Để tránh mù lòa bởi bệnh Glôcôm: Cần kiểm tra mắt định kỳ để phát hiện, điều trị kịp thời
Glôcôm là một bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra. Theo các chuyên gia y tế, tiến triển của bệnh có thể dẫn đến mù lòa nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Trong hầu hết các trường hợp glôcôm, áp lực trong mắt (nhãn áp) tăng cao hơn bình thường. Khi nhãn áp tăng cao sẽ làm giảm lưu lượng máu đi đến mắt để cung cấp dinh dưỡng cho thần kinh thị giác. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến tổn thương thị thần kinh, giảm thị lực và cuối cùng có thể mù lòa không hồi phục.
(BDO) Đến các cơ sở y tế có chuyên khoa mắt để được thăm khám, phát hiện bệnh glôcôm
và điều trị kịp thời Ảnh: H.THUẬN
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến nhãn áp, trong đó yếu tố quan trọng nhất là sự lưu thông thủy dịch. Thủy dịch là một chất liên tục được tiết ra ở trong mắt và thủy dịch cũng luôn được dẫn lưu ra khỏi mắt, đổ vào hệ thống tĩnh mạch. Ở người bình thường, thủy dịch được tiết ra và dẫn lưu ra khỏi mắt thường cân bằng nhau, vì vậy nhãn áp ở người bình thường tương đối ổn định. Ở hầu hết những bệnh nhân bị glôcôm, quá trình dẫn lưu thủy dịch ra khỏi nhãn cầu bị cản trở, nên thủy dịch bị ứ lại trong mắt gây tăng áp lực nội nhãn. Theo bà Nguyễn Thị Kim Phương, Khoa mắt - Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh, glôcôm là tình trạng tăng nhãn áp trong nhãn cầu cao hơn mức bình thường (do lượng thủy dịch được thải ra ngoài ít hơn lượng thủy dịch được tiết ra), gây tổn thương thần kinh thị giác dẫn đến mù lòa. Bệnh glôcôm sẽ gây giảm thị lực dần, teo thần kinh thị giác và dẫn đến mù lòa không hồi phục. Thông thường, người mắc bệnh glôcôm thường có những triệu chứng, như đau nhức mắt có khi chỉ đau nhức nhẹ trên cung lông mày hoặc hơi có cảm giác căng tức trong mắt; đau nhức nửa đầu cùng bên; khi đau nhức mắt thường kèm theo nhìn mờ như qua màn sương, nhìn đèn có quầng xanh đỏ, thậm chí có trường hợp mờ hẳn; buồn nôn, nôn ói; đồng tử giãn, mất phản xạ với ánh sáng; nhãn cầu căng cứng. Tuy nhiên, có một số trường hợp bị glôcôm nhưng bệnh nhân chỉ nhìn thấy mờ dần mà không có dấu hiệu nào kèm theo.
Tất cả mọi người đều có thể bị bệnh glôcôm. Tuy nhiên, theo bà Kim Phương, bệnh glôcôm thường gặp nhất ở những người trên 40 tuổi và thường gặp ở nữ nhiều hơn nam. Những nhóm người sau đây cũng có nguy cơ dễ mắc bệnh glôcôm, như: tiền sử gia đình có người thân bị glôcôm; những người có mắt nhỏ, viễn thị, giác mạc (tròng đen) nhỏ; người có tâm trạng hay lo lắng; những người bị cận thị nặng hoặc viễn thị, huyết áp cao, tim mạch, tiểu đường; những người có tiền sử dùng thuốc steroid đường toàn thân hoặc tra mắt kéo dài... Với những người bình thường, tự nhiên thấy đau nhức mắt, nhức đầu cùng bên, giảm thị lực đột ngột thì nên nghi ngờ bị bệnh glôcôm. Bà Kim Phương khuyên rằng, để chẩn đoán bệnh glôcôm một cách chính xác, những người có các triệu chứng trên cần được thăm khám định kỳ tại các cơ sở y tế có chuyên khoa mắt nhằm phát hiện bệnh sớm để điều trị kịp thời. Bởi, bệnh glôcôm nếu không được chữa trị sớm rất dễ bị mù lòa. Tuy nhiên, nếu được phát hiện và chữa trị kịp thời, người bệnh có thể tránh được tình trạng mù lòa.
Thực tế, do chủ quan nên nhiều bệnh nhân glôcôm khi nhập viện đều muộn, thị lực thấp nên nguy cơ mù lòa rất cao. Có những bệnh nhân điều trị, nhưng không tuân thủ hướng dẫn của thầy thuốc và phác đồ điều trị nên nguy cơ tái phát cũng rất cao. Cần lưu ý rằng, glôcôm là bệnh làm tổn thương thần kinh thị giác không hồi phục, vì vậy bệnh nhân phải kết hợp với bác sĩ để có kế hoạch điều trị suốt đời. Do đó, người bệnh và gia đình cần có ý thức trong việc phát hiện bệnh sớm, đến ngay các bác sĩ chuyên khoa mắt để được điều trị kịp thời và biết cách chăm sóc mắt khi đã mắc bệnh. Song song đó, người mắc bệnh glôcôm cũng cần chú ý đến chế độ ăn uống, sinh hoạt hàng ngày của mình. Tránh uống rượu, hút thuốc lá, thực hiện chế độ dinh dưỡng cân bằng và hợp lý, thường xuyên tập luyện thể dục thể thao. Các môn như: đi bộ, chạy bộ, leo núi, bơi lội đều tốt cho mắt và làm giảm nhãn áp. Điều cần thiết phải chú ý là đi khám mắt định kỳ, ít nhất một năm 2 lần để được hướng dẫn, theo dõi, điều trị kịp thời và biết cách chăm sóc mắt khi đã bị bệnh, tránh bị mù lòa suốt đời.
Ngày Thị giác thế giới được tổ chức vào ngày thứ năm của tuần thứ hai trong tháng 10 hàng năm. Ngày Thị giác thế giới được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức và thu hút sự chú ý toàn cầu vào mù lòa, suy giảm thị lực và phục hồi chức năng thị giác. Đây cũng là sự kiện mang tính chất vận động chính cho công tác phòng chống mù lòa và “Chương trình thị giác 2020: Quyền được nhìn thấy”, một nỗ lực toàn cầu để ngăn ngừa mù lòa theo sáng kiến của Tổ chức Y tế thế giới và Tổ chức Quốc tế về phòng chống mù lòa.
HỒNG THUẬN