Để Việt Nam là điểm đến thu hút dòng tiền cho sáng tạo

Cập nhật: 10-06-2019 | 17:51:39

Lượng tiền các quỹ đầu tư rót cho các startup Việt đang ngày càng tăng, điều này cho thấy các quỹ nước ngoài đang rất quan tâm tới lĩnh vực đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam.

Vietnam Venture Summit quy tụ những tên tuổi lớn như Softbank Vision Fund; Sequoia, SK, Temasek, Insignia, Golden Gate Venture, Hanwha... , là các quỹ hàng đầu đến từ Thung lũng Silicon, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc. (Ảnh: Danh Lam - TTXVN)

Diễn đàn Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam (Vietnam Venture Summit) 2019 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Golden Gate Ventures phối hợp tổ chức ngày 10/6 tại Hà Nội với mong muốn hình thành một diễn đàn đối thoại giữa các quỹ đầu tư trong và ngoài nước với Chính phủ và cộng đồng khởi nghiệp (startup) Việt Nam.

Vietnam Venture Summit nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, những giải pháp thiết thực, đồng bộ giúp phát triển tốt hơn môi trường đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam, đồng thời kết nối, tìm kiếm cơ hội đầu tư giữa các quỹ và các startup Việt Nam.

Tại diễn đàn, đánh giá bức tranh tổng quát về startup Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dẫn chứng, số liệu 3 năm trở lại đây lượng tiền các startup nhận từ các quỹ đầu tư tăng nhanh với tốc độ tăng lần lượt từng năm là 49%, 42% và 205% so với năm liền kề trước đó.

Theo Phó Thủ tướng, các quỹ ngoại đang quan tâm tới Việt Nam và cần tiếp tục duy trì sự quan tâm này.

Phó Thủ tướng lưu ý, có nhiều việc phải làm, trước hết là tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh một cách mạnh mẽ.

Tiếp đó, phải có đột phá mạnh trong lĩnh vực công nghệ thông tin và những ngành kinh tế ứng dụng nhiều công nghệ thông tin. Tương lai không chỉ có startup, mà chủ yếu vẫn phải ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, startup giải quyết những nhu cầu của người dân và còn vô vàn nhu cầu cần giải quyết, đó chính là cơ hội cho các startup.

“Các bạn trẻ hãy tăng cường kết nối, Chính phủ có nghĩa vụ giúp các bạn kết nối tốt hơn,” Phó Thủ tướng nói.

Chính phủ khuyến khích và mong muốn các startup ở Việt Nam nhưng không hạn chế chỉ trong Việt Nam, mà các startup cần tìm kiếm những cơ hội tại thị trường quốc tế.

Cùng đó, cần lưu tâm đến giáo dục và khoa học công nghệ, điều này phải đảm bảo bằng những chính sách cụ thể.

Đối với các quỹ đầu tư, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh sự có mặt của các quỹ là không thể thiếu. Các doanh nghiệp startup cần sự nâng đỡ của các doanh nghiệp đàn anh.

Phó Thủ tướng mong muốn, truyền thông và xã hội hãy tiếp tục cổ vũ cho sự sáng tạo.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, thời gian gần đây, nền kinh tế Việt Nam đã có những dấu hiệu cho thấy đổi mới, sáng tạo đã có những bước tiến đáng kể, góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế.

Mặc dù vậy, đổi mới sáng tạo gắn với tăng trưởng và phát triển của Việt Nam vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, còn nhiều dư địa chưa được khai thác, tận dụng để phát triển.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan, nghiên cứu, tham mưu, đề xuất các giải pháp, công cụ hỗ trợ phục vụ sự phát triển của Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam.

Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị 3 chương trình hành động chính gồm: tập trung xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cho nền kinh tế đổi mới sáng tạo; hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; khơi thông nguồn vốn cho các hoạt động đổi mới sáng tạo.

Đối với chương trình hành động đầu tiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan, thành lập Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2018.

Hoạt động này đã gặt hái được những thành công quan trọng bước đầu với việc quy tụ hơn 100 tài năng công nghệ Việt Nam trên khắp thế giới sẵn sàng kết nối, hợp tác với các cơ sở nghiên cứu, chuyên gia công nghệ trong nước và cộng đồng doanh nghiệp để cùng nhau giải các bài toán về công nghệ, giải quyết các thách thức của nền kinh tế.

Đây là nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho hoạt động đổi mới sáng tạo của Việt Nam.

Kể từ đó, mạng lưới đã được mở rộng đáng kể với nhiều hoạt động phong phú, tổ chức chuỗi sự kiện đào tạo cùng Tổ chức Trí tuệ nhân tạo Việt (VietAI) để nuôi dưỡng các tài năng trí tuệ nhân tạo trong nước.

Sắp tới, song song với việc tiếp tục triển khai các hoạt động đào tạo trong nước với các tổ chức đối tác, Việt Nam cũng sẽ mở rộng mạng lưới thông qua việc giới thiệu chương trình học bổng để tuyển chọn và đưa các hạt giống nhân tài Việt Nam đi đào tạo tại các trường hàng đầu trên thế giới.

Một ý tưởng về việc thành lập Quỹ Vietnam Global Innovation Fund (Đổi mới sáng tạo toàn cầu) đang được hình thành để thực hiện các hoạt động này, bước đầu đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của nhiều đối tượng liên quan.

Đối với chương trình hành động thứ hai, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ đẩy mạnh hoạt động đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp, kết nối các startup với các doanh nghiệp lớn để giải các bài toán cụ thể, đồng thời, hỗ trợ việc đưa đổi mới sáng tạo vào hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm của các doanh nghiệp.

Vietnam Venture Summit 2019 là một trong những hoạt động ban đầu của chương trình hành động thứ ba nhằm khơi thông nguồn vốn đầu tư.

Với sự kiện này, lần đầu tiên tại Việt Nam, nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm tầm cỡ khu vực và quốc tế đã đến và tham dự trong một sự kiện, để cùng nhau thảo luận về những cơ hội mà thị trường Việt Nam đem đến cho giới đầu tư cũng như khuyến nghị Chính phủ những giải pháp tháo gỡ vướng mắc để khơi thông dòng vốn.

Đây là một phần của chiến lược lớn nhằm đưa hệ sinh thái đổi mới của Việt Nam lên một tầm cao mới.

Bên lề Vietnam Venture Summit 2019, ông Nguyễn Hữu Tuất, CEO Fastgo, chia sẻ dòng vốn đầu tư từ các quỹ đầu tư nước ngoài đổ về khu vực Đông Nam Á đang ngày càng tăng, tuy nhiên, con số này thấp hơn rất nhiều so với số tiền đầu tư thực chất rót vào.

Bởi các startup của Việt Nam nhận vốn đầu tư nước ngoài phần lớn thành lập công ty tại Singapore, nên tiền đầu tư vào các startup của Việt Nam nhưng lại ghi nhận đầu tư cho Singapore.

Để tránh trở ngại cho các startup trong việc chậm giải ngân và sử dụng vốn đầu tư, ảnh hưởng đến việc phát triển các hoạt động kinh doanh, ông Nguyễn Hữu Tuất đề xuất, Chính phủ nên xem xét cắt giảm các điều kiện kinh doanh và giấy phép kinh doanh còn chồng chéo.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Huy Hoàng, CEO Alobase nhận xét, việc nhận vốn đầu tư từ nước ngoài của các công ty Việt không hề dễ dàng, dù số lượng các nhà đầu tư đến Việt Nam tăng lên mỗi năm. Nên chăng, việc đăng ký quy trình thủ tục cho các startup công nghệ cần phải nhanh chóng, hạn chế giấy tờ mà có thể đăng ký trực tiếp, nhận kết quả online như một số nước khác.

Ông Nguyễn Huy Hoàng đề xuất áp dụng chính sách cho các công ty cổ phần startup được phép nhận cổ phần công ty theo từng giai đoạn thay vì góp vốn toàn bộ trong 90 ngày, nhằm mục đích tăng tính cam kết và trách nhiệm của các cổ đông trong startup./.

Theo Vietnam+

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=2326
Quay lên trên