Đẹp thay “Như có Bác trong ngày vui Đại thắng”!

Cập nhật: 30-04-2011 | 00:00:00

Sức sống của Như có Bác trong ngày vui Đại thắng đã vượt quá tưởng tượng của tác giả bởi ca khúc nói đúng điều mà công chúng cần cất lên; nhịp điệu bài hát là nhịp đập của triệu, triệu trái tim VN - khát khao chiến thắng vươn lên trong Hòa bình, Thống nhất!

 

Hơn 30 năm đã qua, nhưng những ngày này tôi vẫn thấy rạo rực cái không khí Tháng Tư của Đất nước, của Đài Tiếng Nói Việt Nam ngày ấy! Trên tường, trên bảng của từng phòng làm việc đánh dấu liên tục đường tiến của đại quân ta đang thắt chặt Sài Gòn…

 

Tiếng nói của các phóng viên Cao Nham, Đào Lộc Bình trong mục "Sổ tay chiến sự" cất lên hào sảng thu hút triệu triệu trái tim. Những bản nhạc Tiến về Sài Gòn, Giải phóng miền Nam… là tiếng kèn thúc giục trên mọi nẻo đường!

 

 Thời khắc lịch sử: Xe tăng của ta húc đổ cổng dinh Độc Lập ngày 30-4-1975. (Ảnh tư liệu)

Xôn xao bao kỷ niệm, tôi gọi ngay cho tác giả bài hát Như có Bác trong ngày vui Đại thắng. Không ngờ, ông rất nhiệt tình mời đến nhà chơi nói chuyện, bởi “chuyện hơn 30 năm làm sao nói qua điện thoại”.

 

Như có Bác trong ngày vui Đại thắng: “Trúng, trúng rồi!”

 

“Ngày ấy, so với phóng viên thời sự, các anh được hừng hực bám sát bước chân các đoàn quân tiến về Sài Gòn thì chúng tôi lặng lẽ, âm thầm chuẩn bị” - Nhạc sĩ Phạm Tuyên là người phụ trách Âm nhạc của Đài ngày nào nhớ lại….

 

Thực ra, ngay từ đầu tháng 3, Tổng Biên tập Trần Lâm đã họp với các nhạc sĩ bàn việc sáng tác ca khúc phục vụ tiến quân, bởi vậy ngay khi Đà Nẵng giải phóng 29-3, tôi đã có ngay Chào Đà Nẵng giải phóng theo nhịp sắc bùa, nhưng hầu như tốc độ sáng tác không theo kịp tốc độ tấn công thần tốc của chiến dịch Hồ Chí Minh.

 

Ông Bùi Quang Thu (Trưởng ban Biên tập Đối nội) là người chịu trách nhiệm về làn sóng thời sự của Đài gặp nhạc sĩ Pham Tuyên "đặt hàng" với trăn trở: “Lần này chiến thắng thật vĩ đại, cho nên ông phải làm một cái gì đó thật hoành tráng, đừng viết lắt nhắt. Phải có cái gì cho thật xứng tầm …”

 

Dù tâm trí bị hút vào những tin tức thời sự, chưa thật sự muốn làm “cái bề thế” như lời người đồng nghiệp, nhưng đêm về anh vẫn cặm cụi phác thảo một “đại giao hưởng” 4 chương: 1. Miền Bắc lũy thép, 2. Miền Nam thành đồng, 3. Tiến công và nổi dậy, 4. Toàn thắng.

 

Chất liệu âm nhạc không thiếu. Lời ca hào sảng, phơi phới theo lối xã luận không thiếu… Thế nhưng “Cứ ngồi vào đàn thì nó cứ lý trí làm sao ấy!”.

 

Thế rồi, đêm 28 tháng 4, khi nghe bản tin cuối cùng trong ngày nói về phi công quân đội Sài Gòn Nguyễn Thành Trung “quay lại” ném bom sân bay Tân Sơn Nhất và dinh Độc Lập thì lòng anh rạo rực!

 

Anh nghĩ đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam đã đến và có lẽ chỉ ngày một ngày hai! Anh hình dung ngay: ngày mai khi Đài báo tin chiến thắng thì từ mọi ngóc ngách xóm xã, nhà nhà, người người đổ ra đường hân hoan reo mừng trong niềm vui tột độ! Trong khí thế ấy liệu có ai ngồi yên để theo dõi bản giao hưởng, hợp xướng 4 chương?

 

Tính thời sự báo chí của một nhạc sĩ làm việc ở Đài cùng với con tim rung lên theo nhịp đập của những bước chân chiến sĩ đang tiến đến khúc khải hoàn ca toàn thắng đã lóe sáng trong anh “Tiếng reo vui tưng bừng Việt Nam - Hồ Chí Minh” - điệp khúc ấy tự nhiên vang lên!

 

Anh ngồi vào đàn và viết một mạch đến sau 23h đêm thì hoàn thành! Chép lại bản nhạc sạch sẽ, ngủ một giấc ngon lành, anh cảm thấy như đã trả được một “món nợ tinh thần” trăn trở suốt mấy tháng ròng.

 

Thế nhưng, sáng hôm sau đem lên Hội đồng duyệt nhạc của Đài, có ý kiến cho rằng “Có lạc quan hơi sớm, lạc quan tếu không?”. Có ý kiến lại cho là đơn giản quá, ngắn quá! Tuy vậy, Hội đồng cũng thông qua và đưa vào kế hoạch dàn dựng, thu thanh để kịp phục vụ kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ 7-5.

 

Bất ngờ, giữa trưa 30-4, nhạc sĩ được Ban biên tập Đài triệu tập khẩn cấp. Gặp ngay chân cầu thang tòa nhà hành chính, Tổng biên tập Trần Lâm hỏi ngay “Ông đã có bài hát gì về chiến thắng chưa? Lần này là Đại Thắng ! Cờ giải phóng đã cắm lên Dinh Độc lập rồi đấy”.

 

Xúc động đến trào nước mắt, nhạc sĩ rụt rè: “Tôi chỉ có một bài hát ngắn thôi!”. Tổng biên tập yêu cầu nhạc sĩ hát ngay, vừa hát xong, với nhạy cảm của một nhà báo, ông vỗ tay và thốt lên:

 

“Trúng rồi, trúng rồi… phải cho dạy ngay bài hát này trên Đài, mời ngay mọi người đang có mặt lên Hội trường học hát và triệu tập ngay Đoàn ca nhạc lên phòng thu M để thu thanh ngay kịp phát vào Chương trình thời sự đặc biệt vào lúc 17h chiều 30-4!”.

 

Đó là lúc ta chính thức công bố tin hoàn toàn giải phóng miền Nam trước thế giới.

 

Cả nước vang lừng “Như có Bác Hồ trong ngày vui Đại thắng”

 

Bài hát bừng bừng khí thế, rộn ràng niềm vui do Cao Việt Bách chỉ huy, Đặng Hùng và Tuyết Thanh lĩnh xướng được phát lên cũng là khi hàng triệu người không ai bảo ai đổ xuống đường phất cờ, đánh trống, vỗ tay hát theo.

 

Việt Nam - Hồ Chí Minh, Việt Nam - Hồ Chí Minh, ba mươi năm Dân chủ Cộng hòa , ba mươi năm kháng chiến thành công!!!

 

Trên làn sóng của Đài TNVN, trên các loa truyền thanh khắp xóm xã vang vang giai điệu “Như có Bác Hồ trong ngày vui Đại thắng…”

 

Bộ đội hát, nhân dân hát… đâu đâu cũng được nghe, rồi được tập, được hát theo Đài một cách hứng khởi.

 

Ngày 1-5 cả Hà Nội lại tiếp tục xuống đường mừng Đại thắng, các ban nhạc sinh viên, Nhạc viện, Quân nhạc đã diễn tấu Như có Bác trong ngày vui Đại thắng làm giai điệu diễu hành …

 

Ngày 2-5 bài hát được báo Nhân dân đăng tải trang trọng. Thực sự xúc động lòng người cả nước khi trên làn sóng Đài Phát thanh Giải phóng phát từ Sài Gòn vang lên tiếng hát của học sinh sinh viên “Như có Bác Hồ trong ngày vui Đại thắng…”

 

Một phần ba thế kỷ, tôi ngồi đối diện với tác giả để cùng nhìn lại. “Bây giờ đã có độ lùi cần thiết để nhìn lại tác phẩm của mình, anh thấy có điều gì khi phải nói: Giá mà …?”

 

Là một người điềm đạm, nho nhã, luôn có cái nhìn cái thâm trầm chuẩn mực, nhạc sĩ Phạm Tuyên nở một nụ cười kín đáo: “Ngay từ lúc 16h ngày 30-4 năm ấy khi bài hát thu thanh xong, nhiều người trong đó các vị lãnh đạo hỏi tôi anh có cần bổ sung sửa chữa gì không? Tôi đã lắc đầu bởi tôi nghe bài hát của chính mình mà cứ tưởng như nó đã có sẵn từ bao giờ rồi!

 

Ngay cả ông bạn đòi hỏi tôi phải làm một cái gì cho thật hoành tráng lúc này cũng bảo tôi “như thế này là đủ và tốt lắm rồi, chẳng cần gì phải dài dòng văn tự nữa!”. 33 năm nhìn lại, tôi không thấy có gì cần bổ sung sửa đổi mà chỉ muốn nói vì sao tôi đã làm được bài hát “biên niên sử” này”.

 

Nhiều người từng nhắc đến chi tiết: nhạc sỹ đã bắt đầu cầm bút sáng tác bài hát này chỉ từ khi nghe bản tin đêm phát vào lúc 21h 30 đến sau 23h - chưa đầy 2 tiếng đồng hồ…

 

Đúng là chỉ chưa đầy 2 tiếng đồng hồ, nhưng nó được chắt lọc từ những gì mà Phạm Tuyên đã đánh đổi để cầm súng, cầm bút, cầm đàn chiến đấu suốt 30 năm trường kỳ kháng chiến - chống Pháp, chống Mỹ, mới thốt lên được câu rất đỗi tự nhiên: Việt Nam - Hồ Chí Minh, 30 năm Dân chủ - Cộng hòa, kháng chiến đã thành công …

 

Cả nước tưng bừng trong cờ hoa rực rỡ và giai điệu "Như có Bác Hồ trong ngày vui Đại thắng"

 

Thành công rực rỡ vượt xa tưởng tượng

 

Được nhà nước tặng thưởng huân chương lao động có lẽ cũng là sự kiện đặc biệt đối với bài Như có Bác trong ngày vui Đại thắng.

 

Tôi xin ghi lại nguyên văn câu chữ trong tấm bằng huân chương do Chủ tch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh ký “Thưởng nhạc sĩ Phạm Tuyên - Phó Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Ủy ban Phát thanh - Truyền hình Việt Nam đã có thành tích xuất sắc trong việc sáng tác bài hát Như có Bác trong ngày Đại thắng - góp phần cổ vũ kip thời cho ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc”.

 

Nhà nước ghi nhận, đánh giá công lao là một điều hết sức vui mừng, nhưng có lẽ điều quan trọng đối với một tác phẩm nghệ thuật chính là sức sống của nó trong lòng công chúng. Sau 1/3 thế kỷ có những điều đã vượt ra quá tầm nghĩ của người sáng tác.

 

Tôi nói với anh: Thời còn Bác, sau mỗi khi kết thúc hội nghị, meetting thì thường Bác Hồ bắt nhịp Bài ca kết đoàn nhưng từ ngày giải phóng miền Nam thì chẳng có văn bản nào chỉ đạo, nhưng từ trung ương đến tỉnh huyện, xóm xã, bất cứ cuộc hội họp nào từ to đến nhỏ đều mở đầu là Quốc ca, kết thúc là Như có Bác trong ngày vui Đại thắng.

 

Trẻ con ngày trước đến mẫu giáo bài hát đầu đời là “bé bé bằng bông, bé đi sơ tán”, nhưng sau giải phóng, một trong những bài hát phổ biến nhất chính là Như có Bác trong ngày vui Đại thắng.

 

Bài hát còn vượt ra khỏi biên giới nước nhà để lan tỏa ở khá nhiều nước như Nga, Đức, Cuba , Trung Quốc… và thật đáng vui khi ta được biết từ năm 1979, Hội Âm nhạc lao động Nhật Bản đã dịch ra tiếng Nhật và in phổ biến xuống tận 49 tỉnh thành.

 

Còn có một điều rất quý giá với nhạc sỹ Phạm Tuyên là năm 1976 - Kỷ niệm 1 năm giải phóng miền Nam - thống nhất Tổ quốc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã lấy tên bài hát Như có Bác trong ngày Đại thắng để đặt tên cho một bài viết trên báo Nhân Dân, nêu bật ý nghĩa cũa chiến thắng vĩ đại ấy.

 

Sức sống của bài hát đã vượt quá tưởng tượng của tác giả bởi điều quan trọng nhất chính là ca khúc đã nói đúng điều mà công chúng cần cất lên; nhịp điệu của bài hát chính là nhịp đập của triệu, triệu trái tim Việt Nam - khát khao chiến thắng vươn lên trong Hòa bình, Thống nhất!

 

Nguyễn Lương Phán

                                                                                                                          Theo Dân Trí

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=364
Quay lên trên