Đẩy mạnh cơ giới hóa để tăng năng suất
Các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và Đông Nam Bộ sẽ phấn đấu xuống giống lúa cả năm 2011 đạt hơn 4,47 triệu ha, ước tính năng suất bình quân toàn vùng đạt 54,5 tạ/ha, sản lượng đạt 24,38 triệu tấn, tăng 869.332 tấn so với năm 2010.Cùng với đó, tại các vùng trồng lúa khác như đồng bằng sông Hồng và Trung Bộ cần tăng khoảng 131.000 tấn.
Đầu tư mạnh vào khoa học công nghệ
Theo Cục trồng trọt, một trong những chương trình có thể giúp tăng sản lượng, chất lượng lúa, đồng thời bền vững với môi trường là “3 giảm, 3 tăng”. Đây là chương trình đúng, thích hợp với từng vùng sinh thái.
Trên cơ sở đó, bà con nông dân và cán bộ khuyến nông xem xét nên chọn giống lúa, kỹ thuật nào có tác dụng mạnh nhất để tập trung vào thực hiện, góp phần tăng năng suất, sản lượng, giảm giá thành, từ đó tăng thu nhập cho nông dân.
Thực tế đã xác định, giống lúa năng suất cao, chất lượng tốt, kháng sâu bệnh là điều kiện tiên quyết để việc thực hiện chương trình “3 giảm, 3 tăng” có kết quả tốt.
Theo khuyến cáo của Viện Lúa ĐBSCL, các giống lúa hiện đang được dùng trong sản xuất đại trà có thể kháng rầy nâu và đạo ôn là OM 576, IR 64, VND 95-20, AS 996, OMCS 2000, IR 50404, OM 2517, OM 4498, ST3, OM 2395,...
Những giống phải thận trọng khi dùng có Jasmine 95, OM 1490, OM 2514, OM 3536. Giống ST lai tạo của tỉnh Sóc Trăng được trồng trên diện tích rộng, tỏ ra rất triển vọng về năng suất và chất lượng gạo, cũng như tính kháng sâu bệnh.
Trong tình hình lương thực ngày càng khan hiếm, giá vật tư nông nghiệp “phi mã”, bà con nên trồng những giống cao sản, kháng sâu bệnh tốt như OM 576, IR 50404,...; hạn chế những giống lúa thơm cao sản như Jasmine 85, OM 3536...
Ngoài ra, các địa phương cần chú ý phòng trừ các loại sâu bệnh hại lúa và chủ động đối phó hiệu quả với hạn, lũ, xâm nhập mặn.
Vụ lúa Hè Thu 2011 tại các tỉnh, thành ĐBSCL tập trung chuyển đổi thời vụ xuống giống lúa, ngoài diện tích đã xuống giống trong tháng 3 (khoảng 150.000ha).
Các địa phương vùng ảnh hưởng lũ phía Bắc quốc lộ 1, vùng phù sa ngọt sông Tiền, sông Hậu tập trung xuống giống trong tháng Tư, với diện tích chiếm khoảng 950.000ha, bằng 70% kế hoạch. Số còn lại xuống giống trong tháng Năm, với một số vùng sử dụng nước trời xuống giống kết thúc vào 10 ngày đầu tháng Sáu.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang trình Chính phủ xem xét hỗ trợ gần 200 tỷ đồng phân bổ cho các địa phương vùng ĐBSCL để gia cố bờ bao, bơm tát, lúa giống... đối với diện tích lúa Thu Đông tăng thêm.
Đưa cơ giới hoá vào sản xuất
Phương pháp canh tác, thu hoạch thô sơ, lạc hậu là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch lúa ở ĐBSCL tương đối cao (3,9-5%).
Thời gian qua, các địa phương đã có nhiều chính sách khuyến khích nông dân mua máy gặt đập liên hợp (GĐLH) và máy sạ lúa theo hàng để cơ giới hoá sản xuất. Tuy nhiên, một trong những khó khăn của việc mở rộng diện tích dùng máy GĐLH là nông dân thiếu tiền mua máy.
Năm qua, mặc dù thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp nhưng sản xuất lúa gạo vẫn đạt kết quả tốt. Sản lượng lúa năm 2010 là gần 40 triệu tấn, tăng 1,04 triệu tấn so với năm trước, tạo nguồn cung dồi dào cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Để thu hoạch 1ha, dùng máy GĐLH hết vài công lao động, trong khi dùng máy gặt xếp dải cần 16 công, gặt thủ công cần 26 công. Như vậy, dùng máy GĐLH giảm được chi phí thu hoạch 1 - 2 triệu đồng/ha so với thu hoạch bằng tay, lại kịp thời vụ.Dùng máy GĐLH chỉ tổn thất 1-3%, tương đương 500.000 tấn thóc. Việc dùng máy sạ lúa theo hàng tính trên 1ha giảm 1 bao phân urê, giảm 1-3 lần phun thuốc trừ sâu do ít sâu bệnh; riêng hạt giống giảm 100-150kg so với sạ lan theo tập quán cũ, năng suất có thể tăng 300 – 400kg, thậm chí hàng tấn thóc, nhất là trong vụ hè thu.
Nếu làm tốt việc phổ cập máy GĐLH và gieo hạt bằng máy, ĐBSCL đỡ lãng phí, hay nói cách khác là có thể cung cấp thêm cả triệu tấn thóc/năm.
Nhiều địa phương như Kiên Giang, An Giang, Cần Thơ... hỗ trợ nông dân được vay 30% tiền mua máy GĐLH, 70% Nhà nước hỗ trợ lãi suất. Nếu như Nhà nước cấp không hoàn lại 50-70% tiền mua máy thì diện tích lúa gặt bằng máy ở ĐBSCL sẽ tăng rất nhanh.
Vụ đông xuân năm nay, cả nước bội thu, người trồng lúa được dịp “nở mày nở mặt” vì thu lãi cao. Nhưng nếu nông dân được hỗ trợ nhiều hơn trong việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để tăng sản lượng, chất lượng lúa gạo thì chắc chắn thành quả họ được hưởng sẽ còn lớn hơn.
Theo Chinhphu.vn