Để giáo viên yên tâm cống hiến

Cập nhật: 28-03-2024 | 08:59:13

Từ ngày 1-7-2024, lương của giáo viên sẽ được cải cách đồng loạt, hứa hẹn mang đến nhiều thay đổi tích cực cho ngành giáo dục - đào tạo. Thông tin này đã thu hút nhiều sự quan tâm của thầy, cô giáo với kỳ vọng bảng lương sẽ được cải thiện đáng kể để có thể yên tâm tập trung giảng dạy.

 Một tiết học của cô và trò trường THPT Lý Thái Tổ (TP.Thuận An)

 Nhiều điểm mới

Từ tháng 7 năm nay, chính sách cải cách tiền lương (CCTL) mới sẽ được áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo vị trí việc làm. Trong đó, đội ngũ giáo viên cũng nằm trong đối tượng được tăng lương đợt này. Theo Nghị quyết số 27-NQ/TW 2018 của Ban Chấp hành Trung ương, cơ cấu tiền lương mới gồm: Lương cơ bản chiếm 70% tổng quỹ tiền lương; các khoản phụ cấp, chiếm khoảng 30% tổng quỹ tiền lương và bổ sung tiền thưởng chiếm 10% tổng quỹ lương.

Cụ thể, cơ cấu tiền lương mới sau cải cách của giáo viên sẽ gồm 3 bộ phận là lương cơ bản, phụ cấp và tiền thưởng (nếu có). Lương xếp theo vị trí việc làm, phân định rõ năng lực, trách nhiệm giáo viên và sắp xếp lại các chế độ phụ cấp hiện hành. Cũng giống cán bộ, công chức, viên chức khác, giáo viên là viên chức sẽ được sắp xếp lại chế độ phụ cấp khi CCTL. Tuy nhiên, dù sắp xếp lại thì cơ cấu phụ cấp của giáo viên vẫn phải chiếm 30% tổng quỹ lương. Như vậy, sau CCTL, giáo viên có thể hưởng các phụ cấp như: Phụ cấp ưu đãi nhà giáo, phụ cấp đặc thù, phụ cấp cho giáo viên dạy người khuyết tật, phụ cấp công tác vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn…; đồng thời, bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề giáo viên.

Theo Nghị quyết 27/NQ-TW, giáo viên là đối tượng được CCTL và mức lương được thay đổi có lộ trình nhằm nâng cao đời sống cho các nhà giáo. Nghị quyết số 27/NQ-TW còn khẳng định, khi thực hiện CCTL, mức lương mới của giáo viên sẽ không thấp hơn mức lương hiện hưởng. Nếu chính sách CCTL được áp dụng từ ngày 1-7-2024 thì đây là một bước tiến quan trọng trong việc nâng cao vị thế của nhà giáo và cải thiện đời sống giáo viên, tiếp thêm động lực cho đội ngũ giáo viên yên tâm cống hiến cho xã hội.

Kỳ vọng vào mức lương mới

Mức lương của giáo viên sẽ tăng lên hơn so với thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương từ ngày 1-7- 2024. Đây là tin vui với nhiều người lao động trong ngành giáo dục - đào tạo. Chúng tôi đã ghi nhận tâm tư, nguyện vọng từ đội ngũ cán bộ, giáo viên cùng những kỳ vọng về chính sách tiền lương mới.

Là giáo viên trẻ mới vào nghề, hiện nay mức lương mà cô Hồ Thị Nữ, giáo viên trường THPT Lý Thái Tổ (TP. Thuận An) đang hưởng là 6,6 triệu đồng bao gồm các khoản tiền hỗ trợ nhà trọ, tiền phụ cấp công tác đoàn mà cô đang phụ trách. Cô Nữ cho biết, với mức lương này thì chỉ đủ cho bản thân cô sống và làm việc tại đây chứ không thể phụ giúp thêm cho gia đình ở ngoài quê. “Mức lương hiện tại của giáo viên còn thấp so với yêu cầu công việc và so với mặt bằng chung của xã hội. Tôi kỳ vọng việc áp dụng chính sách tiền lương mới sẽ giúp cải thiện đời sống giáo viên, tạo động lực để họ cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp giáo dục. Tôi cũng mong muốn trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều chế độ, chính sách hợp lý hơn với đặc thù của nghề giáo”, cô Nữ chia sẻ thêm.

Cùng suy nghĩ với cô Nữ, cô giáo Đinh Thị Vê, giáo viên trường Mầm non Rạng Đông (phường Hiệp An, TP.Thủ Dầu Một), người có 10 năm gắn bó với nghề giáo viên mầm non chia sẻ: “Với các cán bộ, giáo viên, nhân viên đang làm việc ở các cơ sở giáo dục mầm non, việc tăng lương sẽ tăng thêm niềm vui, hạnh phúc và bù đắp cho những cống hiến của các cô đối với nghề. Nếu được quan tâm và có chế độ tiền lương mới tương xứng với đặc thù của mầm non, chúng tôi sẽ yên tâm công tác, tập trung toàn tâm toàn ý cho việc dạy học”.

Bên cạnh kỳ vọng về mức lương cao hơn, giáo viên cũng mong muốn sự công bằng và minh bạch trong việc thực hiện chính sách tiền lương mới. Thầy Ngô Hiếu, Hiệu trưởng trường THPT Lý Thái Tổ cho biết, thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, khi biết tin lương giáo viên sẽ tăng vào tháng 7 tới, giáo viên trong nhà trường ai cũng phấn khởi. Bên cạnh đội ngũ giáo viên phấn khởi thì đội ngũ nhân viên trong trường cũng bày tỏ mong muốn được tăng thêm phụ cấp khi thực hiện CCTL. Dù không trực tiếp đứng lớp giảng dạy nhưng vai trò của đội ngũ như y tế, kế toán, văn thư, cấp dưỡng… cũng vô cùng quan trọng.

CCTL lần này được đánh giá là bước tiến quan trọng trong việc nâng cao đời sống của giáo viên, góp phần thu hút nhân tài cho ngành giáo dục. Tin vui về việc tăng lương cho giáo viên đã tiếp tục khơi dậy niềm tin và hy vọng cho ngành giáo dục. Hy vọng rằng, với những cải cách tích cực này, ngành giáo dục Việt Nam sẽ ngày càng phát triển và gặt hái nhiều thành công hơn nữa.

Theo Nghị quyết 27/NQ-TW, giáo viên là đối tượng được CCTL và mức lương được thay đổi có lộ trình nhằm nâng cao đời sống cho các nhà giáo. Khi thực hiện CCTL, mức lương mới của giáo viên sẽ không thấp hơn mức lương hiện hưởng. Đến năm 2025, tiền lương thấp nhất của giáo viên cao hơn mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp. Đến năm 2030, tiền lương thấp nhất của giáo viên phải bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng cao nhất của khu vực doanh nghiệp.

 HỒNG PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X