Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và hệ thống internet toàn cầu đã tạo điều kiện thuận lợi cho thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua. Nhờ công nghệ thông tin và internet mà phương thức mua sắm hàng hóa và thanh toán truyền thống của người tiêu dùng đã có nhiều thay đổi so với trước đây. Không gian, thời gian mua sắm và thanh toán của người tiêu dùng không còn bị ràng buộc và giới hạn.
Đến nay, Bình Dương là một trong những địa phương mà người tiêu dùng đã có thể sử dụng các phương thức thanh toán hiện đại để chi trả cho những giao dịch trực tuyến cũng như tại các cửa hàng, trường học, bệnh viện, dịch vụ hành chính, trung tâm mua sắm... Các hình thức thanh toán không ngừng phát triển, ngoài Visa, Master Card, Paypal còn có các hình thức với áp dụng công nghệ như internet Banking, Mobile Web Payment, QR Code, FC, mPOS…
Phía Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Dương cũng đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện đề án đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Ra văn bản định hướng, chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tích cực trong việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Bên cạnh đó hàng năm, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Bình Dương đã tiến hành báo cáo kết quả thực hiện triển khai Đề án đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn về Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tổ chức tín dụng tỉnh về kết quả triển khai và thực hiện.
Phía các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn đã tăng cường về phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, cung cấp tài khoản thanh toán không chịu phí duy trì tài khoản và số dư tài khoản tối thiểu; có tính năng liên kết với thẻ ATM cho người về hưu, người hưởng trợ cấp xã hội, người già, người nghèo, học sinh, sinh viên và những đối tượng yếu thế phù hợp khác... để sử dụng các dịch vụ gửi tiền, rút tiền, chuyển tiền giá trị nhỏ, nhận lương hưu, trợ cấp xã hội và thanh toán hóa đơn dịch vụ tiện ích. Đồng thời phát triển các dịch vụ thanh toán, chuyển tiền dễ sử dụng và phù hợp với điều kiện ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
TIỂU MY