Để trở thành “đầu tàu” phát triển…

Cập nhật: 22-02-2024 | 08:39:01

Vượt lên trên những khó khăn thách thức, các địa phương thuộc vùng Đông Nam bộ là TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu đang vươn mình mạnh trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và vốn trong nước vào các dự án trên nhiều lĩnh vực, như: Công nghiệp, bất động sản, thương mại - dịch vụ, logistics, hạ tầng kỹ thuật… Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), trong năm 2023, cả nước thu hút vốn FDI được 36,61 tỷ USD, riêng vùng “tứ giác” Đông Nam bộ đạt gần 10 tỷ USD, chiếm hơn 27,3% tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam.

Hiện nay, vùng Đông Nam bộ có gần 120 khu công nghiệp đã thành lập, chiếm gần 31% số khu công nghiệp của cả nước, thu hút hơn 750.000 dự án. Đồng thời, Đông Nam bộ có khoảng 14.800 doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics, chiếm gần 50% cả nước, đảm nhận 45% tổng khối lượng hàng hóa của cả nước.

Trong quy hoạch vùng Đông Nam bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đông Nam bộ tiếp tục duy trì vai trò đầu tàu trong phát triển kinh tế. Theo đó, Đông Nam bộ sẽ huy động tối đa nguồn nội lực cho phát triển, kết hợp hài hòa với ngoại lực để phát triển nhanh, bền vững. Các doanh nghiệp trong vùng phải đi đầu trong việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trên cơ sở làm chủ công nghệ, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, tham gia hiệu quả, cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Dưới góc nhìn chuyên gia, PGS-TS Trần Đình Thiên cho rằng Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam bộ cần nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách liên kết, phát triển vùng để khai thác tốt lợi thế của từng địa phương trong vùng. Để vùng Đông Nam bộ trở thành đầu tàu mạnh trong phát triển kinh tế cần tập trung đẩy mạnh hợp tác, liên kết vùng, tạo không gian kinh tế thống nhất để khắc phục các điểm “nghẽn”, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao khả năng cạnh tranh vùng. Trong đó ưu tiên nguồn vốn đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật kinh tế - xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông.

Với Bình Dương, năm 2023, thu hút vốn FDI của tỉnh đạt hơn 1,54 tỷ USD. Lũy kế đến giữa tháng 1-2024, doanh nghiệp FDI đầu tư vào Bình Dương hơn 4.200 dự án với tổng vốn đăng ký trên 40,3 tỷ USD. Đặt mình trong vị thế một cạnh của vùng tứ giác, Bình Dương nỗ lực lớn trong giải ngân vốn đầu tư công, thu hút đầu tư trong nước, FDI; tập trung tháo gỡ các vướng mắc của doanh nghiệp, đơn giản và rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số trên các lĩnh vực, tăng xúc tiến thương mại tạo ra đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó, thúc đẩy chung sự tăng trưởng GRDP của khu vực Đông Nam bộ và cả nước. Đặc biệt, trong hành trình xây dựng vùng đổi mới sáng tạo, mọi chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Bình Dương đều lấy con người làm trung tâm. Việc tạo môi trường sống tốt nhất để thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, trí thức trẻ đến sinh sống và làm việc chính là mục tiêu giúp Bình Dương phát triển bền vững.

KHẢI ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=583
Quay lên trên