Đề tài khoa học “Tìm hiểu liễn đối Hán Nôm trong các đình, chùa, miếu ở Bình Dương”: Công trình có giá trị thực tiễn

Cập nhật: 29-09-2015 | 08:23:00

Đề tài khoa học do TS Huỳnh Ngọc Đáng, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Bình Dương làm chủ nhiệm (cùng nhóm tác giả) đã được thông qua. Đây là đề tài được hội đồng đánh giá cao bởi có giá trị thực tiễn, có thể rút gọn để xuất bản cho nhiều người tìm hiểu về vùng đất và người Bình Dương xưa…

 Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Đáng thuyết trình về đề tài. Ảnh: Q.NHƯ

 Đôi dòng giới thiệu

“Tìm hiểu liễn đối Hán Nôm trong các đình, chùa, miếu ở Bình Dương” là đề tài khoa học do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Bình Dương chủ trì. Hai đơn vị phối hợp là Bảo tàng và Ban Quản lý Di tích - Danh thắng tỉnh. Đề tài gồm 2 chương chính và phụ lục. Chương 1 tập trung về nội dung văn hóa các liễn đối trong các chùa thờ Phật của người Việt, các đình thần của người Việt, trong các cơ sở thờ tự của người Hoa và trong các đền thờ Mẫu. Chương 2 tập trung phân tích hình thức và ngữ nghĩa của các liễn đối, các bức hoành phi và chữ thờ, câu đối thể hiện được sự kỳ công, làm việc khoa học, miệt mài, chịu khó của một tập thể 20 người là cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ hiểu biết về Hán - Nôm và có sự say mê nghiên cứu lịch sử, văn hóa vùng đất Bình Dương. Thời gian thực hiện đề tài 20 tháng này có thể giúp cho mọi người hiểu rõ hơn về các hoành phi, liễn đối khi tham quan các cơ sở thờ tự của người Việt, người Hoa ở vùng đất Bình Dương hiền hòa.

Theo TS Huỳnh Ngọc Đáng, Bình Dương có hơn 200 đình, miếu lớn nhỏ và hơn 150 ngôi chùa thờ Phật với rất nhiều liễn đối Hán - Nôm. Nội dung chữ Hán trong các cơ sở thờ tự và những nơi sinh hoạt cộng đồng là ghi chép lịch sử có giá trị của quá trình giao lưu, hội nhập văn hóa Việt - Hoa ở vùng đất Bình Dương. Đề tài nghiên cứu này còn giúp thế hệ hôm nay và con cháu mai sau hiểu đầy đủ hơn về lịch sử, bề dày văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng của quê hương. Nhóm tác giả thực hiện đề tài tập trung khảo sát tại các đình, chùa là di tích lịch sử cấp quốc gia của tỉnh. Công trình đã tập hợp được 2.174 thành tố chữ Hán - Nôm, trong đó có hơn 1.000 câu đối... Công trình có giá trị cao cho việc nghiên cứu và bảo tồn di sản văn hóa lịch sử của tỉnh. Cũng theo TS Huỳnh Ngọc Đáng, đối tượng nghiên cứu đề tài là Hán - Nôm trong liễn đối, hoành phi với phần nhiều là chữ Hán. Để thực hiện đề tài, nhóm tác giả gồm các thành viên tốt nghiệp đại học biết chữ Hán. Nhóm luôn cố gắng học tập, tìm hiểu các triết lý, tư tưởng Nho giáo, Phật giáo, tư tưởng truyền thống ông cha để có thể phiên âm, dịch nghĩa các câu đối liễn. Nhóm tác giả cũng tập trung nghiên cứu các câu đối hay và một số câu đối dùng chung. Câu đối phú thường dùng trong chùa người Việt, câu đối thơ thường dùng trong chùa người Hoa.

Là hoành phi, liễn đối ở chùa nên giá trị về ngữ nghĩa, về tính giáo dục khi dạy cho người ta biết sống với nhau bằng tâm chân thành, bằng giới, định, huệ, bi, trí, dũng (bởi đời là vô thường!) rất được chú trọng. Nhiều câu rất hay được ghi lại trong đề tài như: “Vọng phi vọng, chân đa thùy chân, chuyển nhãn xuân thu tùy ư thệ thủy/ Lai bất lai, khứ tòng hà khứ, hồi đầu sinh tử đẳng chi không hoa” (tạm dịch: Dối hay thật, ai người chân thật, chớp mắt nhìn thời gian theo dòng nước chảy/ Đến hay không, đi theo về đâu, quay đầu thấy sống chết như loài hoa không”. Hay một câu khác: “Độc tận chân kinh vạn quyển thụ giới chân ngộ đạo/ Đường tu chính giác nhất phổ diễn thuyết tất quy nhân” (tạm dịch: Đọc hết muôn quyển chân kinh, phải thọ giới thì mới thật ngộ đạo/ Nhà chính tu sửa theo con đường đúng đắn, tất thảy diễn thuyết quy về lòng nhân).

Công trình có giá trị thực tiễn

Tham gia Hội đồng đánh giá đề tài này có PGS.TS Phan An, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam bộ - Chủ tịch Hội đồng; PGS.TS Nguyễn Đình Phức, Trưởng khoa Ngữ văn Trung Quốc, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.Hồ Chí Minh… cùng các thành viên thuộc Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giáo hội Phật giáo tỉnh. Các thành viên phản biện đã đánh giá những mặt được cũng như chỉ ra điểm cần chỉnh sửa trong dịch thuật, ngữ nghĩa.

TS Nguyễn Đình Phức cho rằng, đề tài đã làm được khối lượng công việc rất lớn. Cấu trúc phụ lục rất tốt. Nhóm nghiên cứu đã nỗ lực và bỏ ra nhiều công sức. Nhóm nghiên cứu cần thống kê lại các trường hợp dùng từ sai, trật tự từ không đúng trong các câu liễn đối ở các đình, chùa hiện nay. Thượng tọa Thích Huệ Thông, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh cũng đánh giá tốt về đề tài: “Đề tài góp phần bảo tồn văn hóa Hán - Nôm tỉnh. Nhóm nghiên cứu đã góp phần gìn giữ, phổ biến văn hóa lịch sử Bình Dương. Đề tài đạt kết quả yêu cầu, có giá trị lớn, là nguồn tư liệu quý giá, góp phần làm cơ sở nhận thức và tài liệu tham khảo về văn hóa lịch sử của tỉnh”.

Các thành viên hội đồng còn lại cũng cho rằng, đây là đề tài công phu. Đề tài đã hoàn thành được mục tiêu. Đối tượng nghiên cứu hoành phi, liễn đối cần có cách hiểu thống nhất hơn. PGS.TS Phan An, Chủ tịch Hội đồng nhận xét: Đây là đề tài khó, đòi hỏi nhóm thực hiện phải đi nhiều, lặn lội tìm tòi và có sự hiểu biết về Hán - Nôm. Phần phụ lục có giá trị cao. Phần báo cáo cần chỉnh lý lại, đầu tư nhiều hơn. Ông ủng hộ việc chuyển giao kết quả cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các cơ sở thờ tự địa phương.

 QUỲNH NHƯ- THANH HẰNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên