Thời gian gần đây, thủ đoạn dùng số điện thoại lạ gọi điện thông báo người nghe đã trúng thưởng hoặc tự xưng là công an và cáo buộc người nghe dính líu đến pháp luật để gây tâm lý hoang mang, từ đó “moi” thông tin cá nhân và các số tài khoản để chiếm đoạt tiền của nạn nhân diễn ra khá phổ biến. Trước những thủ đoạn này người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác.
Anh Trần Hoàng P. vừa đến Công an phường Phú Cường trình báo về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo anh P., ngày 24-9 có một số điện thoại lạ gọi cho anh tự xưng là Hùng, nhân viên một ngân hàng lớn tại trụ sở chính ở Hà Nội. Hùng thông báo anh P. đã may mắn được ngân hàng rút thăm trúng thưởng với giải thưởng là 200 triệu đồng tiền mặt và một chiếc xe máy, sau đó yêu cầu anh P. chuyển tiền làm lệ phí để lãnh giải. Bán tín bán nghi, nhưng anh P. vẫn mua 10 thẻ cào điện thoại, mỗi thẻ cào trị giá 100.000 đồng và nhắn mã số cho số điện thoại nói trên. Thấy “con mồi đã cắn câu”, đối tượng liên tục điện thoại cho anh P. yêu cầu anh nạp thêm 5 triệu đồng card điện thoại để hoàn tất thủ tục lãnh giải. Lúc này, cảm thấy nghi ngờ, anh P. liền đến Công an phường Phú Cường trình báo.
Tương tự, ngày 21-7, bà Lê Thị Thu H., (ngụ phường Phú Cường) cũng nhận được điện thoại của một thanh niên tự xưng là Công an tỉnh Đồng Nai đang điều tra một vụ mua bán ma túy mà các đối tượng khai có liên quan đến bà H. Với thủ đoạn vu khống cho rằng bà H. đang có một sổ tiết kiệm trị giá hàng tỷ đồng không rõ nguồn gốc tại một ngân hàng chi nhánh ở Hải Phòng, các đối tượng nhanh chóng moi được những thông tin cá nhân cũng như những thông tin tài khoản khác từ chính bà H. với lý do “để xác minh tài khoản”. Hoang mang, lo sợ nên bà H. đã đến cơ quan công an trình báo mới biết mình đã bị lừa đảo, rất may chưa có hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Trường hợp của anh P. và bà H. chỉ là hai trong số rất nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua điện thoại trên địa bàn phường Phú Cường nói riêng cũng như trên cả nước hiện nay. Với thủ đoạn dùng những số điện thoại không có đăng ký, tự xưng là cán bộ công an hoặc nhân viên của những công ty lớn thông báo người nghe đã trúng thưởng hoặc dọa là những người này bị dính líu đến pháp luật, những đường dây mua bán ma túy nhằm uy hiếp, khiến người nghe sợ hãi. Tranh thủ lúc người nghe hoang mang, các đối tượng yêu cầu họ cung cấp thông tin cá nhân và những tài khoản ngân hàng hiện có để xác minh những số tiền khổng lồ mà chúng tự bịa đặt. Lo sợ khi bị dính líu đến pháp luật, nhiều người đã rơi vào bẫy của bọn chúng và bị lừa đảo lên đến hàng trăm triệu đồng.
Dù tinh vi nhưng trong cách thức lừa đảo của bọn chúng vẫn lộ ra những sơ hở mà nếu bình tĩnh, cẩn trọng, người dân sẽ thấy được tính bất hợp lý của vấn đề như những đối tượng này thường không nắm rõ thông tin cá nhân của người nghe mà dồn ép, tạo tâm lý hoang mang để người dân tự cung cấp; mọi thông tin yêu cầu cung cấp đều dính líu đến tiền bạc, số tài khoản.
Trước tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua điện thoại ngày càng phức tạp và có chiều hướng gia tăng, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công an, Công an từ tỉnh đến cơ sở đã tăng cường tuyên truyền, thông báo phương thức thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này để người dân biết và cảnh giác. Đối với Công an phường Phú Cường, ngoài việc phát hành tờ rơi thông báo gửi đến bà con nhân dân, lực lượng công an cũng đã chủ động phối hợp với các ngân hàng để thông báo những phương thức, thủ đoạn lừa đảo này để mọi người cảnh giác, ngăn chặn kịp thời đối với những giao dịch bất thường mà người dân bị lừa đảo.
HOÀI ÂN