Để kỳ thi tốt nghiệp THPT đạt kết quả cao

Cập nhật: 31-05-2010 | 00:00:00

Chỉ còn đúng 2 ngày nữa là các em học sinh lớp 12 bắt đầu bước vào kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT). Hầu hết tất cả các em đang phải “chạy nước rút” để ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng này. Đây là kỳ thi nhiều căng thẳng, nhưng nếu có cách ôn tập hợp lý và có sự chuẩn bị chu đáo, chắc chắn các em sẽ dễ dàng vượt qua.

Thí sinh tranh thủ xem lại bài vở trước khi vào phòng thi tốt nghiệp năm 2009Tránh đoán tủ, học tủ

Theo thống kê, năm nay toàn tỉnh có 6.227 thí sinh (TS) THPT dự thi, gồm 1.250 TS ban khoa học tự nhiên, 90 TS ban khoa học xã hội, 4.857 TS ban cơ bản và 1.227 học viên bổ túc THPT dự thi tốt nghiệp. Sở đã thành lập 13 hội đồng coi thi với 264 phòng thi ở hệ THPT và 3 hội đồng coi thi bổ túc THPT. Song song đó, sở cũng thành lập một hội đồng chấm thi tốt nghiệp THPT để chấm bài thi trắc nghiệm của các TS dự thi của tỉnh và chấm bài thi tự luận của TS ở tỉnh khác. Để bảo đảm tính nghiêm túc cho kỳ thi, ngoài 1 phó chủ tịch cơ sở vật chất và 1 thư ký là người của đơn vị sở tại, số còn lại đều là người của các trường không có HS dự thi tại hội đồng đó. Giám thị coi thi cũng được điều chuyển 100% trong toàn tỉnh.

Trước thời điểm chính thức bước vào kỳ thi, Bộ GD-ĐT cho biết, để đạt được kết quả cao TS cần rà soát, hệ thống lại những kiến thức đã ôn tập, bổ sung những kiến thức còn chưa nắm vững. Đề thi trắc nghiệm gồm nhiều câu, rải khắp chương trình, do đó cần phải học toàn bộ nội dung môn học, tránh đoán tủ, học tủ.

Bộ GD-ĐT cũng lưu ý một số kinh nghiệm làm bài thi như: không nên dừng lại quá lâu trước một câu, nếu không làm được thì nên tạm thời bỏ qua để làm câu khác, cuối giờ TS có thể quay trở lại. TS cũng cần tránh tô 2 ô trở lên cho một câu trắc nghiệm vì trong trường hợp này, máy không chấm và câu đó không có điểm. Nếu làm sai, TS cần chú ý xóa kỹ phương án trả lời sai để máy chấm không hiểu nhầm có 2 trả lời cho câu hỏi đó. Số thứ tự câu trả lời mà TS làm trên phiếu trả lời trắc nghiệm phải trùng với số thứ tự câu trắc nghiệm trong đề thi, tránh trường hợp trả lời câu trắc nghiệm này nhưng lại tô vào hàng của câu khác trên phiếu.

Về quy định vật dụng được mang vào phòng thi, ngoài bút, thước, compa, tẩy chì, thước cong, Át lát địa lý của NXB Giáo dục, TS được phép mang máy tính cầm tay vào phòng thi, nhưng đó phải là các máy tính đáp ứng yêu cầu: không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ cắm thêm. Ngoài các tài liệu, vật dụng nêu trên, TS không được đưa vào phòng thi bất kỳ tài liệu, vật dụng khác.

Cần có phương pháp học hợp lý

Về đề thi môn ngữ văn, ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT, cho biết: Đề thi được xây dựng theo hướng giảm yêu cầu học thuộc lòng, tăng cường đánh giá kỹ năng vận dụng, sáng tạo của TS. Mức độ phân hóa của đề cũng sẽ đáp ứng mọi trình độ của TS, TS có học lực trung bình chỉ cần cố gắng chăm chỉ là có thể đỗ tốt nghiệp. Còn về quy trình chấm thi với những “đề thi mở”, ông Trần Văn Nghĩa cho rằng, TS không nên quá băn khoăn vì quy trình chấm thi được xây dựng khá chặt chẽ, thêm nữa năm trước Bộ GD-ĐT cũng đã ra đề thi mở và không nảy sinh vấn đề gì.

Theo thầy Nguyễn Văn Cứu, Hiệu trưởng trường THPT Võ Minh Đức: Quan điểm nhà trường không yêu cầu HS phải đạt điểm thật cao. Mình có khả năng môn nào hãy cố gắng đạt 6 - 7 điểm môn đó để bù vào những môn yếu (có thể 3 - 4 điểm). Nói chung, đừng để rơi vào trạng thái lo lắng quá mức. Đối với HS trung bình, cha mẹ, thầy cô cần động viên, khuyến khích để các em tự tin vào bản thân.

Thầy Văn Văn Phê, Hiệu trưởng trường THPT Dĩ An cũng cho biết: Qua tìm hiểu cách học của HS, tôi nhận thấy tình trạng “học hoài không thuộc” phần lớn do các em chưa có phương pháp. Muốn học tốt, thứ nhất, mỗi HS nên có thời gian biểu cụ thể: giờ nào học, giờ nào ăn, ngủ, nghỉ, giải trí... Không nên học đến 1 - 2 giờ sáng. Nếu áp dụng đúng thời gian biểu, các em sẽ an lòng, không phải lo cuống lên vì nhiều môn học. Thứ hai, học thuộc lòng kiểu học vẹt là kiểu học mau quên nhất. Đối với các môn xã hội, nên học theo bản đồ tư duy. Kiến thức cần được hệ thống theo nhánh, theo sườn, học kiểu nắm ý, hình dung sơ đồ, triển khai ý của mình. Đây là cách học mau thuộc và nhớ lâu hơn. Đề thi các môn văn, sử, địa gần đây ra theo dạng vận dụng suy nghĩ, liên hệ. Quan trọng là học hiểu chứ không phải học thuộc lòng tất cả. Thầy cô bộ môn đều chuẩn bị hệ thống kiến thức theo hướng học - hiểu. Để làm tốt bài thi các môn sử, địa, các em cần thuộc những nội dung cốt lõi, biết liên hệ nội dung phần này và phần kia trong chương trình.

NGỌC THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X