Cùng với học tập, hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh là một trong những quyền cơ bản của trẻ em đã được pháp luật quy định.Tuy nhiên, trên thực tế quyền cơ bản này của trẻ vẫn chưa được đáp ứng nên cứ mỗi dịp hè, nhiều bậc phụ huynh lại lo lắng, đôn đáo tìm một chỗ chơi vừa bổ ích vừa đảm bảo an toàn cho trẻ. Cần giải quyết bài toán này như thế nào?
Ông Hoàng Văn Tiến, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH: Đang xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về vấn đề vui chơi giải trí của trẻ
PV: Thưa ông, vấn đề sân chơi cho trẻ được đề cập như thế nào trong các văn bản quy phạm pháp luật?
Ông Hoàng Văn Tiến: Việt Nam là một trong những nước đầu tiên ký Công ước về quyền trẻ em. Mà quyền trẻ em không thể thiếu là quyền được vui chơi, giải trí.
Luật Đất đai năm 1994 quy định, các địa phương phải dành quỹ đất để xây dựng các cơ sở vui chơi giải trí cho trẻ em. Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cũng quy định, phải có chỗ cho trẻ em vui chơi và tổ chức các hoạt động. Nghị định 36 thi hành Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 cũng quy định, địa phương nào không có điều kiện để tổ chức các khu vui chơi riêng cho trẻ thì phải dành 20% quỹ thời gian để trẻ thực hiện hoạt động vui chơi giải trí ở những cơ sở của người lớn.
Quyết định 37/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng quy định tạo môi trường sống an toàn, thân thiện với trẻ em; để tất cả trẻ em đều có sự khởi đầu tốt đẹp nhất trong cuộc sống, có cơ hội phát triển toàn diện cả về thể chất, trí tuệ, tinh thần và nhân cách. Như vậy, quy định pháp luật khá đầy đủ nhưng chúng ta chấp hành luật pháp chưa nghiêm.
Trẻ em rất cần có sân chơi lành mạnh
PV: Vì thiếu sân chơi lành mạnh, khiến không ít trẻ tìm đến những trò chơi game bạo lực. Điều này gây nguy hại như thế nào đối với trẻ, thưa ông?
Ông Hoàng Văn Tiến: Để trẻ tìm đến các trò chơi games bạo lực là lỗi ở người lớn. Vui chơi là một nhu cầu tự nhiên không thể thiếu đối với trẻ. Khi chúng ta không đáp ứng được nhu cầu vui chơi lành mạnh, rèn luyện sức khỏe cho trẻ thì chúng sẽ tìm đến các trò chơi về tinh thần. Không cho chúng ra ngoài đường, nhốt chúng trong nhà thì chúng chỉ biết xem ti vi, chơi trò chơi điện tử. Việc chúng ta nhận thức chưa đầy đủ về việc vui chơi của trẻ sẽ làm cho trẻ phát triển không toàn diện. Một bộ phận trẻ sẽ bị phát triển lệch lạc vì ảnh hưởng từ các trò chơi bạo lực.
PV: Có ý kiến cho rằng, tại một số địa điểm vui chơi giải trí của trẻ em phần lớn những trò chơi được đầu tư quá lâu rồi, rất cũ kỹ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn? Ông nhìn nhận về vấn đề này như thế nào?
Ông Hoàng Văn Tiến: Tôi đồng tình với nhận định này. Những địa điểm vui chơi do Nhà nước đầu tư, chúng ta nặng về khai thác, mà chưa chú ý nhiều đến bảo quản, bảo dưỡng, vì vậy, thời gian qua đã xảy ra một số vụ tai nạn đáng tiếc cho các em. Còn tại các địa điểm vui chơi giải trí do tư nhân đầu tư, xây dựng, việc kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng cũng chưa diễn ra thường xuyên, liên tục nên nhiều khi họ cũng lơ là.
PV: Đâu là nguyên nhân chính khiến cho việc thiếu sân chơi cho trẻ được nói đến nhiều nhưng vẫn chưa có chuyển biến. Thời gian tới, Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em sẽ đưa ra những chính sách như thế nào, thưa ông?
Ông Hoàng Văn Tiến: Nguyên nhân chính là do nhận thức. Chúng ta chưa để ý hoặc chưa nhận thức đúng về sự cần thiết phải có sân chơi cho trẻ, do đó chưa có quy hoạch hợp lý. Các địa phương chỉ quan tâm đến vấn đề phát triển kinh tế mà chưa chú ý đến việc xây dựng các địa điểm vui chơi giải trí cho trẻ em.
Gần đây, ở các thành phố lớn đã quan tâm hơn đến vấn đề này nhưng do đất chật, người đông nên đang gặp khó khăn về quỹ đất. Còn ở nông thôn có mặt bằng, địa điểm rộng rãi nhưng nhận thức của chính quyền địa phương và người dân lại chưa mấy được cải thiện.
Chúng tôi đi khảo sát tại nhiều địa phương thấy nhiều nơi có bãi đất trống rộng rãi, chỉ cần mua tấm lưới dựng lên là trẻ đã có một sân bóng an toàn, nhưng chính quyền địa phương lại không làm, muốn chờ đợi sự đầu tư từ Trung ương hoặc từ tổ chức nào đấy. Vì vậy, trẻ em nông thôn thường chơi ở bờ đê, bờ sông, đồng ruộng, rất thiếu an toàn.
Thêm nữa, vốn đầu tư xây dựng các trung tâm vui chơi giải trí dành cho trẻ còn thấp. Chưa thực hiện tốt vấn đề xã hội hóa tổ chức hoạt động vui chơi giải trí để thu hút đầu tư từ nhiều nguồn.
Thời gian tới, Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em tham mưu cho Bộ LĐ-TB&XH và Chính phủ tiếp tục đưa mục tiêu vui chơi giải trí vào chương trình hành động quốc gia. Chúng tôi đang xây dựng dự thảo chương trình mục tiêu quốc gia giải quyết vấn đề vui chơi giải trí của trẻ để trình Chính phủ và Quốc hội trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Cục sẽ kiến nghị việc tăng cường đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý bảo vệ và chăm sóc trẻ em, đặc biệt là ở cấp cơ sở.
Ông Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học: Tạo không gian văn hóa giáo dục cho trẻ
Phòng khám phá của Bảo tàng Dân tộc học đến nay đã được hơn 10 tuổi và địa chỉ này vẫn luôn là điểm cuốn hút thiếu nhi, đặc biệt là dịp hè. Lớp học làm đồ vải “khai màn” từ hè 2005 luôn cuốn hút trẻ vào các cách thức in hoa văn bằng sáp ong của người Mông, nhuộm vải của người Thái, tự tạo ra những mẫu hoa văn và sử dụng các mảnh vải đó làm thành túi, ví, búp bê... Chỉ kéo dài trong vòng 2 tháng hè, song những lớp học này đã cho các bạn nhỏ hiểu biết nhiều hơn về nghề thủ công truyền thống của dân tộc. Không gian sáng tạo này chính là cách để các em tiếp cận với di sản, biết trân trọng những giá trị truyền thống, có kiến thức cơ bản để thưởng thức nghệ thuật. Trẻ em là đối tượng phục vụ cần được chú trọng. Tạo được không gian văn hóa giáo dục cho các em tức là chúng ta đã hoàn thành phần lớn chức năng giáo dục của mình.
Em Vũ Thị Hải Anh, 13 tuổi, huyện Vụ Bản, Nam Định: Mong có các địa điểm vui chơi giải trí
Vào mỗi dịp nghỉ hè, các anh chị đoàn viên cũng tập hợp thiếu nhi tổ chức sinh hoạt hè nhưng nội dung sinh hoạt không phong phú nên ít bạn tham gia. Chúng em không có các lớp học múa, học nhạc, học vẽ như các bạn trên thành phố. Các hoạt động thể thao, văn nghệ tại nhà văn hóa thì chỉ được tổ chức vào các dịp kỉ niệm, các ngày lễ lớn của đất nước. Chúng em thường rủ nhau chơi ở bờ đê, bờ sông, cánh đồng. Những ngày nắng nóng, chúng em rủ nhau ra nghịch nước ở các ao, hồ, sông suối. Nhiều bạn không biết bơi cũng xuống nghịch chẳng may trượt chân đã thiệt mạng. Chúng em rất mong có được các địa điểm vui chơi giải trí an toàn.
Bà Trịnh Bích Lộc, xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang: Cần xã hội hóa để tạo ra nhiều sân chơi cho trẻ
Quê tôi ở vùng sâu, vùng xa tỉnh Bắc Giang. Trẻ em quê tôi rất thiếu sân chơi. Ngay như các cháu mẫu giáo, chỉ các cháu học ở trường mầm non bán công ở thành phố là trường học có trò chơi, còn những trường mầm non ở thôn xóm thì trò chơi trong nhà còn không có, nói gì đến trò chơi ngoài trời.
Đối với các cháu đã đi học, mỗi dịp nghỉ hè, chúng tôi rất lo lắng cho sự an toàn của các cháu. Ở chỗ chúng tôi cũng có nhà văn hóa, nhưng nhà văn hóa chưa tạo ra được các hoạt động vui chơi bổ ích để thu hút các cháu. Trong các cuộc họp với chính quyền địa phương, chúng tôi cũng đã có ý kiến về vấn đề này. Tuy nhiên, nếu huy động đóng góp của người dân để duy trì hoạt động của nhà văn hóa thì chúng tôi không có khả năng bởi ở quê chỉ trông chờ vào ruộng lúa, làm ra đồng tiền đã khó, trong khi chúng tôi đã phải chi đủ các khoản.
Tôi thấy, ở thành phố kêu thiếu sân chơi cho trẻ nhưng vùng thôn quê chúng tôi chỉ mong được như thành phố đã là tốt lắm rồi. Tôi mong chúng ta làm tốt công tác xã hội hóa, thu hút sự đầu tư từ nhiều nguồn để tạo ra nhiều sân chơi cho trẻ.
Chị Nguyễn Thu Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội: Mong mỗi cụm dân cư có chỗ vui chơi giải trí cộng đồng
Khi mới có một cháu, chiều tối, vợ chồng tôi thường cho cháu đi công viên chơi nhưng mấy lần gặp cảnh “tình tự” của trai gái trong công viên, chúng tôi không dám cho cháu vào nữa vì sợ ảnh hưởng đến tâm hồn ngây thơ của cháu.
Năm nay, con tôi lên lớp 5. Kỳ nghỉ hè này, tôi muốn cho con đi tập bơi ở Trường Thể thao thiếu niên 10.10 nhưng mấy ngày tuyển sinh vừa qua, người đến cứ nườm nượp, chen chúc nhau đến bã cả người vẫn chưa đăng ký được, đành phải bỏ cuộc.
Mùa hè này, tôi đang đau đầu không biết gửi cháu ở đâu. Bà nội thì đang phải trông đứa nhỏ 2 tuổi. Cháu nhỏ nhà tôi suốt ngày quanh quẩn trong nhà với bà nội, vì gần nhà không có chỗ chơi công cộng nên đã mắc chứng tự kỷ nhẹ, hay sợ và không dám tiếp xúc với người lạ. Nếu tại mỗi cụm dân cư có chỗ vui chơi giải trí cộng đồng với nhiều hoạt động phong phú thiết thực cho trẻ thì tốt biết mấy.
Theo VOV