương.
TS. Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia đô thị, đánh giá TP.Thủ Dầu Một thực sự giàu tiềm năng để phát triển du lịch xanh với những lợi thế của một đô thị lâu đời và vị trí địa lý thuận lợi. Thời gian qua, việc cải tạo, nâng cấp các tuyến đường trung tâm, tạo bộ mặt đô thị văn minh, hiện đại. Việc đưa vào hoạt động chợ đêm và phố đi bộ Bạch Đằng có ý nghĩa văn hóa, xã hội quan trọng. Đặc biệt, công trình ven sông quy mô lớn, được thiết kế nhiều điểm nhấn làm nổi bật ý nghĩa đất và người Thủ Dầu Một. Với lợi thế trên bến dưới thuyền, phố đi bộ Bạch Đằng đã trở thành địa điểm lý tưởng để tổ chức sự kiện, đặc biệt vào những ngày lễ, tết.
Tuy nhiên, để làm phong phú các hoạt động vui chơi, giải trí, theo chuyên gia Ngô Viết Nam Sơn thành phố cần nâng cấp khu chợ Thủ thành phố ẩm thực theo mô hình tự phục vụ, để chợ Thủ có một nét chấm phá nổi bật. Sau khi tham quan các di tích, thắng cảnh trên địa bàn, du khách sẽ quay trở lại khu vực trung tâm này dạo chơi, ngắm cảnh khám phá làng nghề truyền thống, thưởng thức văn nghệ, vui chơi giải trí, mua hàng lưu niệm… trong không gian trong lành.
Với những bước tiến trong xây dựng thành phố xanh và những nỗ lực nâng cấp đô thị, kỳ vọng TP.Thủ Dầu Một không chỉ đẹp bởi phong cảnh hữu tình, bề dày lịch sử văn hóa, mà ở đó có cả nhịp sống đô thị văn minh, hiện đại, giàu sức phát triển.
TIỂU MY