Những ngày qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động (TNLĐ) dẫn đến chết người. Hệ lụy từ các vụ tai nạn này để lại là rất lớn. Từ đó đặt ra yêu cầu người sử dụng lao động và người lao động cần chú trọng hơn vấn đề bảo đảm an toàn trong quá trình làm việc.
Gần đây, một vụ TNLĐ đã xảy ra tại công trình xây dựng ở TP.Dĩ An khiến một người tử vong. Nguyên nhân ban đầu được xác định là nạn nhân bị điện giật khi di chuyển trên mái tôn. Cũng trong tháng 4-2023, tại một công trình xây dựng ở TP.Thuận An, một người phụ nữ rơi từ trên cao xuống đất tử vong.
Căn cứ số liệu của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, trong năm 2022, theo số liệu báo cáo của 62 tỉnh, thành thì cả nước đã xảy ra 7.718 vụ TNLĐ, tăng 1.214 vụ, tương đương 18,66% so với năm 2021. Hậu quả là 7.923 người bị nạn (tỷ lệ gần 19%), bao gồm cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động. Trong đó số vụ TNLĐ làm chết người là 720 vụ; số người chết là 754 người.
Đáng chú ý, qua số liệu tổng hợp cả nước thì Bình Dương là một trong những địa phương có số vụ TNLĐ ở mức cao. Cụ thể là trong năm 2022, số vụ TNLĐ ở khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động ở Bình Dương là 444 vụ, trong đó số người bị nạn là 451, số vụ chết người là 38, hậu quả là 41 người chết, 37 người bị thương. Bình Dương là địa phương đứng thứ ba về số người chết vì TNLĐ. Đứng thứ nhất và nhì lần lượt là TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Đáng chú ý là một số vụ việc nghiêm trọng như TNLĐ xảy ra tại khu vực vệ sinh dụng cụ của một công ty tại TP.Tân Uyên khiến một người chết, 3 người bị thương. Nguyên nhân được xác định là do cánh cửa va đập vào công nhân và làm phát sinh đám cháy. Hay vụ tai nạn xảy ra tại xã Minh Tân huyện Dầu Tiếng làm hai người chết…
Ngày 7-4-2023, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành thông báo về tình hình TNLĐ năm 2022 và đề ra một số giải pháp ngăn ngừa sự cố và TNLĐ trong năm 2023. Theo đó, đề nghị các bộ, ngành chỉ đạo các doanh nghiệp thuộc ngành và lĩnh vực quản lý chủ động kiểm tra công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ); phối hợp với Bộ LĐ- TB&XH thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra TNLĐ, sự cố nghiêm trọng.
Bộ LĐ-TB&XH cũng yêu cầu UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định ATVSLĐ của các doanh nghiệp trên địa bàn, đặc biệt các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra TNLĐ, sự cố nghiêm trọng. Chú ý đến hoạt động xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn tại doanh nghiệp. Thực hiện báo cáo TNLĐ theo Luật An toàn, vệ sinh lao động .
Tăng cường tổ chức công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về ATVSLĐ phù hợp với từng lĩnh vực và ngành nghề. Ưu tiên việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATVSLĐ cho người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động. Tăng cường tổ chức điều tra TNLĐ đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động. Tổ chức huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động cho người lao động. Tuyên truyền vận động người sử dụng lao động quan tâm, chú ý việc xây dựng nội quy, quy trình, biện pháp làm việc bảo đảm ATVSLĐ, cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật An toàn, vệ sinh lao động cho các hội viên. Sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động nhằm hạn chế đến mức thấp nhất TNLĐ, bảo đảm an toàn, sức khỏe và tính mạng cho người lao động…
Những giải pháp trên nhằm bảo đảm an toàn cho người lao động, hạn chế thấp nhất các vụ tai nạn, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe người lao động cũng như những hệ lụy theo sau.
L.T.PHƯƠNG