Để “Tiếng lành đồn xa”

Cập nhật: 13-02-2023 | 09:01:00

Dầu Tiếng là huyện nông nghiệp với cây trồng chủ lực là cao su. Tuy nhiên, những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp của địa phương không chỉ dựa vào cao su, bởi nhiều nơi nông dân đã đầu tư chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để đáp ứng nhu cầu thị trường, mang lại giá trị kinh tế cao.

Các sản vật của Dầu Tiếng, như: Măng cụt, bưởi da xanh, quýt đường, cam sành Minh Hòa hay yến sào, hoa lan... đã được các cơ quan hữu quan chứng nhận chất lượng sản phẩm. Nhiều sản phẩm nông nghiệp của huyện còn đạt giải cao trong các hội thi, hội chợ của vùng và cả nước. Đó là những khởi đầu thuận lợi trong việc đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân cũng như giá trị sản xuất nông nghiệp của địa phương nói chung.

Thời gian qua, bản thân người nông dân và chính quyền địa phương đã tìm nhiều cách đưa những sản vật chất lượng của Dầu Tiếng tiếp cận thị trường, chinh phục người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Trong đó, Hội Nông dân huyện đã tích cực đồng hành, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân nhằm giúp “tiếng lành” của nông dân Dầu Tiếng được “bay xa”. Theo đó, hội đã phối hợp bưu điện tổ chức triển khai, ký kết hợp đồng tự nguyện với 14 cộng tác viên là cán bộ hội huyện, cơ sở trong việc hỗ trợ nông dân chuyển đổi số (CĐS) trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa; đồng thời phối hợp triển khai ứng dụng cài đặt phần mềm Postpay, 5DE, các gói dịch vụ của bưu điện. Hội cũng đã làm việc với Sở Khoa học và Công nghệ gia hạn VietGAP và hướng dẫn sử dụng nhãn hiệu tập thể “Măng cụt Dầu Tiếng” cho Hội Nông dân xã Thanh Tuyền; hỗ trợ nông dân đăng ký nhãn hiệu sản phẩm trái cây Bơ Tám Thành tại ấp Cà Tong, xã Thanh An.

Mô hình sản xuất cây có múi đạt tiêu chuẩn VietGAP tại xã Minh Hòa

Ngoài ra, Hội Nông dân huyện cũng phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn tổ chức đào tạo cho cán bộ quản lý điều hành Chương trình OCOP cấp huyện, cũng như tập huấn về xây dựng kế hoạch kinh doanh và triển khai kế hoạch kinh doanh cho các chủ thể tham gia Chương trình OCOP. Đặc biệt, hội đã phối hợp với Phòng Kinh tế huyện triển khai tổ chức đánh giá ban đầu và lựa chọn 5 sản phẩm để tham gia Chương trình OCOP, gồm: Cây có múi (cam sành, quýt đường, bưởi da xanh) tại Minh Hòa, rượu gạo nếp năng lượng tại Long Hòa, yến sào tại Minh Tân, dưa lưới tại An Lập, bưởi da xanh tại Minh Thạnh. Hồ sơ các sản phẩm này đã trình Hội đồng đánh giá OCOP huyện phê duyệt và hiện đang trình Hội đồng đánh giá OCOP tỉnh xem xét đánh giá chứng nhận tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Với việc không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, giữ vững “tiếng lành” của nông sản Dầu Tiếng, cùng sự hỗ trợ, quảng bá cùng lúc trên nhiều nền tảng, phương tiện, tin rằng các sản phẩm nông nghiệp của huyện sẽ ngày càng được người tiêu dùng lựa chọn. Từ đó, tạo động lực cho nông dân tiếp tục đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật để cho ra nhiều sản phẩm chất lượng hơn nữa, góp phần đưa thương hiệu nông sản Dầu Tiếng không những đứng vững trên thị trường mà còn luôn nhận được cảm tình của người tiêu dùng gần xa.

TRÍ DŨNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=515
Quay lên trên